PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt nam về 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố. Theo PGS Nhã, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là một việc tốt, nhưng sẽ thất bại nếu không nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Vào tháng 8/2013, tại hội nghị “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói rất thẳng thắn rằng: “Nếu thắt chặt lại thì thắt chặt cả khâu quản lý, giảng dạy. Nếu theo dõi được thì bỏ khâu tốt nghiệp đi. Hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH cách nhau gần quá, gây khổ cực cho HS, cho gia đình cũng như địa phương”.
Lúc ấy, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, vì chúng ta đang phấn đấu để phổ cập, các trường đều cố gắng để cho học sinh có thể đỗ tốt nghiệp.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Văn Nhã lại cho rằng, với tình hình hiện tại của nền giáo dục Việt Nam thì không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Tóm lại kỳ thi này để nhằm mục đích gì? Nó là cái sàng để lọc được trấu và sạn để giữ được những hạt gạo trong lành. Thế nhưng cái sàng ấy đã không hoàn thành được nhiệm vụ, mà bằng chứng là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 99%, tiêu cực thì khắp nơi. Vậy nên có nhiều người bức xúc đòi bỏ kỳ thi này, nhưng nếu bỏ thi bây giờ thì sẽ không tạo ra động lực học tập, các em sẽ chỉ học những môn để vào chuyên ngành đại học, như vậy sẽ rất nguy hiểm, bằng chứng là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua môn Sử bị học sinh quay lưng một cách thê thảm. Trước đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đặt vấn đề bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng có hai vế rất quan trọng, đấy là sự nhắc nhở đã là một kỳ thi quốc gia thì phải nghiêm túc, hai là đi kèm với nó phải là đổi mới quản lý và giảng dạy”, PGS Nhã chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội; Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi: "Khốn khổ thay, trong cuộc đời lại rất ít người ủng hộ cái mới". Ảnh: Ngọc Quang |
PGS Nguyễn Văn Nhã đồng tình với quan điểm đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục, vì đây là “tử huyệt”, là bước đột phá để kéo theo các khâu khác phải đổi mới.
“Tôi biết rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục khó hơn các Bộ trưởng khác ở chỗ từ trẻ con mẫu giáo mầm non cho tới thạc sĩ, tiến sĩ đều có trách nhiệm của Bộ trưởng. Một nhiệm kỳ thì ngắn ngủi, mà để đổi mới được thì cần sự đồng thuận của cả hệ thống của nhà nước, và của cả xã hội chứ đâu phải mình ông Bộ trưởng và Bộ Giáo dục làm được.
Đã đổi mới có nghĩa là không vương vấn gì tới cái cũ, nhưng khốn khổ thay trong cuộc đời lại rất ít người ủng hộ cái mới, và tôi dám chắc rằng trong số 1000 người đưa ra ý kiến thì đa phần sẽ chọn cái nào dễ nhất, gần nhất với cái gì đang có, cho nên để chữa một thói quen khó vô cùng. Vì vậy, chúng ta muốn đổi mới thì đầu tiên phải tạo được sự đồng thuận của xã hội, từ đó mới tạo ra quyết tâm chung để vượt qua tư duy kiểu cũ, nếu không thì thất bại là cái chắc.
Cái gọi là đổi mới khi ấy chỉ được coi là ý tưởng mới, nhưng chưa có điều kiện thực hiện, và chẳng biết đến bao giờ nó mới có đủ điều kiện khi mà đa số đều ngại thay đổi. Lịch sử đã chứng minh rồi đấy thôi, rằng cái đèn của nhà vua không đổ dầu vào mà vẫn sáng, và bây giờ nếu không cẩn trọng thì sẽ lại có một câu chuyện giống hệt như vậy”, PGS Nhã nhận định.
Bộ Giáo dục phải kiểm soát được chất lượng thi tốt nghiệp THPT
Trong số 3 phương án thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng, mục tiêu cuối cùng là phải tiến tới được phương án 3 – bài thi tích hợp. Tuy nhiên, để tiến tới được một bài thi tích hợp hoàn hảo, thì cần phải có thời gian bồi dưỡng giáo viên, thay đổi chương trình đào tạo tại các trường sư phạm, dạy và học cũng phải thay đổi… có nghĩa là chúng ta chỉ thi tích hợp được khi có một chương trình mới hoàn chỉnh.
"Nếu là học sinh, mình cũng thấy hoảng..."
PGS Nhã phân tích: “Câu hỏi đặt ra là thời điểm nào thi tích hợp? Có người bảo làm ngay năm nay, nhưng tôi nghĩ nếu vẫn cứ thi theo nếp cũ, cách cũ thì chẳng có gì phải bàn đâu, chắc chắn là thất bại. Bộ trưởng Luận đã nói rồi, nếu một bài thi tích hợp nhiều kiến thức trong một bài thi thì ai chấm? Và còn khó hơn nữa là chấm ai, nếu như chúng ta đặt cái sào cao quá khiến cho học sinh không nhảy qua nổi? Vì vậy phải cân nhắc thận trọng, chúng ta không thể mang hàng nghìn học sinh ra làm chuột thí nghiệm”.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT phải trả lời được câu hỏi: Bạn xứng đáng nhận bằng tốt nghiệp THPT chưa?
PGS Nhã bày tỏ: “Hiện nay rất nhiều nhà khoa học cũng đang lo lắng về điều ấy và mong muốn chia sẻ khó khăn với Bộ Giáo dục. Kỳ thi đó cũng chính là cái sàng để trả lời cho học sinh rằng: Có thể thi được vào đại học không, hay nên đi học nghề?
Tôi đồng tình với những quan điểm nên giao trách nhiệm cho các địa phương, nhưng giao mà không quản lý được thì mãi mãi có tiêu cực, cho nên phải gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị, cá nhân, và phải lập tức loại ra khỏi ngành những giáo viên dung túng cho tiêu cực. Bộ Giáo dục chắc hẳn đang rất lo lắng ở điểm này nên chưa có ý định giao cho các địa phương tự chủ là vì thế.
Rốt cuộc làm thế nào thì Bộ Giáo dục cũng phải đảm bảo được sự nghiêm túc ở kỳ thi này thì mới mong đất nước sẽ xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tương lai, khi nền giáo dục đã đổi mới thực sự và ổn định như Mỹ, Anh, Đức... thì lúc ấy chúng ta không cần phải đau đầu với kỳ thi tốt nghiệp nữa, vì học môn nào sẽ kiểm tra kết thúc môn ấy một cách hết sức nghiêm túc”.
Cũng theo PGS Nguyễn Văn Nhã, thi tốt nghiệp THPT chỉ là một khâu của quá trình đào tạo, do đó nếu không nhìn rộng ra thì rất nguy hiểm, vì đổi mới thi chắc chắn tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô kéo theo một loạt khâu khác phải đổi mới.
PGS Nhã nói: “Vấn đề tiếp theo là chúng ta phải đổi mới chương trình sách giáo khoa ngay để phù hợp với tình hình mới, mà tiến tới là thi tích hợp để kiểm tra kiến thức tổng hợp. Chúng ta làm thế nào? Nếu nhanh quá thì rất dễ làm làm hỏng, lại phải đập đi, gây tốn kém và bức xúc; còn nếu làm chậm quá thì cả một thế hệ tiếp theo sẽ hỏng à? Đó chính là cái khó mà tôi nghĩ xã hội nên nhìn nhận để chia sẻ với Bộ Giáo dục”.