Mỹ đưa ra đề nghị “3 không” ở Biển Đông, sẽ có ở diễn đàn ARF

08/08/2014 10:32
Đông Bình
(GDVN) - Trước các hội nghị Diễn đàn khu vực ARF của ASEAN, xin điểm lại một số động thái gia tăng can dự Biển Đông của Mỹ trong bối cảnh khu vực hiện nay.

"Biển Đông là vấn đề ưu tiên khi thăm ĐNÁ của Ngoại trưởng Mỹ"

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 5 tháng 8 đưa tin, tại cuộc họp báo tổ chức ở Viện Brookings ngày 4 tháng 8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell cho biết, bắt đầu từ ngày 9 tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ lên đường tới thăm Myanmar và tham dự một loạt hội nghị ở khu vực như Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Ngoại trưởng - Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Thủ đô Naypyidaw, Myanmar. Tại cuộc họp báo này, vấn đề Biển Đông đã trở thành trung tâm chú ý của các phương tiện truyền thông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Daniel Russell
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Daniel Russell

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russell cho biết, trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng John Kerry sẽ cùng các nước đối tác trong khu vực tiếp tục bàn bạc các vấn đề như hợp tác kinh tế, phòng chống thiên tai và an ninh. Theo ông Daniel Russell, Mỹ luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước ASEAN, điều này giúp cho hai bên cùng có lợi.

Ông Daniel Russell cho biết, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành một trong những vấn đề ưu tiên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, phía Mỹ sẽ thảo luận tình hình Biển Đông với các nhà lãnh đạo ASEAN, đồng thời bày tỏ mối quan tâm của phía Mỹ.

Ông Daniel Russell cho rằng, tình hình Biển Đông hiện nay phức tạp, mong manh, cho dù là một số nhân tố ngẫu nhiên thì cũng có thể gây ra phán đoán nhầm, tiến tới chuyển biến thành khủng hoảng khu vực. Vì vậy, phía Mỹ kêu gọi các bên liên quan có thể xử lý tranh chấp bằng phương thức hòa bình, cùng bảo vệ sự ổn định của khu vực.

Đối với vấn đề này, Trợ lý Daniel Russell cũng đã đưa ra đề nghị xử lý vấn đề Biển Đông của phía Mỹ, cho rằng: "Về ngắn hạn, các bên cần giữ thái độ kiềm chế, để cho tình hình giảm nhiệt; về lâu dài, các bên cần giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, đàm phán".

Theo ông Russell: "Lập trường của Mỹ trong vấn đề này là rõ ràng, tức là Mỹ hoàn toàn không phải là một nước đòi hỏi trong tranh chấp Biển Đông, vì vậy, chúng tôi không giữ lập trường trong vấn đề này, duy trì trung lập".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Trợ lý Russell không đồng ý quan điểm cho rằng, một loạt các hành động và thái độ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông là có ý đối đầu với Trung Quốc. Ông cho biết, Mỹ tôn trọng tiếng nói khác nhau của các nước trong vấn đề Biển Đông, điểm xuất phát của Mỹ hoàn toàn không nhằm vào Trung Quốc.

Ông Daniel Russell còn nói: "Mỹ tiếp tục được lợi từ quan hệ Mỹ-Trung. Chúng tôi vừa tiến hành Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung vòng thứ 6, hai bên đã tiến hành trao đổi thẳng thắng, thành quả rất lớn".

Ngoài ra, hãng tin Reuters Anh ngày 5 tháng 8 cũng cho biết, tại Diễn đàn khu vực ASEAN sắp tới, Ngoại trưởng John Kerry sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “đóng băng” các hành động làm trầm trọng thêm tranh chấp Biển Đông. Được biết, Trung Quốc đã từ chối đề nghị này.

Theo ông Daniel Russell, đây không phải là đề nghị mới, cũng không phải là “việc rất khó”, nhưng lại là “đồng thuận”.

Theo bài báo, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chuyến thăm của ông John Kerry là làm giảm tình hình căng thẳng của Biển Đông. Hàng năm, lượng thương mại đi qua Biển Đông khoảng 5.000 tỷ USD, Trung Quốc và 4 nước thành viên ASEAN đều đưa ra chủ trương chủ quyền đối với Biển Đông (thực ra thì Trung Quốc nhảy vào xâm lược, gây ra tranh chấp).

Trung Quốc khủng bố - đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc khủng bố - đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Mỹ đưa ra đề nghị “3 không” ở Biển Đông

Ngày 11 tháng 7 năm 2014, trong Hội thảo về Biển Đông lần thứ tư của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs đã lên tiếng phê phán hành vi “đơn phương và khiêu khích” của Trung Quốc.

Đồng thời, ông Michael Fuchs kêu gọi các bên tranh chấp tự nguyện ngừng (đóng băng) các hành động khiêu khích làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng Biển Đông, đề xuất “Kiến nghị 3 không Biển Đông”: Các bên không tiếp tục cướp đoạt đảo đá và thiết lập trạm tiền tiêu; không thay đổi địa hình, địa mạo của Biển Đông; không áp dụng các hành động đơn phương nhằm vào nước khác.

Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra đề nghị cụ thể yêu cầu các bên chấm dứt hành động trước mắt. Theo truyền thông thì kiến nghị của ông Michael Fuchs là nhằm vào Trung Quốc.

