Để làm rõ nghi vấn có hay không việc chuyển giá của công ty, trao đổi với PV bà Trần Thị Lệ Nga - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.TPHCM, nơi quản lý hoạt động thuế của Metro cho biết: "Từ khi công ty Metro Việt Nam hoạt động đến nay, cơ quan thuế bao gồm Tổng cục thuế, Cục thuế đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại công ty đến hết năm 2011.
Qua số liệu báo cáo của công ty đã được cơ quan kiểm toán, Kiểm toán cũng như qua tình hình kiểm tra chấp hành pháp luật thuế của cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh của công ty, đến nay, kết quả kinh doanh của công ty vẫn lỗ. Tức là doanh thu chưa bù đắp được các giá vốn và chi phí do công ty bỏ ra dẫn đến kết quả kinh doanh bị lỗ".
12 năm đầu tư tại Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam liên tục kêu lỗ và chưa từng đóng một đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. |
Nói về khoản thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam cho tỷ phú người Thái Lan - Dhanin Chearavanont, Chủ tịch kiêm CEO của C.P Group, bà Trần Thị Lệ Nga cho rằng: "Thông tin về việc chuyển nhượng vốn là quyết định của nhà đầu tư được thực hiện ở nước ngoài và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng tại Việt Nam, đến thời điểm này chưa thực hiện một thủ tục pháp lý nào có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi công ty Metro Việt Nam có thực hiện việc chuyển nhượng vốn thì phải làm các thủ tục tại các cơ quan đã cấp phép đầu tư cho mình như Sở Kế hoạch và Đầu tư để thay đổi về chủ đầu tư hay thay đổi về chuyển nhượng vốn. Theo quy định về mặt thuế, khi có phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn, công ty phải lập hóa đơn giá trị gia tăng".
Nguồn VTV