FPT Telecom “giết” các website khác để tự quảng bá mình?

22/09/2011 06:56
Tiểu Phương
(GDVN) - Chặn tất cả các website khác để đăng thông tin quảng cáo chương trình khuyến mại của công ty mình, FPT khiến hàng loạt khách hàng phẫn nộ.
Thư rác, tin nhắn rác là hiện tượng thường xuyên và đã trở thành “căn bệnh khó chữa” đối với nhiều khách hàng sử dụng mạng di động. Những ngày qua, việc spam thông tin quảng cáo của “đại gia” FPT – nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Việt Nam - bị nhiều khách hàng phànm nàn vì khiến họ ức chế, khó chịu.

Gửi “thông báo rác” – FPT sử dụng “công nghệ spam online”

Phản ánh đến giaoduc.net.vn, anh Nguyễn Văn Giang (cư ngụ ở phố Trương Định, Hà Nội), khách hàng đang sử dụng gói cước internet của FPT cho biết: Những ngày vừa qua, thi thoảng máy tính nhà anh lại xảy ra sự cố khi sử dụng mạng internet.

“Tôi đang đọc báo thì bỗng nhiên 1 trang web của FPT chèn vào, thông báo về việc ưu đãi hấp dẫn thanh toán cước dịch vụ qua ngân hàng. Tôi đã kích vào ô “đóng thông báo” hiện lên phía trên màn hình nhưng không được. Bật website khác, tình trạng này lại tiếp tục xảy ra. Tôi khá bực mình khi không thể sử dụng internet đúng với mục đích của mình. Tôi thấy giống như FPT đang áp đặt tôi xem nội dung trang web này thay vì tôi có quyền từ chối nó”.
Nhận được thông báo Spam, anh Giang đã kích vào ô “đóng thông báo” hiện lên phía trên màn hình nhưng không được. (Ảnh chụp màn hình do khách hàng của FPT cung cấp).
Nhận được thông báo Spam, anh Giang đã kích vào ô “đóng thông báo” hiện lên phía trên màn hình nhưng không được. (Ảnh chụp màn hình do khách hàng của FPT cung cấp).

Cũng đồng tâm trạng bực dọc như anh Giang, gọi điện thoại tới đường dây nóng của báo Giáo Dục Việt Nam, độc giả có tên Hòa (Khương Trung, Hà Nội) bức xúc: “Cách đây 2 – 3 ngày, vào buổi trưa, tôi muốn vào gmail để gửi thư gấp cho đối tác nhưng không thể vào được. Gmail cũng như tất cả các website khác như baomoi, mail yahoo,… hoàn toàn bị “tê liệt”, không thể truy cập, thay vào đó, trang thông báo của FPT hiện ra. Tôi đã phải copy dữ liệu, phi xe máy ra ngoài, tìm kiếm đến toát “mồ hôi” mới có 1 quán internet công cộng để ngồi tạm trong lúc cấp bách”.

Theo anh Hòa, việc các nhà cung cấp dịch vụ gửi quảng cáo các chương trình khuyến mại, ưu đãi của mình tới khách hàng là hoàn toàn bình thường nhưng việc FPT chặn tất cả các website khác và thế chân vào đó là website của mình là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

“Với một khách hàng cá nhân, nếu chỉ lướt website để “dạo chơi” thì một vài phút bị “spam” thông tin sẽ không bực bội nhưng với tôi, việc gửi thông báo này khá phiền phức và gây ức chế kinh khủng. Điều quan trọng là tôi muốn tắt đi cũng không được, gõ bất cứ trang web nào cũng ra trang của FPT” – anh Hòa phàn nàn.

Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Hoàng Linh - cán bộ kỹ thuật về máy tính giải thích ngắn gọn về hiện tượng này: Theo nguyên tắc chung, khi người dùng vào website, địa chỉ link website sẽ ra modem, modem sẽ gửi địa chỉ muốn vào tới máy chủ DNS của FPT. Máy chủ này sẽ phân giải tên miền và đẩy khách hàng tới các website như mong muốn.

Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên, FPT đã không phân giải tên miền theo yêu cầu của khách hàng mà đẩy tới trang quảng cáo của FPT.

“Thông thường các nhà cung cấp dịch vụ luôn phục vụ theo ý muốn để thỏa lòng khách hàng nhưng với cách làm này, FPT đang thực hiện điều ngược lại. “Giết” các website khác, chỉ hiển thị thông báo của mình, FPT không nằm ngoài mục đích: Quảng bá bản thân và phục vụ cho lợi ích của riêng mình mà quên đi tâm lý của khách hàng. Liệu FPT có đặt mình vào vị trí của khách hàng để hỏi: Liệu họ thực sự có muốn xem thông tin đó không?” – anh Linh nói.

