Mỹ nhiều năm qua đã coi NATO chủ yếu như một công cụ để xây dựng liên minh sẵn sàng cho các nhiệm vụ viễn chinh hoặc sứ mệnh nhân đạo.
Nhưng sau hơn hai thập kỷ kết thúc Chiến tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng Ukraine đã lái liên minh quốc phòng phương Tây do Mỹ dẫn đầu trở lại mục tiêu ban đầu của nó: Bảo vệ các thành viên chống lại mối đe dọa từ Nga.
NATO sẽ không thảo luận tới vấn đề mở rộng liên minh trong hội nghị sắp tới để tránh khiêu khích Nga thêm nữa. |
Sự sáp nhập Crimea và hỗ trợ những người ủng hộ Nga tại miền Đông Ukraine của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã làm tăng đáng kể cảm giác dễ bị tổn thương trong các thành viên mới của NATO ở khu vực Đông Âu trải dài từ Baltic đến Biển Đen.
Sự kiện này cũng nêu bật những câu hỏi về những vấn đề còn tồn tại ở các nước như Gruzia, Moldova, Ukraine đang bị kẹt giữa nước Nga và NATO.
Mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Wales vào ngày 4-5 tháng 9 tới được cho là nhằm để trấn an các thành viên trước đây từng thuộc Liên bang Xô Viết như Ba Lan, Estonia, Latvia và Luthuania trước các động thái gần đây của Nga tại Ukraine.
NATO từng tuyên bố sẽ không sử dụng vũ lực để hỗ trợ Ukraine vì quốc gia này không phải là thành viên chính thức của liên minh. Nhưng cũng cảnh báo Nga sẽ chống lại sự can thiệp của nước này vào láng giềng.
Để trấn an các đồng minh trong khu vực, NATO có kế hoạch tăng cường tập trận chung và tuần tra trên không. Tuy nhiên, các nước Đông Âu muốn NATO triển khai lực lượng mặt đất, xây dựng căn cứ thường trú trên lãnh thổ của họ để có thể phản ứng kịp thời với các mối đe dọa.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói với Reuters rằng các nước thành viên NATO đã gần đạt đến sự đồng thuận về các bước để tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh ở Đông Âu. Một quan chức cấp cao của NATO cho biết, sự thỏa hiệp này có thể được coi là "sự hiện diện liên tục".
Ưu tiên hàng đầu của NATO hiện nay là bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, NATO rất mong muốn duy trì đối thoại với Moscow và tránh bất kỳ hành vi nào có thể đưa quan hệ của họ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh vì còn phải đối phó với một loạt mối đe dọa khác ngoài nước Nga như bất ổn ở châu Phi và Trung Đông.
Theo Reuters, NATO sẽ không thảo luận tới vấn đề mở rộng liên minh trong hội nghị sắp tới để tránh khiêu khích Nga thêm nữa. Điều này có nghĩa là các nước nằm giữa NATO và Nga có thể vẫn sẽ là vùng đệm không ổn định trong những năm tới.
Một số nhà phân tích đổ lỗi cho sự thỏa hiệp không rõ ràng trong năm 2008 của NATO đã dẫn tới cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga. Khi đó, NATO đã đồng ý sẽ kết nạp Gruzia và Ukraine, nhưng lại không đưa họ vào lộ trình này. Trong khi đó, Nga cảnh báo sẽ phản ứng với động thái đe dọa trực tiếp tới biên giới của mình như vậy./.