Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý là gốc rễ đe dọa an ninh Biển Đông

13/08/2014 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Katherine Ashton, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) chia sẻ nhận định này trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 12/8.

Bà Katherine Ashton nêu rõ, EU hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp quốc tế. Hy vọng nỗ lực của ASEAN để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, bà Katherine Ashton cũng đã nêu rõ rằng bất cứ xung đột, tranh chấp nào trên Biển Đông đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982.

Phó Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh, chia sẻ quan điểm rằng hành động đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý chiếm hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ và lớn nhất đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Katherine Ashton - Phó Chủ tịch EC chiều 12/8.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Katherine Ashton - Phó Chủ tịch EC chiều 12/8.

Trước đó, vào ngày 10/8/2014, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vụ việc căng thẳng gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam và nhấn mạnh, các nước cần cam kết và có các biện pháp không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, trong đó nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982, Tuyên bố DOC; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là quy định tại Điều 5 về không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Liên quan tới những hợp tác kinh tế, Phó Chủ tịch EC cũng thông báo: EU đã quyết định tăng tài trợ ODA thêm 30% so với giai đoạn trước cho Việt Nam trong 5 năm tới và cho biết, quyết định này trong bối cảnh EU đang gặp khó khăn đã chứng minh niềm tự hào của EU trong quá trình hợp tác với Việt Nam cũng như mong muốn đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển.

Bên cạnh đó, EU cũng đang nỗ lực và mong muốn thúc đẩy trong thời gian sớm nhất có thể để phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU, cũng như kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam; sớm thúc đẩy các tiêu chí cần thiết để EU sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Tiếp Phó Chủ tịch EC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và EU đang tiến triển tốt đẹp, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với EU và các nước thành viên, mong muốn cùng EU nỗ lực tăng cường quan hệ giữa hai bên ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  đề nghị EU sớm phê chuẩn PCA giữa Việt Nam - EU; ủng hộ sớm kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam - EU. Với tiềm năng hợp tác còn rất lớn, việc hoàn tất và phê chuẩn PCA và FTA sẽ tạo ra một bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Ngọc Quang