Hoang tin trên mạng, đi tù như chơi!

14/08/2014 12:53
HOÀNG NGUYÊN
(GDVN) -Cho đến nay, công an đã triệu tập 2 đối tượng tung tin đồn xuất hiện dịch bệnh Ebola tại Việt Nam. Nói đùa, nói chơi trên mạng, có ngày sẽ mang họa vào thân.

Trong số 2 người được triệu tập có Vũ Hương Thảo (SN 1991, trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nghiêm Thùy Trang (SN 1984, trú tại khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nick M.G nói Ebola đã xuất hiện ở VN với 1 người mắc đang điều trị trong BV Bạch Mai.
Nick M.G nói Ebola đã xuất hiện ở VN với 1 người mắc đang điều trị trong BV Bạch Mai.

Thời gian gần đây, việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đang là vấn đề nóng. Không ít người đã biến mạng xã hội, Facebook, blog trở thành công cụ để công kích nhau, bôi nhọ danh dự cá nhân người khác. Nhiều người đã trở thành nạn nhân.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, những phát ngôn bừa bãi, những thông tin chưa chính xác, sai sự thật lại có thể lan truyền một cách chóng mặt và rất khó lường trước được hậu quả. 

Nói cho sướng miệng, không cần nghĩ đến hậu quả

Đơn cử như ở Quảng Bình, ngày 21/2/2014, trên một số Facebook cá nhân tại Quảng Bình đồng loạt loan tin đồn với nội dung vô cùng man rợ: “tại địa bàn Quảng Bình, một thanh niên đi trên xe Toyota Camry do va quệt với xe tải đã chặn đầu xe tải, xả súng làm tử vong 2 người trên xe tải rồi vứt xe bỏ chạy”.

Nội dung sau đó được các chủ nhân Facebook khác nhấn nút “like” để chia sẻ và thông tin đã lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng. Điều này đã làm dư luận tại Quảng Bình tương đối hoang mang, lo lắng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng công an tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra, truy xét để tìm chủ nhân Facebook tung tin thất thiệt trên.

Sau 2 ngày, công an đã tìm ra đối tượng đưa tin thất thiệt là Ngô Đình Sơn (SN 1993, trú phường Hải Đình, TP.Đồng Hới).

Theo khai nhận, thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, không có thật. Mục đích của Sơn là để lăng xê cá nhân, đánh bóng tên tuổi và gây sự chú ý cho cộng đồng mạng. Thế nhưng không thấy nói gì về việc xử lí người này ra sao.

Cũng mới đây, nhiều cá nhân của mạng xã hội Facebook đã chia sẻ thông tin có nội dung: "Cách đây vài tuần, trong một rạp hát, một người cảm thấy có vật gì đó chĩa lên từ ghế của cô ấy. Đứng dậy để xem thì phát hiện một cây kim nhô ra khỏi ghế, kèm theo một mảnh giấy ghi: chào mừng bạn đã đến thế giới HIV". 

Thông tin này còn vẽ ra một cơ quan gọi là trung tâm kiểm soát bệnh tật đã báo cáo, gần đây nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra tại những thành phố khác. Tất cả các cây kim được xét nghiệm đều có virus HIV. Trung tâm này cũng báo cáo, người ta còn tìm thấy những cây kim như vậy tại các máy rút tiền (máy ATM).

Bà Vũ Phượng, phụ trách truyền thông của hệ thống rạp MegasStar cho biết: "Tin đồn kim tiêm dính máu do kẻ xấu cài dưới ghế ngồi trong rạp đã khiến tâm lý khách xem phim bị ảnh hưởng. Bản thân tôi cũng tìm hiểu rất nhiều thông tin như thế trên mạng xã hội và thấy các cảnh báo thiếu căn cứ vì không chỉ rõ địa chỉ, thời gian, tên nạn nhân. Báo chí cũng chưa hề đăng tải vụ việc nào như thế. Rõ ràng, đó chỉ là những tin đồn thất thiệt".

Gần đây nhất là thông tin "người hóa rắn" (sau khi ăn thịt rắn) được lan truyền mạnh trên Facebook. Clip với hình ảnh người phụ nữ lăn lê trên đất thè lưỡi như rắn được khẳng định ở Bình Dương nhưng khi PV đến tìm hiểu tại tỉnh này thì... tìm không ra. Đáng nói, thông tin này tiếp tục được lan rộng và được thêu dệt theo chiều hướng mê tín dị đoan.

Trong khi đó tại nước ngoài, một giáo viên và người dẫn chương trình phát thanh đã phải lãnh án 30 năm tù do sử dụng Twitter để tuyên truyền tin đồn xuất hiện hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em, gây hoảng loạn cho người dân.

Còn hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm vụ tung tin đồn nhảm khác trên mạng xã hội nhưng đã gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp và thậm chí là cả xã hội khác nữa đã liên tục xuất hiện và có dấu hiệu tăng dần.

Sướng miệng nhưng phạm pháp!

Theo quy định của pháp luật hiện hành, những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 6 nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Theo khoản 2 điều 9 nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 điều 6 nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10 – 20 triệu đồng.

Điều 37 bộ luật Dân sự cũng nêu rõ: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra toà để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 88 và điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Hiện nay, trong Bộ Luật Hình sự tại Điều 121 có quy định "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, trên thực tế cũng rất ít xử lý hình sự và chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính. Bởi tính toán mức độ thiệt hại về danh dự, nhân phẩm là không phải đơn giản.

Bởi việc tính toán lại giao cho cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, tính toán lại càng khó hơn do việc xác định không phải dễ dàng. Chính vì vậy, người bị thiệt hại về danh dự cũng không muốn lằng nhằng, khiếu kiện.

Đã đến lúc chúng ta cần phải có một chế tài đủ mạnh trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng. Dẫu rằng, viết blog, lập trang mạng facebook để bình luận hay bày tỏ ý kiến của mình là quyền của mỗi con người. Hiến pháp nước ta cũng quy định công dân có quyền bày tỏ ý kiến của mình.

Thế nhưng, những bài viết, quan điểm cá nhân hay những bình luận đó phải thể hiện tính xây dựng, phù hợp thuần phong mỹ tục, chứ không thể vì lạm dụng mạng Internet để đưa những thông tin sai sự thực, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác. 

HOÀNG NGUYÊN