Đó là chàng trai Hoàng Xuân Hạnh là người bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh, không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên không tự ti bản thân, Hạnh đã đã cố gắng vươn lên học tập. Thậm chí, giờ anh còn là ông chủ của tiệm tẩm quất, mát xa ở Hà Nội và là giám đốc chi nhánh một công ty về hỗ trợ nghề Việt Nam.
Tuổi thơ bất hạnh
Hoàng Xuân Hạnh sinh năm 1975, quê ở xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là con út trong một gia đình có 3 người con, thì cả 3 đều bị mù. Hạnh kể lại rằng, dạo ấy vì lo chạy chữa bệnh tật cho con nên bố mẹ anh chẳng nghĩ đến việc đi xét nghiệm xem có bị nhiễm chất độc hóa học hay không. Mãi sau này, khi thấy trên báo đài nói về tình trạng nhiễm chất độc hóa học chiến tranh thì bố mẹ Hạnh mới tá hỏa đi thử máu. Vậy là điều không muốn cũng đã xảy đến, khi cả cha mẹ đều bị nhiễm chất độc đioxin từ dạo họ tham gia kháng chiến.
Anh Hạnh kể rằng, khi mới sinh ra được một tuổi, anh nhìn cái gì cũng lờ mờ, trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mỗi bước đi cứ thấp thểnh, mất thăng bằng, nhiều lần cứ ngã rúi rụi chúi đầu xuống đất. Thấy tình trạng không bình thường của con, ba mẹ anh chạy đôn đáo tìm thầy chữa trị.
Hễ nghe ai, ở đâu mách có người chữa được bệnh là cả nhà lại tức tốc lên đường tìm gặp cho bằng được. Có lần cả nhà đưa Hạnh lên Bệnh viện nhi Trung ương thì các bác sĩ bảo mắt bị thoái hóa sắc tố võng mạc, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm bệnh lý này.
Khi đến tuổi đi học, cha mẹ dẫn Hạnh đến trường chuyên biệt ở quê nhà Hà Tĩnh nhận lớp. Nhưng các thầy cô cứ thấy cậu bé này có đôi mắt nó dài dại, không bình thường cho lắm thì bảo, cứ để học tạm ở đây một năm nếu thấy ổn thì nhà trường sẽ nhận, còn không thì gia đình dẫn cháu về. Kể từ giây phút ấy, cuộc đời của Hạnh như bước sang một trang mới.
Việc học hành đối với Hạnh rất khó khăn, mới đầu anh lần sờ và cảm nhận hình dạng, hình khối của từng đồ vật, sau đó cắt bìa, lấy dây thừng uốn theo hình dạng của từng đồ vật ấy. Anh tập nghe, nghe kỹ càng, nghe một cách chắt lọc, rồi ghi chép lại. Sau đó nhờ bạn bè, cha mẹ đọc lại để tiếp tục ghi nhớ lần cuối cùng. Sau này khi tốt nghiệp THPT anh đăng ký vào nhiều trường đại học mà vẫn không được chấp nhận, nhưng anh vẫn không chịu bỏ cuộc.
Chân dung anh Hoàng Xuân Hạnh, vốn là người khiếm thị đầy nghị lực |
Năm 1990 khi cơ chế thi có sự thông thoáng hơn, anh đã thi đỗ vào Viện đại học Mở. Dạo đó, anh còn nhớ, bên Đài tiếng nói Việt Nam, lúc đó nhà báo Phan Quang làm Giám đốc đài nhân chuyến về thăm huyện có về tặng cho anh một chiếc đài cát sét. Có chiếc đài đó làm bạn, ngày ngày anh bật đúng cái kênh có kiến thức, lắng nghe và ghi chép lại.
