Việt Nam gia hạn hợp đồng với Ấn Độ thăm dò dầu khí Biển Đông

21/08/2014 06:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Ấn Độ tiếp tục dự án thăm dò lô dầu khí 128 bởi vị họ tin rằng mình có lợi ích chiến lược ở Biển Đông.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tờ Times of India ngày 21/8 đưa tin, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng cho Ấn Độ thăm dò khai thác dầu khí tại lô 128 ở Biển Đông thêm 1 năm nữa ngay trước chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Sushma Swaraj tới Việt Nam vào tuần tới.

Động thái này khẳng định vị thế của Ấn Độ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ ở Biển Đông giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc đang gia tăng gần đây.

Bà Swaraj cũng sẽ công du Trung Quốc trong một cuộc họp 3 bên Nga - Ấn - Trung trước khi có cuộc gặp song phương với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị để chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình trong tháng 9.

Lô dầu khí 128 được cho là không có nhiều giá trị thương mại sau khi tập đoàn OVL Ấn Độ kết luận có rất ít tiềm năng dầu khí tại lô này. Việt Nam đã thuyết phục Ấn Độ kiên trì tiếp tục thăm dò khám phá. Hợp đồng này đã được gia hạn thêm 1 năm. 

Ấn Độ tiếp tục dự án thăm dò lô dầu khí 128 bởi vị họ tin rằng mình có lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Ấn Độ ủng hộ duy trì tầm quan trọng của tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và nó cũng cung cấp cho New Delhi lý do rất tốt để duy trì một sự hiện diện hải quân trong khu vực.

Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông gia tăng trong tháng 5 vừa qua khi họ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc đã rút lui hôm 15/7, nhưng vụ việc này vẫn "đánh dấu sự hiện diện bá chủ" của Bắc Kinh ở BIển Đông.

Gần đây Trung Quốc tiếp tục tuyên bố sẽ xây dựng 5 ngọn hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) như một thách thức đối với đề xuất đóng băng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông.

Với tuyên bố yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, Trung Quốc đang thực hiện các thủ đoạn như đã từng làm ở Depsang, Demchock khu vực Ladakh với hàng loạt các hành động xâm phạm không đủ lớn để gây ra một cuộc xung đột.

Tuy nhiên với việc lặp đi lặp lại thủ đoạn này, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng có lợi cho mình buộc Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác với các nước khác.

Hồng Thủy