Trung Quốc buộc các nước ASEAN nâng cấp ngành quốc phòng

01/09/2014 15:00
Việt Dũng
(GDVN) - Các hoạt động của TQ ở Biển Đông trong vài tháng gần đây làm cho các nước ASEAN có thêm tính cấp bách để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng.
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 của Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 của Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)

Trang mạng Reuters ngày 12 tháng 8 đưa tin, đứng trước quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, các nước ASEAN đang tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của mình, sử dụng ngân sách quốc phòng ngày càng tăng cho phát triển khoa học công nghệ quốc phòng, giảm sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp công nghiệp quân sự lớn của Mỹ-Âu.

Theo bài báo, các nước như Indonesia, Thái Lan và Malaysia sẽ không dừng ký kết đơn đặt hàng nhập khẩu lớn với các ông trùm công nghiệp quân sự như Airbus, Lockheed Martin, nhưng đồng thời cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp quân sự trong nước tham gia hoạt động chế tạo "phần cứng" (vũ khí trang bị).

Chi tiêu quốc phòng của khu vực này đến năm 2016 dự kiến tăng đến 40 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013, có một số nước đang phát triển nghiệp vụ xuất khẩu của họ.

Theo bài báo, đối với 10 nước ASEAN, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước là một mục tiêu kinh tế và an ninh lâu dài, chỉ là mức độ theo đuổi của các nước khác nhau mà thôi. Những nước này dồn dập gia tăng đầu tư, tiến hành nâng cấp hiện đại hóa đối với thiết bị cũ, một phần mục đích là duy trì cân bằng sức mạnh quân sự của khu vực.

Tàu tên lửa HQ 377 và HQ 378 do Việt Nam tự chế tạo (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu tên lửa HQ 377 và HQ 378 do Việt Nam tự chế tạo (ảnh tư liệu minh họa)

Các nhà phân tích an ninh cho rằng, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài tháng gần đây làm cho các nước ASEAN có thêm tính cấp bách để thực hiện mục tiêu nêu trên.

Theo bài báo, nước thành viên ASEAN không nói rõ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các nước tăng cường sức mạnh quân sự. Gần đây, trong hội nghị tổ chức ở Myanmar, đối với tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, trong tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng nước thành viên ASEAN tiếp tục kêu gọi các bên liên quan “tự kiềm chế”, nhưng không chỉ rõ Trung Quốc.

Nhà phân tích quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương Jon Grevatt, tờ “Defense Weekly” cho rằng: “Nguyện vọng mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền này là việc lớn hàng đầu hiện nay của tất cả các nước trong khu vực này”.

Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, chi tiêu quốc phòng ASEAN năm 2013 tăng 5%, là 35,9 tỷ USD, đến năm 2016 dự kiến sẽ tăng đến 40 tỷ USD. Theo SIPRI, chi tiêu quốc phòng khu vực này đã tăng trên gấp đôi so với năm 1992.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma do Hà Lan chế tạo (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma do Hà Lan chế tạo (ảnh tư liệu minh họa)

Mua sắm quốc phòng của các nước ASEAN vẫn lấy các chương trình lớn làm chính, như chính phủ mua máy bay, tàu ngầm của các doanh nghiệp quân sự quốc phòng phương Tây, những doanh nghiệp này gồm có Lockheed Martin, Airbus và ThyssenKrupp Đức. Khu vực này đã trở thành khu vực nhập khẩu công nghệ và trang bị quân sự lớn thứ hai toàn cầu sau Ấn Độ.

Nhưng, đến nay, từ radar của Indonesia đến đơn đặt hàng tàu ngầm của Singapore, các nước khu vực này có khuynh hướng thông qua mua sắm như vậy để thúc đẩy tiến bộ của khoa học công nghệ quốc phòng trong nước. 

Các giao dịch gần đây tuy còn chưa phá vỡ kỷ lục về quy mô hoặc phạm vi, nhưng trong các hợp đồng mua sắm đã kèm theo các điều kiện chế tạo trong nước ngày càng trở thành xu thế.

Có phân tích cho rằng, sự trỗi dậy của ngành công nghiệp quốc phòng các nước ASEAN hiện còn chưa thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp lớn trên quốc tế. Trong thời điểm châu Âu và Bắc Mỹ thắt chặt ngân sách quốc phòng, chi tiêu quốc phòng khu vực Đông Nam Á tăng trưởng rất có sức hấp dẫn đối với các nhà chế tạo vũ khí.

Bài báo cho rằng, các doanh nghiệp khu vực ASEAN thiếu khả năng công nghệ tiên tiến, có nghĩa là họ hiện còn chưa thể đối mặt cạnh tranh những đơn đặt hàng lớn của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự lớn quốc tế.

Tên lửa chống hạm bờ biển K-300P Bastion (ảnh tư liệu minh họa)
Tên lửa chống hạm bờ biển K-300P Bastion (ảnh tư liệu minh họa)

Họ chỉ có thể đóng vai trò bổ sung nhiều hơn, đặt mục tiêu vào các lĩnh vực như đạn dược, tàu cỡ nhỏ và bảo trì. Nhưng, cùng với sự thay đổi của thời gian, nếu những doanh nghiệp này bắt đầu tranh đoạt đơn đặt hàng trên thị trường toàn cầu, thì tình hình này sẽ thay đổi.

Nhà phân tích John Dowdy nói: “Đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự quốc tế, đây là cơ hội trong ngắn hạn và là thách thức về lâu dài”.

Việt Dũng