Nhân dân TQ đại đa số vẫn tôn trọng luật pháp quốc tế, phản đối các hành động xâm lược và chưa có bao giờ, để phát động hay ngăn chặn một cuộc chiến tranh, lại đều cần đến truyền thông như bây giờ…
16h ngày 26/5, tàu cá ĐNa 90152 TS do thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cầm lái, đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ bị tàu cá Trung Quốc hung hãn đâm chìm ở vị trí cách giàn khoan Hải Dương-981 mà nước này hạ đặt trái phép 17 hải lý. Mười ngư dân may mắn thoát chết. Chiếc tàu bị chìm theo phương thẳng đứng, mất 4 ngày tàu cứu hộ, kiểm ngư Việt Nam mới lai dắt về đến vịnh Đà Nẵng. (ảnh: VBEXPRESS) |
Ngày nay, với sự phát triển mang tính bùng nổ và rộng khắp, truyền thông ngày càng có tác động to lớn đến việc lựa chọn cách hành xử giữa các quốc gia trên thế giới trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Đặc biệt là đối với các nguy cơ xung đột tiềm tàng do tranh chấp về lãnh thổ.
Truyền thông có thể góp phần quyết định trong phân định rõ phải trái, kêu gọi sự quan tâm và thể hiện quan điểm, thái độ của các thể chế, cộng đồng quốc tế đối với các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Từ đó, có thể ngăn chặn được nguy cơ nổ ra xung đột từ các tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, truyền thông cũng có thể góp phần làm “thay trắng đổi đen”, lừa dối, kích động, lôi kéo sự ủng hộ của dư luận trong nước (nước gây chiến), dư luận quốc tế và tạo cớ để phát động các cuộc chiến tranh xâm lược.
Trong tranh chấp lãnh thổ, các bên thường tận dụng tối đa các phương tiện và cơ hội truyền thông để tạo hành lang ngoại giao thuận lợi cho các hành động của mình trong giải quyết tranh chấp. Nhằm mục đích giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, trên cơ sở luật pháp và tập quán quốc tế hoặc với mục đích dọn đường dư luận cho việc cưỡng ép bằng các biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao… thậm chí để sử dụng bạo lực vũ trang xâm lược.
Để tạo làn sóng dư luận quốc tế mạnh mẽ phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa và sử dụng sức mạnh quân sự; đồng thời ủng hộ yêu cầu các bên giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, cần có những tác động (bằng biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, tâm lý xã hội…) với hiệu ứng truyền thông đủ lớn vào hệ thống truyền thông của các nước có tranh chấp và đang bị cố lôi vào tranh chấp với TQ, vào hệ thống truyền thông quốc tế và vào hệ thống truyền thông của TQ. Đó chính là 3 tử huyệt truyền thông đối với ý đồ sử dụng vũ lực độc chiếm biển Đông của TQ.
Thứ nhất, tác động vào hệ thống truyền thông ở các nước đang bị cố tình lôi vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc
Đến bây giờ, không còn mấy ai ở trong các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Philippin, Nhật Bản, … còn nghi nghờ về tính chính nghĩa và sự phù hợp với các luật pháp quốc tế của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của các chính phủ nước họ.
Tử huyệt truyền thông đối với ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc tại các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đã được điểm rất trúng và rất đủ lực.
Truyền thông tại các nước này đã nêu rõ tính chính nghĩa, phù hợp với luật pháp quốc tế của các nước này. Đồng thời chỉ rõ sự bất chấp pháp lý và đạo lý quốc tế của Trung Quốc trong các yêu sách và hành động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc…
Truyền thông tại các nước này đã thống nhất được ý chí và tập hợp được lực lượng một cách “đáng nể” để biểu dương lực lượng, ra đòn cân não và răn đe có trọng lượng đối với ý định sử dụng vũ lực quân sự của Trung Quốc…
Tuy nhiên, truyền thông ở các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vẫn còn có một số thiếu sót rất đáng tiếc trong quá trình thu thập, xử lý và truyền tải các thông tin xung quanh vấn đề này...
Để góp phần ngăn chặn và đánh sập ý chí xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc, thì truyền thông tại các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm trong thời gian tới.
Thứ hai, tác động vào hệ thống truyền thông quốc tế
Trong thời đại ngày nay, lợi ích và tiếng nói, ảnh hưởng của các quốc gia trên thế giới có mối liên hệ chặt chẽ, ràng buộc với nhau. Đồng thời lời nói và hành động của cộng đồng quốc tế trên các giác độ chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự có trọng lượng và sức mạnh quá lớn so với bản thân sức mạnh nội tại của Trung Quốc. Và Trung Quốc thực sự lo lắng trước khả năng Việt Nam và Philippin liên kết được với các quốc gia khác cụ thể như ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Do đó, buộc Trung Quốc phải tiến hành cô lập Việt Nam, Philippin và vô hiệu hóa cộng đồng quốc tế trong bước đầu tiến hành các hành động trong âm mưu độc chiếm biển Đông bằng kế “viễn giao cận công”.
