Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nguy cơ bệnh dịch Ebola lan rộng trong cộng đồng quốc tế đặc biệt nghiệm trọng. Bệnh dịch này đã khiến gần 1.000 người ở 4 quốc gia thuộc khu vực phía Tây châu Phi tử vong.
Trong một tuyên bố, WHO nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Ebola trên toàn thế giới”.
Trước đó, ngày 7/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã quyết định nâng mức độ phản ứng khẩn cấp đối với dịch Ebola lên cấp 1.
Ảnh minh họa. |
Theo một người phát ngôn của CDC, cấp 1 là mức phản ứng cao nhất tại trung tâm tác chiến khẩn cấp này. Kể từ khi được thành lập vào năm 2003, trung tâm chỉ kích hoạt mức này ba lần, trong đó hai lần trước là khi xảy ra cơn bão Katrina vào năm 2005 và dịch cúm H1N1 vào năm 2009.
Hiện có 240 nhân viên của CDC đang tham gia các hoạt động phòng chống dịch Ebola, với 30 người đang hoạt động tại các vùng bị ảnh hưởng và một số người đang trên đường tới các khu vực này.
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Tom Frieden nhận định hai nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát chưa từng có của dịch Ebola hiện nay là công tác kiểm soát lây nhiễm lỏng lẻo trong quá trình chăm sóc bệnh nhân và các tục lệ mai táng không đảm bảo an toàn của người dân khu vực Tây Phi. Ông Frieden cho rằng dịch Ebola lây lan tới Mỹ thông qua con đường du lịch là điều không thể tránh khỏi, song ông khẳng định dịch sẽ không bùng phát tại Mỹ.
Bộ Y tế: Chủ động ứng phó với virus Ebola
Báo điện tử Chính phủ dẫn lời ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 7/8, thế giới đã ghi nhận 1.711 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 932 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone). Đáng chú ý là đã có trên 100 nhân viện y tế bị lây nhiễm virus này.
Cũng theo ông Phu, hiện Bộ Y tế chưa nhận được thông tin nào về việc Philippines đã có 7 người nhiễm virus Ebola như một số cơ quan truyền thông nói.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng Bộ Y tế cũng nhìn nhận đây là bệnh dịch rất nguy hiểm và không được chủ quan.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chủ động ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với 3 tình huống.
Tình huống thứ nhất: Khi chưa ghi nhận ca bệnh nào: Mục tiêu là phát hiện sớm để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.
Tình huống 2: Khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập đơn lẻ thì cần khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan cộng đồng.
Tình huống 3: Khi dịch lây lan ra cộng đồng thì sẽ tiến hành phản ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan rộng.
Bên cạnh đó, từ ngày 15/8, Bộ Y tế sẽ áp dụng tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch (4 nước Tây Phi nói trên) chưa qua 21 ngày tại tất cả các cửa khẩu quốc tế bằng đường hàng không và đường bộ.
Theo ông Phu, hiện nay, quan trọng nhất là khâu giám sát ở tất cả các cửa khẩu và cộng đồng. Việc kiểm soát sẽ được thực hiện quyết liệt và nghiêm ngặt bởi tỷ lệ mắc và tử vong do virus Eboal đang cao từng ngày, tử vong nhiều và nhanh.
Khâu giám sát không chỉ thực hiện đối với những người có triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola mà phải giám sát cả với những người có chung chuyến bay hoặc tiếp xúc với người đó.
Tuy nhiên, ông Phu cũng khuyên người dân nên bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh, mọi người cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa… Nếu có tiếp xúc với khách mới về từ những quốc gia có dịch thì phải khai báo. Trong vòng 21 ngày, nếu có các triệu chứng như: ho, sốt , mệt mỏi... cần đến ngay cơ sở y tế.
Cũng theo ông Phu, hiện nay, hệ thống xét nghiệm của nước ta cơ bản đáp ứng được các xét nghiệm nghi nhiễm virus Ebola. Một số tổ chức quốc tế cũng đã hứa sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề này.