Cứ thế, sau 4 năm liền miệt mài học tập, anh đã tốt nghiệp một cách xuất sắc. Cũng năm đó, anh được Trung ương Hội người mù mời ra làm giáo viên dạy chữ nổi cho người mù. Vừa học vừa làm, làm đủ mọi thứ từ việc làm tăm tre, cho đến việc đi tấm quất thuê. Thế nhưng anh Hạnh bảo, chính anh cũng không ngờ sau này cái công việc chỉ cầm hơi đó lại theo anh đến bây giờ.
Vượt qua nhiều khó như thế, nhưng dường như ý chí học hành trong anh thì chưa bao giờ dừng lại cả. Năm 2000 anh tiếp tục thi đỗ vào khoa triết học (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn). Anh bảo, dạo thi vào trường cũng thi y hệt như các thi sinh bình thường và không có một sự ưu tiên nào cho người khiếm thị cả. Chỉ có mỗi một điều khác là các thí sinh khác thì viết, còn người khiếm thị thì đánh máy.
Người mù trở thành giám đốc
Năm 2005, anh Hạnh xây dựng gia đình với chị Bùi Thị Kim Anh. Anh bảo, mối lương duyên giữa anh và chị đơm hoa kết trái cũng trong tình cảnh hết sức đặc biệt.
Hồi đó, anh là giảng viên tại trung tâm hội người mù. Chị là một học viên, trẻ đẹp, nết na. Cả hai tìm hiểu nhau được chừng 7 tháng thì chính thức nhận lời yêu nhau và cùng năm đó thì xin hai bên gia đình bố mẹ để tổ chức làm đám cưới.
Song hồi đầu gia đình chả ai đồng ý cho chị lấy anh vì nghĩ mù lòa thế, đến đi còn không vững thì còn lo được cho ai kia chứ. Nhưng vì tình yêu mãnh liệt của hai người không ai ngăn cản được, cuối cùng gia đình cũng chịu đồng ý.
Cưới vợ xong, Anh Hạnh bắt đầu những dự án dở dang trước khi anh còn làm nhân viên cho những tiệm mát xa. Nhiều năm chịu cảnh làm thuê, công sức bỏ ra rõ nhiều, mà đồng tiền nhận về rõ ít. Thế là anh bàn tính với vợ để mở tiệm tẩm quất, mát xa tư nhân, trong đó sẽ ưu tiên những người mù vào đó làm việc.
Chàng trai mồ côi cha trở thành thủ khoa khối A
Khi mới thành lập, hai vợ chồng chạy thốc chạy tháo, trang thiết bị thì chưa có nhiều, đành mua lại những trang thiết bị cũ. Gom góp chút tiền, mua được 20 chiếc máy, được họ giảm cho 30 phần trăm. Nhưng anh Hạnh bảo, chết cái là không có địa điểm. Thuê nhà, nhưng dần dà mỗi năm giá nhà lên cao là chủ nhà cứ bắt ép phải lên giá, trong khi cơ chế làm ăn khó khăn vô cùng. Không chịu được sức ép giá cả, có khi vừa dọn đến ở được 2 tháng đã phải phải chuyển đi rồi. Hiện trung tâm của anh lúc nào cũng có chừng từ 6 đến 7 nhân viên phục vụ thường xuyên.
Đầu tháng 10/2010, anh lấy tên trung tẩm quất là Hoàng Kim, anh Hạnh kiêm luôn làm giám đốc để điều hành. Năm 2010 anh lập trang web Hoangkim.net.vn và Thegioimatxa.net. Hiện tại trên trang Thegioimatxa.net đã có hơn 400 gian hàng được trưng bày. Thế giới tầm xa với mục đích kết nối giữa những người khiếm thị với cộng đồng xã hội.
Bây giờ, ngoài thời gian quản lý trung tâm tẩm quất, mát xa ra, anh Hạnh vẫn thường xuyên đi dạy tin học cho người mù ở số 217 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy. Anh Hạnh còn là thành viên của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam và tích cực tham gia hội bảo trợ người khuyết tật của trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2012, anh lại tiếp tục thi lên cao học của trường Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì đỗ với số điểm rất cao 27,7 điểm.