Chuyên gia Nga bình luận việc tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam

20/08/2014 06:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Washington sẽ dốc sức hỗ trợ kể cả kinh tế lẫn quân sự cho các quốc gia có mâu thuẫn nghiêm trọng với Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Đài Tiếng nói nước Nga bản tiếng Trung Quốc ngày 19/8 bình luận, việc Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam tuần trước có khả năng làm cho cục diện khu vực càng trở nên "phức tạp". Tăng cường hợp tác quân sự Việt - Mỹ diễn ra trong bối cảnh vừa xảy ra căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông.

Chuyến thăm của tướng Martin Dempsey đến Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Washington đặc biệt coi trọng hợp tác quân sự với Việt Nam. Sau khi quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng và xấu đi nghiêm trọng, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng khiến dư luận quan tâm. Câu hỏi đặt ra theo truyền thông Nga là liệu hợp tác quân sự Việt - Mỹ có thể tiến được bao xa?

Trước chuyến thăm của tướng Martin, Việt Nam và Mỹ chỉ hợp tác có giới hạn trong lĩnh vực quân sự như tổ chức diễn tập chống cướp biển hoặc cứu nạn trên biển. Nhưng sau chuyến thăm vừa qua, các chuyên gia không loại trừ khả năng hợp tác rộng rãi hơn giữa quân đội 2 nước. Ở đây bao gồm việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Alexei Arbatov, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga, Chủ nhiệm Trung tâm An ninh quốc tế bình luận, việc Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không có gì đáng kinh ngạc bởi đó là một phần trong chính sách của Mỹ tại châu  Á được gọi la xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Alexei Arbatov, Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ chủ yếu của mình trong thế kỷ 21. Do đó Washington sẽ dốc sức hỗ trợ kể cả kinh tế lẫn quân sự cho các quốc gia có mâu thuẫn nghiêm trọng với Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Việt Nam từ chỗ từng là kẻ thù cũ trong chiến tranh nay trở thành không phải đồng minh thì cũng là đối tác của Mỹ. Mỹ thậm chí gác lại mọi vấn đề còn tồn tại với Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động xử lý chất độc màu da cam dioxin mà quân đội Mỹ dội xuống Việt Nam trong chiến tranh.

Alexei Arbatov bình luận, những hành động nhân đạo này không giấu được động cơ địa chính trị chủ yếu của Mỹ, đó là bảo vệ sức ảnh hưởng của chính bản thân Mỹ trong khu vực và kiềm chế Trung Quốc.

Ông Alexei Arbatov nhấn mạnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó đã "cảnh báo một số nước châu Á" không được xây dựng "liên minh quân sự vô ích", những lời này dường như nhằm vào một số quốc gia đang chuẩn bị tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Bắc Kinh đặc biệt quan tâm theo dõi động thái này bởi đồng minh và đối tác của Mỹ khi cảm thấy sự ủng hộ, hỗ trợ của Washington có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn trong vấ đnề lãnh thổ với Trung Quốc. Nga không phải một bên tham dự tranh chấp ở Biển Đông nên Moscow không đứng về bên nào.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov cách đây không lâu phát biểu, Moscow cho rằng bên thứ 3 can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là "không mang tính xây dựng."

Hồng Thủy