Ông Tập Cận Bình. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 11/8 bình luận, từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Tập Cận Bình đã tập trung ưu tiên hàng đầu của mình vào việc giải quyết nạn tham nhũng lan tràn trong bộ máy lãnh đạo khiến hàng chục ngàn quan chức đã bị trừng phạt, trong đó có hơn 30 quan chức cao cấp.
Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình có quy mô lớn nhất kể từ năm 1949 và nó tiếp tục đạt tới cấp độ mới sau khi điều tra Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị và bắt giam Từ Tài Hậu, một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương. Giữa lúc chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của ông Bình đang lên tới cao trào, người ta lại đặt ra câu hỏi về động cơ thực sự của ông sau chiến dịch này.
Người ta đang đặc biệt quan tâm xem chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ kéo dài trong bao lâu và liệu sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang có đánh dấu một sự khởi đầu hay kết thúc của chiến dịch chống tham nhũng. Những quan điểm hoài nghi cho rằng chiến dịch này chỉ là một phần nỗ lực củng cố quyền lực vào tay Tập Cận Bình bằng cách nhắm mục tiêu vào kẻ thù và bảo vệ đồng minh.
Trong khi hội nghị Bắc Đới Hà, một hội nghị thượng đỉnh phi chính thức giữa các quan chức cấp cao đương nhiệm và nghỉ hưu đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp, có ý kiến cho rằng Tập Cận Bình đã phải chịu áp lực rất lớn từ các cựu lãnh đạo về việc giảm quy mô chiến dịch chống tham nhũng để "giữ ổn định trong đảng" và tập trung vào phát triển kinh tế.
Một số nhà đầu tư đã bắt đầu phàn nàn về chiến dịch chống tham nhũng đã tạo ra những hệ quả khôn lường, các quan chức sợ hãi rút về phòng thủ và trì hoãn phê duyệt nhiều dự án bởi họ ngày càng ít chú ý đến công việc hàng ngày của mình. Nhiều người trong số họ đang lo lắng liệu họ có phải là mục tiêu tiếp theo của chiến dịch này hay không.
Nhưng có những dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình có thể tiếp tục đi xa hơn và nhiều người đã đánh giá thấp quyết tâm của ông để củng cố quyền lực không chỉ cho cá nhân, mà còn cho cả đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình đã trở thành 1 nhà lãnh đạo "không thể tranh cãi" với quyền lực bao trùm trong đảng, đời sống kinh tế, quân sự, an ninh quốc gia, internet cũng như chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc bị bắt vì tham nhũng. |
Hoạt động củng cố nhanh chóng quyền lực của Tập Cận Bình sẽ không có được thành công nếu không có một sự hậu thuẫn từ tầng lớp trên, bao gồm cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người được cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới tinh hoa lãnh đạo Trung Quốc từ đằng sau hậu trường. Giới tinh hoa trong đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng hỗ trợ Tập Cận Bình sau khi chứng kiến những gì người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào đã không thể kiểm soát được 9 thành viên Thường vụ Bộ chính trị.
Trong 10 năm ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền, tham nhũng đã lây lan nhanh chóng trong khi không có một cải cách nào đáng kể. Là con trai của một cựu lãnh đạo cải cách, Tập Cận Bình nuôi dưỡng tham vọng lớn để lại một di sản chính trị ngang tầm với Đặng Tiểu Bình, người đã đưa Trung Quốc vào con đường cải cách mở cửa.
Tập Cận Bình cũng đang cố gắng để củng cố tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nạn tham nhũng. Ngay cả các quan chức tham nhũng cũng tin rằng, tham nhũng đã ngoài tầm kiểm soát, điều này đe dọa đến sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi ông quyết định bắt 1 quan chức cấp cao hay 1 con hổ, Tập Cận Bình phải đối mặt với những kháng cự mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích khiến các học giả Trung Quốc phải cảnh báo về khả năng những con hổ tấn công trở lại. Theo các phương tiện truyền thông, Tập Cận Bình đã nói trước Bộ chính trị rằng ông đánh cược cả tính mạng và danh dự của mình vào chiến dịch chống tham nhũng. Ông sẽ theo đuổi nó đến cùng.
Tất cả điều này cho thấy Tập Cận Bình sẽ không có lựa chọn nào khác để tiếp tục chiến dịch của mình và không tạo cơ hội cho những con hổ chiến đấu trở lại. Đã có những suy đoán rằng sau Chu Vĩnh Khang sẽ đến lượt 1 cựu Phó Thủ tướng và 1 tay chân thân tín của Hồ Cẩm Đào trở thành mục tiêu của chiến dịch.
Việc ông Tập Cận Bình cho điều tra các quan chức tại Thượng Hải và Chiết Giang, 2 địa bàn ông từng phụ trách trước đây cho thấy chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục không suy giảm trong tương lai gần. Tuy nhiên Tập Cận Bình vẫn phải chịu áp lực phá vỡ sự bế tắc và giảm bớt những lo ngại về ý định của mình mà có thể được thay thế bằng thúc đẩy cải cách triệt để.