Tình trạng này đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ chúng có thể rơi vào tay các chiến binh cực đoan ở cả trong và ngoài biên giới Syria, gây ra mối đe dọa cho các máy bay thương mại.
Theo Japan Times, báo cáo trên được công bố chỉ vài giờ sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay thương mại di chuyển qua không phận Syria.
Cơ quan này cho biết, các phần tử cực đoan có vũ trang ở Syria đang sở hữu nhiều vũ khí chống máy bay có thể đe dọa tới sự an toàn của các máy bay dân sự, nhất là khi chúng di chuyển ở độ cao thấp.
Ảnh được các nhà điều tra công bố cho thấy một tay súng nổi dậy Syria mang hệ thống MANPADS. |
Đánh giá trên được đưa ra bởi Small Arms Survey, một tổ chức Thụy Sỹ chuyên nghiên cứu và phân tích dòng chảy toàn cầu của các loại vũ khí, dựa trên phân tích các báo cáo của chính phủ, các phương tiện truyền thông, video trên mạng. Tổ chức này vừa công bố phát hiện của mình hôm 19/8 sau vụ bắn rơi máy bay chở khách ở Ukraine.
Theo báo cáo của Small Arms Survey, phiến quân Syria đang sở hữu hàng trăm hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) do Trung Quốc và Nga sản xuất. Số vũ khí này có được do tịch thu từ lực lượng chính phủ Syria hoặc nhập lậu qua biên giới của các nước hỗ trợ phe nổi dậy như Sudan, Qatar, Ả Rập Saudi.
Điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất là loại vũ khí tinh vi này có thể rơi vào tay lực lượng cực đoan ở trong và ngoài lãnh thổ Syria, đặc biệt là nhóm khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nổi lên ở Iraq.
"Trong tay những kẻ khủng bố được đào tạo quốc tế, chỉ vài tên lửa cũng có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối đến ngành hàng không thương mại", Matthew Schroeder, tác giả của báo cáo cho biết.
Theo Schroeder, 8 loại MANPADS đã xuất hiện ở Syria. Hai loại được xác định là FN06 của Trung Quốc và SA-24 Grinch của Nga - một hệ thống MANPADS tinh vi có tầm bắn lên tới 6.100 mét. Một loại thứ ba đang trong quá trình xác minh.
Chính quyền Mỹ ước tính, chính phủ Damascus đã tích lũy được khoảng 20.000 đơn vị MANPAS trước nội chiến năm 2011./.