Nga đang sợ hãi vì Washington đã thay chân Moscow ở Ấn Độ?

16/08/2014 10:31
Việt Dũng
(GDVN) - Nga cảm thấy sợ hãi vì Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường vũ khí Ấn Độ, Ấn Độ được Mỹ đồng ý chuyển nhượng công nghệ cao cấp, cam kết hợp tác phát triển vũ khí.
Máy bay vận tải chiến lược C-17 do Mỹ chế tạo cho Ấn Độ
Máy bay vận tải chiến lược C-17 do Mỹ chế tạo cho Ấn Độ

Trang mạng “The Times of India” ngày 13 tháng 8 đăng báo cáo nhan đề “Mỹ thay thế Nga trở thành nước bán vũ khí lớn nhất của Ấn Độ” cho rằng, 3 năm qua, Mỹ thay thế Nga trở thành nước cung ứng vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.

Nhưng, về tổng thể, Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, từ chiếc máy bay chiến đấu MiG-21 đầu tiên và xe tăng T-55 thập niên 60 của thế kỷ 20 đến máy bay chiến đấu Su-30MKI và xe tăng chiến đấu T-90S hiện nay, tổng kim ngạch bán vũ khí trên 40 tỷ USD.

Nga cảm thấy “sợ hãi” đối với việc Mỹ giành được tiến triển tích cực ở thị trường vũ khí có thể kiếm tiền lớn Ấn Độ. Nga hiện nay hy vọng nhanh chóng ký kết thỏa thuận nghiên cứu phát triển cuối cùng với Ấn Độ, cùng phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm. Nếu Ấn Độ thực sự sẽ nhập khẩu trên 200 máy bay chiến đấu tàng hình này trong 10 năm tới, thì họ sẽ chi gần 35 tỷ USD cho chương trình này.

Máy bay vận tải C-130J Không quân Ấn Độ
Máy bay vận tải C-130J Không quân Ấn Độ

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley cho biết, trong 3 năm qua, trên phương diện nhập khẩu vũ khí, Ấn Độ đã chi 834,58 tỷ rupee (khoảng 13,62 tỷ USD). Mỹ xếp cao nhất trong danh sách này (326,15 tỷ rupee), theo sát là Nga (253,64 tỷ rupee), Pháp (120,47 tỷ rupee) và Israel (33,89 tỷ rupee).

Từ năm 2007 đến năm 2008, Mỹ đã nhận được thỏa thuận quốc phòng trị giá gần 10 tỷ USD từ Ấn Độ. Những thỏa thuận này gồm có 12 máy bay C-130J Super Hercules (2 tỷ USD), 8 máy bay tuần tra trên biển tầm xa P-8I (2,1 tỷ USD) và 10 máy bay vận tải đường không chiến lược cỡ lớn C-17 Globemaster III (4,1 tỷ USD).

Hiện nay, Ấn Độ cũng muốn nhanh chóng ký kết 2 thỏa thuận khác với Mỹ, mua 22 máy bay trực thăng tấn công Apache và 15 máy bay trực thăng vận tải Chinook, trị giá 2,5 tỷ USD. Những máy bay trực thăng này đều đã vượt các đối thủ Nga: Mi-28 Havoc và Mi-26S.

Máy bay tuần tra trên biển tầm xa P-8I Poseido Ấn Độ, do Mỹ chế tạo
Máy bay tuần tra trên biển tầm xa P-8I Poseido Ấn Độ, do Mỹ chế tạo

Khi thăm Ấn Độ vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tiếp tục tái khẳng định, sẵn sàng cùng hợp tác trong vài chục chương trình vũ khí khác.

Sau cuộc xung đột Kargil năm 1999, Ấn Độ muốn đa dạng hóa nhập khẩu vũ khí một cách có ý thức.

“Mỹ-Ấn cần cùng nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí”

Tờ “Nhật báo phố Wall” Mỹ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 9 tháng 8 cho biết, Mỹ và Ấn Độ cần thông qua cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất vũ khí để mở rộng phạm vi hợp tác quân sự. Trong thời gian thăm Ấn Độ, ông Chuck Hagel cho hay, hai nước mở rộng quy mô diễn tập quân sự, nâng cao độ phức tạp trong diễn tập quân sự.

Được biết, trong một hoạt động, ông Chuck Hagel cho rằng, hợp tác công nghiệp quốc phòng Mỹ-Ấn cần chuyển từ mua bán đơn giản sang cùng sản xuất, cùng phát triển, đồng thời nâng cao độ tự do của trao đổi công nghệ.

Máy bay trực thăng vũ trang Apache do Mỹ chế tạo
Máy bay trực thăng vũ trang Apache do Mỹ chế tạo

Được biết, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, cũng đã trở thành khách hàng lớn nhất của vũ khí xuất khẩu Mỹ. 10 năm qua, Ấn Độ đặt mua trên 10 tỷ USD vũ khí của các công ty Mỹ như Boeing, Lockheed Martin, Raytheon. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang nỗ lực nâng cao sức mạnh quân sự của họ.

