Ông Maliki đã kết thúc 8 năm lãnh đạo Iraq đầy chia rẽ, bè phái sau khi công nhận ông Haider al-Abadi, người được đề cử là Thủ tướnglàm người thay thế ông trong bài phát biểu trên truyền hình.
Ông Maliki đã chấp nhận rút lui trước áp lực trong và ngoài nước. |
"Tôi thông báo trước ngày hôm nay để giảm bớt những diễn biến thái quá của quá trình chính trị và thành lập chính phủ mới. Đó là sự rút lui của tôi và sự ủng hộ dành cho người anh em, Tiến sĩ Haider al-Abadi", ông Maliki nói trong bài phát biểu trên truyền hình khi đứng cạnh ông Abadi.
Quyết định của ông Maliki được cho là sẽ làm hài lòng đảng dân tộc thiểu số người Sunni từng thống trị Iraq dưới chính quyền Saddam Hussein, nhưng đã bị lép vế trong chính quyền Maliki.
Maliki, một người Iraq sống lưu vong và vô danh trong chính trường nước này trở về nước sau khi Saddam Hussein bị lật đổ và được bổ nhiệm làm Thủ tướng dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Ông đã từ chối áp lực từ chức suốt hơn tháng qua từ tất cả các đảng phái chính trị trong nước và cả Iran, Mỹ. Sự kiên quyết bám trụ quyền lực của ông đã làm dấy lên lo ngại về đấu tranh quyền lực bạo lực ở quốc gia đang bị đe dọa chia cắt trước sự trỗi dậy của nhóm khủng bố người Sunni "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Trong bài phát biểu từ chức, ông Maliki đã bày tỏ hy vọng chính phủ mới có thể dập tắt cuộc nổi dậy của nhóm IS đang đe dọa tấn công Baghdad. Sau tuyên bố từ chức của ông Maliki, đảng Dawa của cả hai nhà lãnh đạo này đã lên tiếng ủng hộ ông Abadi và yêu cầu các nhà lập pháp hợp tác với ông để thành lập chính phủ mới.
Lãnh tụ Hôi giáo tối cao Ira Ayatollah Ali Khamenei, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã lên tiếng ca ngợi quyết định rút lui của ông Maliki và bày tỏ sự ủng hộ đối với người kế nhiệm Abadi.
Hai nhà lập pháp Mỹ quan trọng, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham cũng ca ngợi quyết định của Thủ tướng Maliki là "cần thiết và tích cực."/.