Trung Quốc âm mưu cô lập Việt Nam, và Philippin bằng đề nghị đàm phán song phương. Đồng thời tiến hành các hành động xâm chiếm trên thực địa với từng nước, trong các thời điểm có “khoảng trống quyền lực” do các nước lớn khác đang “bận rộn” với các vấn đề khác và trong lúc Việt Nam và Philippin đang bị phân tán hoặc bị chi phối ở các vấn đề khác, không thể thực hiện được các hành động phản kháng có hiệu quả. Ở đây, nhà cầm quyền Trung Quốc dùng các mưu kế như “Sấn hỏa đả kiếp” (nhân cháy nhà mà cướp của), “Thuận thủ khiên dương” (thuận tay dắt dê), “Hỗn thủy mạc ngư” (đục nước bắt cá),…
Trung Quốc vô hiệu hóa cộng đồng quốc tế bằng thủ đoạn “viễn giao”. Cụ thể là họ mua bán quyền lợi với các nước lớn khác trên lưng của Việt Nam và Philippin. Hay như bằng cách đi thăm viếng ngoại giao, ký kết hợp đồng, thỏa thuận với các nước khác để các nước này “yên tâm” rằng Trung Quốc sẽ không động chạm đến quyền lợi của các nước đó. Từ đó, mua được sự im lặng và khoanh tay đứng nhìn của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc làm cho cộng đồng quốc tế mất cảnh giác về các ý đồ và hành động nham hiểm của Trung Quốc, ngộ nhận về sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Ở đây, nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng các mưu kế như: “Man thiên quá hải” (giấu trời qua biển), “Tiếu lý tàng đao” (cười nụ giấu dao), “Viễn giao cận công” (xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực), “Phao chuyên dẫn ngọc” (ném gạch đi đưa ngọc tới)…
Để chống lại âm mưu của Trung Quốc nhằm cô lập đối phương và vô hiệu hóa cộng đồng quốc tế, Việt Nam và Philippin cần tăng cường liên kết chặt chẽ với các quốc gia có cùng lợi ích ở biển Đông trước sự xâm phạm của Trung Quốc.
Làm cho các quốc gia ASEAN, các quốc gia Đông Á gần gũi khác như như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triền Tiên, Nga, … thấy được rằng nếu họ khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc “cận công” Việt Nam và Philippin xong sẽ đế lượt Trung Quốc “cận công” Malaysia, Bruney, Indonexia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Vì với tư tưởng bành trướng “bình thiên hạ” thì Trung Quốc sẽ “cận công” không ngừng, cho đến khi nào tất cả “thiên hạ”, tất cả các nước trên thế giới nằm dưới sự kiểm soát của “thiên triều” là Trung Quốc mới thôi.
Từ đó, làm cho cộng đồng quốc tế nhận rõ âm mưu của Trung Quốc để cùng nhau đoàn kết, có lời nói và hành động chống lại mưu đồ bành trướng bá quyền được che đậy kín đáo trước cộng đồng quốc tế của Trung Quốc. Điều này là hoàn toàn có cơ sở vì ngày nay, thế giới đã dần biết đến cái gọi là “Thái bình dưới trướng Trung Quốc” (pax sinica) mà Trung Quốc đang cố công xây dựng.
Thứ ba, tác động vào hệ thống truyền thông của Trung Quốc
Những bằng chứng cho thấy tội ác và sự vi phạm pháp luật, vi phạm chủ quyền của thuyền bè TQ |
Nhân dân Trung Quốc sinh sống ở trong nước cũng như ở các nước khác trên thế giới về đại đa số vẫn tôn trọng luật pháp quốc tế, phản đối các hành động xâm lược lãnh thổ nước khác của bất cứ quốc gia nào, kể cả là của chính nước họ.
Sự hậu thuẫn của nhân dân Trung Quốc đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh mang ý nghĩa quyết định nhất đối với việc họ có hội đủ yếu tố chính trị trong nước để tập hợp lực lượng, ý chí và phương tiện cho mưu đồ sử dụng vũ lực chiếm đoạt toàn bộ biển Đông hay không.
Sự hậu thuẫn đó sẽ sụp đổ nếu như đại đa số người dân Trung Quốc biết được sự thật là nhà cầm quyền Bắc Kinh đang ngụy tạo ra các bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với biển Đông và lừa dối nhân dân Trung Quốc trong vấn đề này. Đây là điểm yếu cốt tử trong âm mưu chiếm đoạt biển Đông mà nhà cầm quyền Trung Quốc thực sự lo sợ.
Ở đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cố công bày mưu một cách có hệ thống và lâu dài nhất. Họ từng bước ngấm ngầm tác động vào nhận thức của nhân dân Trung Quốc thông qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến tận các bậc học cao nhất trong suốt hơn nửa thế kỷ nay, thể hiện trong các sách giáo khoa, các tài liệu nghiên cứu khác.
Nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên truyền lừa bịp nhân dân Trung Quốc theo kiểu mưa dầm thấm lâu, theo thuyết “sự thật chẳng qua là sự lừa dối được lặp đi lặp lại rất nhiều lần” mà bộ trưởng Tuyên truyền của nước Đức quốc xã Goebbels, đã thực hiện để lừa dối nhân dân Đức rằng họ là dân tộc “thượng đẳng”, sinh ra là để thống trị tất cả các dân tộc “hạ đẳng” khác. Hay như điển cố “Tăng Sâm giết người” thời cổ đại ở Trung Quốc.
Để kích động nhân dân Trung Quốc, nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng “khổ nhục kế”, giả đò biến mình thành “nạn nhân” bị Việt Nam, Philippin, Nhật Bản, Mỹ… chèn ép, gây hấn, xâm chiếm chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Hình thành tâm lý bất bình và sẵn sàng phản kháng của quân đội và nhân dân Trung Quốc.
Để chống lại âm mưu và hành động lừa dối và kích động nhân dân Trung Quốc của nhà cầm quyền Bắc Kinh, trước hết cần tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng quốc tế và người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài. Vì cộng đồng quốc tế và những người Trung Quốc sống ở nước ngoài có nhiều cơ hội để tiếp cận với các luồng thông tin đa chiều hơn hẳn người Trung Quốc sống ở trong nước.
Chúng ta biết rõ rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh kiểm duyệt và ngăn chặn rất gắt gao các thông tin chân thực về Biển Đông và sự lừa bịp lâu dài, công phu và có hệ thống chặt chẽ của chính quyền Trung Quốc đối với nhân dân Trung Quốc. Cụ thể như chính quyền Trung Quốc không cho phép các mạng truyền thông quốc tế xâm nhập được vào Trung Quốc bằng cách nghiêm cấm hoặc ngăn chặn quyết liệt (bằng “tường lửa” và các biện pháp khác) hoạt động của các mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm thông tin phổ biến của thế giới như Facebook, Twitter, Google, YouTube, Snapchat…
Chúng ta cần cung cấp các thông tin đầy đủ và dễ thuyết phục nhất về sự lừa bịp của nhà cầm quyền Bắc Kinh qua hàng trăm triệu người Trung Quốc sinh sống và đi du lịch, đi làm ăn ở nước ngoài sẽ dần trở về trong nước họ và phơi bày sự thật về sự lừa dối của chính quyền Bắc Kinh đối với 1,3 tỷ dân trong nước Trung Quốc.
Đồng thời cần có các biện pháp tăng cường thâm nhập vào hệ thống truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc như Weibo, Sina, ứng dụng nhắn tin WeChat có hàng trăm triệu người dùng, các trang chia sẻ video như Youku, Sohu, iQiyi… và thông qua các học giả Trung Quốc để “gây mầm” băn khoăn, ham muốn tìm hiểu sự thật về biển Đông. Đầu tiên là ở giới trẻ và sau là các bộ phận khác trong toàn thể nhân dân Trung Quốc.
Từ đó, từng bước cung cấp thông tin, hình ảnh, bằng chứng về các hành động lừa bịp của nhà cầm quyền Bắc Kinh cho nhân dân Trung Quốc thấy. Từ đó, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ tác động vào 1,3 tỷ dân Trung Quốc, chống lại một cách có hiệu quả sự lừa bịp, kích động của nhà cầm quyền Trung Quốc với người dân Trung Quốc. Trên cơ sở đó, đánh đổ tận gốc rễ động lực, cơ sở chính trị hậu thuẫn cho âm mưu và hành động độc chiếm biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Phải cung cấp đầy đủ thông tin và các bằng chứng thuyết phục cho cộng đồng quốc tế và nhân dân Trung Quốc thấy rõ rằng Trung Quốc không hề có chủ quyền tại biển Đông, những đảo và vùng biển họ đang kiểm soát ở đó là do sử dụng vũ lực để chiếm đoạt mà có. Từ đó, góp phần quan trọng phân hóa, cô lập âm mưu chiếm đoạt toàn bộ biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc với cộng đồng quốc tế và nhân dân Trung Quốc.
Vô hiệu hóa và chặn đứng tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc theo lối tư duy đại Hán từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc hỗn loạn và đau thương từ cách đây hơn 2000 năm. Làm cho nhà cầm quyền Trung Quốc nhận thấy rằng, trong thế giới văn minh ở thế kỷ XXI này, không ai còn lạ gì và không dễ gì để thực hiện những mưu đồ bá vương bành trướng và mưu kế được tạo ra từ thời cổ đại. Điều đó sẽ tốt hơn cho bản thân nhân dân Trung Quốc, cho các nước láng giềng của Trung Quốc và cộng đồng thế giới.