Có nguồn tin cho biết, Mỹ đưa ra đề nghị trên nhằm thực thi Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc (2002), tạo điều kiện cho đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Mỹ sẽ thúc đẩy đề nghị này tại cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN sắp tới.

Đáng chú ý, sau cuộc hội thảo về Biển Đông ngày 10 – 11 tháng 7, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) Mỹ cũng đã công bố một tài liệu 22 trang mang tên “Xu hướng gần đây tại Biển Đông và chính sách của Mỹ”, nêu lên những kiến nghị về chính sách của Mỹ ở Biển Đông.

Trung Quốc muốn biến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các nước ven Biển Đông thành vùng biển có tranh chấp. Trong hình là Trung Quốc ngang nhiên triển khai giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ở khu vực chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trung Quốc muốn biến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các nước ven Biển Đông thành vùng biển có tranh chấp. Trong hình là Trung Quốc ngang nhiên triển khai giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ở khu vực chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế.

Trước đó, ngày 10 tháng 7, Thượng viện Mỹ cũng thông qua nghị quyết S.RES.412  ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời lên án mạnh mẽ Trung Quốc, coi các hành vi của họ là mang tính đe dọa và có ý đồ làm thay đổi hiện trạng, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981, nhấn mạnh phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.

Những nội dung của Nghị quyết S.RES.412 cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung tại Bắc Kinh từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 7 năm 2014.  

Trước sự lên án mạnh mẽ của Mỹ, ngày 15 tháng 7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn ngang ngược khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và yêu cầu các nước liên quan rút người và trang thiết bị khỏi quần đảo này. Đồng thời yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, để các nước liên quan tự giải quyết vấn đề của họ. Cũng trong ngày 15 tháng 7, Trung Quốc đã bắt đầu rút giàn khoan 981 về Lăng Thủy, đảo Hải Nam.

Đối với kiến nghị “3 không” của Mỹ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, ông Ngô Sĩ Tồn hậm hực cho rằng, phương án giải quyết tranh chấp Biển Đông không đến lượt Mỹ đưa ra, đồng thời hoàn toàn đổ lỗi cho Mỹ, rằng nguồn gốc làm cho vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng những năm gần đây là do Mỹ áp dụng lập trường “thiên vị”.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton

Sự leo thang căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc cũng đã bị cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton lên tiếng phê phán ngay trên đất Trung Quốc.

Ngày 25 tháng 7, khi tham dự một hội nghị của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tại Quảng Châu, ông Bill Clinton đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.

Ông Bill Clinton ủng hộ chủ trương giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong khuôn khổ đa phương, cho rằng: “Bắc Kinh phải lựa chọn một giải pháp mà các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines không bị lấn át”, vì Trung Quốc là nước lớn. Có như vậy các nước nhỏ mới không bị uy hiếp.

Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng cứng rắn?

Đối với chính sách Biển Đông của Mỹ, một bài viết trên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” vào ngày 28 tháng 4 đã dẫn nhiều nhà phân tích nhận định, vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề có khả năng nổ ra xung đột nhất ở châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời cho rằng, chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng cứng rắn.

Đáng chú ý, bài báo phân tích cho rằng, chính sách Biển Đông của Mỹ trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 1990 đến năm 1994), Mỹ không coi tranh chấp đảo ở Biển Đông là vấn đề an ninh và trọng điểm quan tâm, khi đó Mỹ chỉ yêu cầu bảo vệ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình tranh chấp.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Giai đoạn 2 (từ năm 1995 đến năm 2009), mức độ quan tâm đến Biển Đông của Mỹ tăng lên rõ rệt. Từ năm 2009 trở đi, vấn đề Biển Đông trở thành một trong những trọng điểm quan tâm của Mỹ trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương.

Giai đoạn 3 (từ năm 2010 đến nay), Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ coi tự do hàng hải quốc tế là lợi ích quốc gia, tuy Mỹ nói không lựa chọn đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Mỹ yêu cầu phải phù hợp với luật pháp quốc tế, giải quyết bằng biện pháp hòa bình – đây là điểm chuyển ngoặt trong chính sách Biển Đông của Mỹ.

Gần đây, Mỹ thái độ đối với vấn đề Biển Đông của Mỹ có sự thay đổi rõ rệt, cho rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, yêu sách này ngăn cản tự do hàng hải quốc tế. Nội bộ của Mỹ đã đạt đồng thuận áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Như vậy, theo bài báo, Mỹ coi tự do hàng hải ở Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ và Mỹ hành động vì lợi ích này. Ngoài lợi ích của Mỹ, còn một số nhân tố thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách Biển Đông của Mỹ như: tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng tăng; tự do hàng hải rất quan trọng đối với thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ;

trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển tới châu Á-Thái Bình Dương, nhất là về quân sự, theo đó tự do hàng hải ở đây trở nên rất quan trọng; Mỹ còn tăng cường quan hệ đồng minh và xây dựng đối tác mới ở khu vực; Mỹ muốn cân bằng với ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng ở khu vực, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tự do hành động của Mỹ.

Quân đội Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông vào ngày 9 tháng 5 năm 2014
Quân đội Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông vào ngày 9 tháng 5 năm 2014

Tóm lại, chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng cứng rắn, mức độ can thiệp vấn đề Biển Đông ngày càng sâu sắc – điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường xung quanh Trung Quốc và quan hệ quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đông Bình