FPT xin lỗi vì tự ý gửi thông tin

Trước tình trạng màn hình máy tính của mình bỗng nhiên bị chèn “website lạ” của FPT, không ít khách hàng tỏ ra khá bối rối. Nhiều người không am hiểu nhiều về lĩnh vực này đinh ninh là máy tính của mình gặp trục trặc và định đem đi sửa. Những người khác nhìn ra vấn đề, đã gọi điện tới nhà cung cấp FPT nhưng lại không được giải quyết thỏa đáng.
FPT Telecom "giết" tất cả các website khác bằng cách bấm vào bất cứ website nào, màn hình máy tính chỉ hiển thị lên bảng thông báo chương trình ưu đãi của FPT (Ảnh do khách hàng của FPT cung cấp).
FPT Telecom "giết" tất cả các website khác bằng cách bấm vào bất cứ website nào, màn hình máy tính chỉ hiển thị lên bảng thông báo chương trình ưu đãi của FPT (Ảnh do khách hàng của FPT cung cấp).

Chị Nguyễn Thùy Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh: Khi chị điện thoại tới FPT Telecom, để trợ giúp chị tháo gỡ website lạ kia, nhân viên của FPT đã hướng dẫn chị vào Tools để chọn Option và xóa Cookies.

Tuy nhiên, một chuyên viên kỹ thuật về máy tính cho biết: Lỗi mà các khách hàng dùng mạng FPT gặp phải là do đường truyền, do nhà cung cấp mạng chứ không liên quan gì tới cookies của máy tính. Bởi lẽ, cookies chỉ lưu lại các trang web mà mình đã từng vào trong khi đó, khách hàng của FPT thừa nhận: Họ chưa từng xem thông tin này hoặc nếu có thì chắc có lẽ do FPT tự cài đặt.  

Một khách hàng khác sau nhiều lần gặp phải “sự cố” trên cũng đã từng điện thoại “cầu cứu" FPT. Vì chỉ nối dây mạng sang “dùng ké” nhà hàng xóm nên vị gia chủ này đã tỏ ra luống cuống khi nhân viên kỹ thuật của FPT yêu cầu xuất trình thông tin hợp đồng, hóa đơn cước,… để kiểm tra tình trạng đường truyền trên hệ thống.

Sau khi nhận được phản ánh của độc giả báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Khách hàng Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể khách hàng, những ai đang sử dụng dịch vụ internet của FPT.

Ông Hà cho biết: Với mong muốn quý Khách hàng nắm được các thông tin Dịch vụ - Sản phẩm, cũng như các chính sách ưu đãi một cách kịp thời, đầy đủ, FPT Telecom đã dùng hình thức gửi những thông tin qua trình duyệt web trên máy tính khách hàng (dạng cửa sổ pop-up). Đồng thời, bằng hình thức này, các khách hàng của FPT Telecom có thể có các thông tin hoặc thông báo nhanh nhất từ FPT Telecom như thông báo cước Internet, thông báo sự cố…. Đây cũng là hình thức Công ty chủ động truyền tải thông tin đến khách hàng.

Tuy nhiên, việc chặn các website khác để gửi thông báo của FPT dù chỉ diễn ra trong ít phút nhưng đã gây không ít ức chế cho khách hàng, “FPT Telecom xin ghi nhận những góp ý và gửi lời xin lỗi vì đã làm phiền lòng khách hàng”.

Ông Hà hứa hẹn: “Trong thời gian tới, Công ty sẽ thiết kế cửa sổ pop-up thông tin với giao diện dễ nhìn và dễ đóng cửa sổ. Đồng thời, chúng tôi sẽ bổ sung chức năng từ chối nhận thông tin dịch vụ cho khách hàng”.

Đối với một số trường hợp, khách hàng không thể đóng được cửa sổ thông tin pop-up, ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Khách hàng Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) nhận định: “Rất có thể do máy tính khách hàng bị lỗi cache DNS".

"Để khắc phục, khách hàng vui lòng xóa cache trên máy tính của mình. Hoặc vui lòng liên hệ Tổng đài Hỗ trợ Kỹ thuật FPT Telecom: 7300 8888 để được hỗ trợ nhanh nhất” - ông Hà nhắc nhở.


Tiểu Phương