Tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Inquirer. |
Inquirer ngày 19/8 đưa tin, không quân Philippines theo dõi và phát hiện có 10 đến 12 tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông, khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam và đang là đối tượng tranh chấp của một số nước - PV).
Manila cảm nhận thấy rõ sự vội vàng của Bắc Kinh trong việc thay đổi hiện trạng ở Trường Sa, buộc Philippines tìm kiếm một phán quyết nhanh chóng từ Tòa án Quốc tế về Luật Biển xung quanh đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc.
Cuối ngày hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, các hoạt động gia tăng của Trung Quốc "trong vùng biển tranh chấp" đã leo thang căng thẳng trong khu vực.
"Những gì chúng tôi muốn làm là, bởi vì Trung Quốc không tham gia phiên tòa và bởi tình hình đang trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày trên Biển Đông, tôi chỉ đạo luật sư của chúng tôi tại Mỹ có thể đưa ra yêu cầu đến tòa án thúc đẩy nhanh tiến trình tố tụng của phiên tòa này", ông Rosario nói với các phóng viên.
Tàu nạo vét của Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu Hải cảnh để tránh sự can thiệp của các bên yêu sách khác. "Chúng tôi đã tăng cường số lượng các chuyến bay trong khu vực để phát hiện sự hiện diện của các tàu Trung Quốc cũng như sự thay đổi, phát triển của các đảo nhỏ." Trung tá Enrico Canaya - người phát ngôn Không quân Philippines cho biết.
Trung Quốc đang đảo hóa 6 bãi đá ở Trường Sa mà họ xâm lược, chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988. Philippines cũng yêu sách vùng đặc quyền kinh tế đối với khu vực này - PV. "Chúng tôi không thể đếm số lượng tàu Trung Quốc vào một ngày vì chúng di chuyển, không cố định một nơi", ông Canaya nhấn mạnh.
Canaya cho hay, các cuộc tuần tra của không quân Philippines đã quan sát thấy hoạt động nạo vét (bất hợp pháp) của Trung Quốc trên các bãi đá, đảo nhỏ và các rặng san hô ở Trường Sa. Lần nào tuần tra Manila cũng phát hiện các hoạt động này.
Hành động vội vàng của Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, bất hợp pháp) của họ ở Biển Đông được xem như một nỗ lực đánh bại kết luận của bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC mà ASEAN đang thúc đẩy Bắc Kinh đàm phán, ký kết), đồng thời thách thức phán quyết (trong tương lai) của Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ Philippines kiện đường lưỡi bò.
Hiện trường Trung Quốc cải tạo trái phép đá Gạc Ma ngày 25/2/2014. Ảnh: Inquirer. |
Trung Quốc nhiều lần từ chối tham gia, nhưng theo luật định tòa án vẫn gia hạn cho Trung Quốc đến 15/12 năm nay để đưa ra quyết định cuối cùng có tham dự phiên tòa hay không.
Bắc Kinh đã ngày càng trở nên hung hăng trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của họ kể từ khi Philippines khởi kiện và Tổng thống Obama tới châu Á vào cuối tháng Tư để đưa ra cam kết bảo vệ đồng minh nếu bị (Trung Quốc) tấn công.
Philippines đã yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu hóa yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Manila cũng muốn làm rõ các quyền lợi hàng hải ở Biển Đông và ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei yêu sách.
Quan chức chính phủ Philippines cho biết tiến trình tố tụng này có thể phải mất 3 đến 4 năm. Nhưng hy vọng việc Trung Quốc từ chối tham gia, vụ kiện có thể được giải quyết nhanh hơn.
Ngoại trưởng Rosario khẳng định, sớm giải quyết vụ kiện đường lưỡi bò không chỉ tốt đối với Philippines mà còn rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế. "Cùng với đó chúng ta có thể đảm bảo rằng các quyền lợi hàng hải được làm rõ. Và khi làm điều đó, chúng tôi sẽ có thể nói rằng không có nguy hiểm cho tự do hàng hải và tự do hàng không (ở Biển Đông)".
Trung Quốc đã từ chối đàm phán, ký kết COC, nhấn mạnh yêu cầu đòi đàm phán tay đôi với từng bên. Đặc biệt trong tháng 5 vừa qua Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam làm dấy lên bế tắc giữa hàng chục tàu Trung Quốc, Việt Nam trong khu vực. 1 tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc đánh chìm, làn sóng phản đối Trung Quốc bành trướng Biển Đông ở Việt Nam nổi lên mạnh mẽ.