Tin thế giới đọc nhanh sáng 22/9/2011

22/09/2011 07:50
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt Syria; Tunisia vô hiệu hóa lực lượng vũ trang; Nga có nữ Chủ tịch Thượng viện đầu tiên… là những tin nóng nhất trong ngày.
1. Các nhà lãnh đạo Bosnia và Herzegovina đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tiến trình hòa bình ở Trung Đông, và nói rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho tiến trình này chính là việc sống chung trong hòa bình giữa một nhà nước Palestine độc lập và một nước Israel ổn định, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Bosnia Zeljko Komsic cho biết. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine bị đình trệ từ tháng 10/2010 do Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng của người Palestine. (Xinhua)
2. Lãnh đạo lực lượng vũ trang Đảng al-Islam, phe đối lập lớn thứ hai Afghanistan, ông Gulbuddin Hekmatyar khẳng định kẻ đứng đằng sau cái chết của Chủ tịch Ủy ban Cấp cao vì hòa bình, cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani chính là cơ quan đặc vụ nước ngoài, bao gồm Mỹ. Ông Rabbani đã thiệt mạng khi một kẻ đánh bom tự sát tấn công ông vào tối 20/9 tại thủ đô Kabul. Trước đó, cũng có tin cho rằng, trước khi ông Rabbani bị tấn công, ông đã gặp gỡ hai nhân vật của Taliban, hiện, vẫn chưa rõ người này có liên quan tới vụ tấn công trên hay không. (AFP)
3. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan tại buổi họp báo ở New York (Mỹ) cho biết Ankara sẽ không tiếp tục đối thoại với Syria và đang xem xét các biện pháp trừng phạt nước này. Ông Erdogan khẳng định “không còn tin tưởng” sau khi chính quyền Damacus thực hiện một vài chiến dịch thông tin nhằm bôi nhọ Thổ Nhĩ Kỳ. (AFP)
4. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ và Anh cũng như "tình bạn tuyệt vời" mà ông đã thiết lập với Thủ tướng Anh David Cameron trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Cameron cũng phát biểu, việc ông tới New York vào ngày kỷ niệm 10 năm cuộc tấn công 11/9/2001 là một lời nhắc nhở hai quốc gia này luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau trong việc chống khủng bố và cố gắng làm cho cả bên an toàn hơn. (Xinhua)
5. Thủ tướng lâm thời Libya Mahmoud Jibril cho biết, chính phủ mới của nước này sẽ được thành lập trong vòng bảy đến mười ngày tới. Hiện, các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời đang đàm phán về số lượng các bộ và phân chia ghế bộ trưởng giữa hai vùng đông và tây nước này. Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra tại Sirte và thủ đô Tripoli giữa lực lượng ủng hộ Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC)  và các tay súng trung thành với ông Gaddafi. (AP)
6. Một lực lượng quân đội Tunisia đã vô hiệu hóa được các nhóm vũ trang xâm nhập vào một tỉnh phía nam gần biên giới với Algeria, Bộ Quốc phòng Tunisia cho biết. Lực lượng này đã phá hủy 7 xe cơ giới và kiểm soát được 2 xe khác sau khi đội tuần tra phát hiện các xe này đang di chuyển từ biên giới Algeria, gần sa mạc Bir Znigra, cách thủ đô Tunis khoảng 500km. Trước đó, các cuộc đụng độ đã diễn ra giữa lực lượng quân đội và các nhóm vũ trang, rất may là không có thương vong nào trong quân đội Tunisia. (Xinhua)
7. NATO đã nhất trí gia hạn chiến dịch trên không và trên biển ở Libya thêm 3 tháng khi cuộc chiến ở đây dần đến hồi kết. Thỏa thuận trên được đưa ra tại cuộc họp các đại sứ 28 nước thành viên NATO ở Brussels, Bỉ. Đây là lần thứ hai NATO gia hạn chiến dịch không kích và chiến dịch hải quân nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya của Liên Hợp Quốc sau khi liên minh này giành quyền chỉ huy chiến dịch vào ngày 21/3 vừa qua. (Reuters)
8. Các chuyên gia Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) cho rằng, vệ tinh 6,3 tấn của Mỹ có thể rơi xuống Italia và nổ tung vào ngày mai 23/9. Vệ tinh nói trên nặng gần 6 tấn, được phóng lên không gian từ năm 1991, mang theo 10 thiết bị khoa học dùng để đo đạc nhiệt độ, sức gió và các thành phần hóa học của tầng khí quyển. Vệ tinh này – gọi tắt là UARS - chính thức chấm dứt hoạt động vào năm 2005. (AGI)
9. Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) vừa nhất trí bầu cựu Thị trưởng Saint-Peterburg, bà Valenitna Matvienko, làm Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ Nga được bầu làm Chủ tịch Thượng viện. Thượng viện Nga thông qua quyết định trên với 140 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và không có phiếu chống (trong k.hi chỉ cần 84 phiếu ủng hộ). (RIA)
10. Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông, kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hải quân Nhật Bản-Ấn Độ để phòng vệ và đề xuất tăng cường tần suất các cuộc tập trận hải quân giữa hai bên. Đây là tuyên bố của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, khi ông đến đây tham dự hội thảo về đề tài “Hai nền dân chủ trên biển: Vì một châu Á tốt đẹp hơn và an toàn hơn”. Tuyên bố của cựu thủ tướng Nhật Bản được đưa ra sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối việc này. (AFP)
M.Phương (Tổng hợp)