Theo trang mạng “Strategy Page” Mỹ ngày 6 tháng 7 cũng có bài viết cho hay, Mỹ đã đồng ý xuất khẩu cho Ấn Độ một số vũ khí công nghệ cao và cho phép Ấn Độ sản xuất một số vũ khí theo giấy phép ở nước họ. Đây là lần đầu tiên Mỹ đồng thời xuất khẩu vũ khí và công nghệ chế tạo vũ khí. Mỹ sẽ xuất khẩu công nghệ pháo, tên lửa và máy bay cho Ấn Độ, đồng thời trao quyền cho công ty Ấn Độ tiến hành sản xuất.

Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1991 đến nay, Ấn Độ luôn hy vọng có được vũ khí phương Tây, nhưng không được chuyển nhượng công nghệ. Điều này chủ yếu là do phương Tây không tin tưởng người Ấn Độ và lo ngại những công nghệ này sẽ rơi vào tay Nga.

Dòng máy bay trực thăng Chinook Mỹ
Dòng máy bay trực thăng Chinook Mỹ

Nguyên nhân ở chỗ, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ chủ yếu đến từ Liên Xô. Điều này hoàn toàn không phải là vũ khí của Liên Xô tốt hơn hoặc rẻ hơn, mà do trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ xác định họ là nhà lãnh đạo của các nước không liên kết.

Trên thực tế, Ấn Độ có một số tư tưởng tả khuynh, phần lớn vũ khí nhập khẩu của họ đều đến từ Liên Xô – nước có ý thức hệ gần gũi hơn với họ. Rất nhiều quan chức chính phủ đều rất hữu nghị với Nga, nếu đem lại thêm cho họ một số lợi ích thì họ sẽ rất sẵn lòng giúp Nga đánh cắp công nghệ phương Tây.

Từ thập niên 90 thế kỷ 20 trở đi, Israel cho biết, chỉ cần người Ấn Độ không đánh cắp công nghệ và bí mật bán cho Nga thì có thể hợp tác với Ấn Độ phát triển vũ khí và công nghệ quân sự, đồng thời chuyển nhượng công nghệ cho Ấn Độ. Điều này cuối cùng đã thuyết phục người Mỹ nới lỏng kiểm soát, cung cấp vũ khí và công nghệ mà người Ấn Độ luôn muốn có được.

Ấn Độ là một trong hai khách hàng lớn nhất của vũ khí Nga. Từ khi Trung Quốc giảm mua vũ khí của Nga, Ấn Độ trở thành khách hàng lớn nhất của vũ khí Nga (chiếm 25% xuất khẩu vũ khí của Nga). Nhưng, do vấn đề chất lượng và bảo trì, Nga đang nhanh chóng mất đi thị trường Ấn Độ.

Máy bay trực thăng vũ trang Mi-28 Lục quân Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng vũ trang Mi-28 Lục quân Ấn Độ, do Nga chế tạo

Trước đó, trong thời gian tới nửa thế kỷ, vũ khí Nga luôn chiếm vị trí chủ đạo trên thị trường vũ khí Ấn Độ. Bắt đầu từ đầu thập niên 1960, hiện đại hóa lực lượng vũ trang Ấn Độ đã được Liên Xô giúp đỡ. Đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991, 70% xe tăng và pháo, 80% máy bay chiến đấu, 85% tàu chiến của Ấn Độ đều đến từ Liên Xô.

Cùng với việc Ấn Độ bắt đầu mua vũ khí phương Tây đắt nhưng tin cậy hơn, uy lực mạnh hơn, những tỷ lệ này giảm xuống trên 20%. Do Nga luôn không thể nhanh chóng và triệt để thay đổi thói quen cũ, xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ đang suy giảm.

Ấn Độ rất không hài lòng với sự chậm trễ kéo dài của Nga trong một số chương trình lớn, bao gồm cải tạo cho Ấn Độ một tàu sân bay cũ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chương trình này đã trở thành một thảm họa tài chính của Ấn Độ.

Điều gay go hơn là, do mua nhiều hơn vũ khí của phương Tây (Israel, châu Âu và Mỹ), người Ấn Độ đã chú ý đến sự khác biệt về tính năng và sử dụng của những vũ khí này. Ngay cả Nga cũng có khó khăn rất lớn trong việc tiếp thu công nghệ phương Tây, tính năng và độ tin cậy của thiết bị quân sự vẫn lạc hậu so với phương Tây.

Tàu sân bay INS Vikramaditya Hải quân Ấn Độ, mua của Nga
Tàu sân bay INS Vikramaditya Hải quân Ấn Độ, mua của Nga

Ấn Độ phát hiện, công nghệ của phương Tây không chỉ cao cấp hơn, mà còn chuyển nhượng thuận tiện hơn, cũng có lợi hơn. Trước Mỹ, Pháp và Israel trước sau đã ký kết với Ấn Độ thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ và trao quyền chế tạo vũ khí.

Việt Dũng