Căn nhà của anh em Chu Vĩnh Khang ở Vô Tích trở thành tâm điểm chú ý của những người hiếu kỳ. |
Trái với hiện tượng mọi thông tin về Chu Vĩnh Khang bị phong tỏa trên internet tại Trung Quốc (như các quan chức, cựu quan chức cấp cao khác) trước thời điểm Bắc Kinh tuyên bố điều tra ông, truyền thông Trung Quốc đang "bới lông tìm vết" quá khứ của cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đầy quyền lực này khi ông đã sa cơ, lỡ vận.
Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 11/8 "tiết lộ" một số tình tiết về đời tư của "cựu trùm an ninh khét tiếng một thời" Chu Vĩnh Khang. Theo tờ báo này, hôm 6/3 vừa qua phóng viên tạp chí Nhân vật Hoàn Cầu đã tìm về quê nhà của Chu Vĩnh Khang ở thành phố Vô Tích tỉnh Giang Tô.
Chu Vĩnh Khang sinh ra tại một ngôi làng nhỏ khoảng hơn 100 hộ dân ở thôn Tây Tiền Đầu khu Hanh Kiều, Vô Tích. Lúc này ngôi nhà của anh em Chu Vĩnh Khang đã trở thành tâm điểm chú ý, dòm ngó của dư luận sau khi có tin đồn ông đã bị điều tra. Tờ báo dẫn lời một người đàn ông "nghe nói" Chu Bân, con trai ông Khang đã ăn nên làm ra như thế nào.
Ngôi nhà của anh em Chu Vĩnh Khang được miêu tả là kín cổng cao tường, phong cách tú lệ và xung quanh lắp camera theo dõi. Cả làng này, chỉ có nhà Chu Vĩnh Khang là có tường bao và lắp camera.
Nhân Dân nhật báo cho biết, trước đó từng có tờ báo đưa tin, cuối những năm 90 của thế kỷ trước Chu Vĩnh Khang từng mời một thày xem tướng, thày tướng này nói ông có tướng mạo làm quan nhưng chỉ làm cấp phó do động mả tổ, Chu Vĩnh Khang bèn gọi điện cho người em sửa sang phần mộ của gia đình.
Năm 1995, khu Hanh Kiều phái người giúp gia đình Chu Vĩnh Khang sửa mộ tổ, chặt bỏ một số cây dâu xung quanh và trồng mới 4 cây đa. Tháng 6 cùng năm, nhà họ Chu xây xong mộ mới. Nhưng một đêm mưa mua thu năm 2009, mộ tổ nhà Chu Vĩnh Khang lại bị đào trộm, cho đến tận bây giờ vụ trộm mộ nhà Chu Vĩnh Khang vẫn chưa được phá.
Người làng nói với tờ báo này rằng, trước đây Chu Vĩnh Khang rất ít khi về quê. Những năm 70 khi còn công tác ở Liêu Ninh, 2 người em Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh chẳng ai chịu chăm sóc người mẹ già Chu Tú Kim nên bà Kim đành phải đến Liêu Ninh ở với người con cả. Nhưng người làng nói rằng, sau khi đến Liêu Ninh sống với Chu Vĩnh Khang bà Kim cũng chẳng được sống một ngày vui vẻ và cuối cùng phải treo cổ tự vẫn.
Sau khi Chu Vĩnh Khang thành danh, thôn Tây Tiền Đầu được đầu tư 1 con đường nối với quốc lộ. Ngoài con đường này ra, Chu Vĩnh Khang "chẳng đóng góp gì được cho quê hương", Nhân Dân nhật báo dẫn lời một người già trong làng cho biết.