Chợ loại 2 hay chợ loại 3?
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã nêu trong bài viết “Chợ quê thu phí trên trời: Niềm vui cõng thêm gánh nặng" về việc cuối năm 2010 Chợ Hôm, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An được đầu tư, xây dựng bằng 100% từ nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ. Đến năm 2011 việc kiến thiết, xây dựng lại Chợ Hôm đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư hết hơn 6,5 tỷ đồng.
Chợ mới đi vào kinh doanh, UBND xã Hợp Thành đã thu của mỗi tiểu thương buôn bán tại các ki-ốt trong chợ từ 9 đến 11 triệu đồng, 6 đến 9 triệu đồng với các tiểu thương buôn bán ở đình và lều chợ. Số tiền các tiểu thương phải đóng tùy thuộc vào diện tích ki - ốt hay vị trí mình buôn bán.
Trong khi Chợ Hôm chỉ có 152 điểm kinh doanh kiên cố nhưng các tiểu thương nơi đây vẫn phải đóng mức thu phí chợ loại 2 |
Tuy nhiên, sau 3 năm đến tháng 7/2014 UBND xã Hợp Thành lại yêu cầu các hộ tiểu thương kinh doanh tại Chợ Hôm phải nộp tiếp số tiền bằng năm 2011 mới tiếp tục được buôn bán trong chợ. Sau khi bị người dân phản đối với mức thu phí quá cao của UBND xã Hợp Thành nên gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Yên Thành. Vì các tiểu thương cho rằng mức thu phí ở Chợ Hôm đúng ra phải thu phí theo chợ loại 3. Trong khi đó UBND xã Hợp Thành lại áp đặt mức thu với các tiểu thương tại Chợ Hôm với mức thu chợ loại 2.
Trong văn bản trả lời các tiểu thương tại Chợ Hôm số 12/UBND.TC do ông Hoàng Văn Lý – Chủ tịch UBND xã Hợp Thành ký khẳng định chắc chắn mức thu ở Chợ Hôm theo chợ loại 2 là đúng. Bên cạnh trong văn bản còn trích dẫn việc thu này là theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi bổ sung số 114/2009/NĐ-CP. Văn bản này khẳng định việc thu phí Chợ Hôm theo chợ loại 2 đúng theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 3 trong Nghị định được sửa đổi, bổ sung việc phân loại chợ số 114/2009/NĐ-CP.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là không biết do không đọc kỹ hay do không hiểu nghị định trên quy định như thế nào mà UBND xã Hợp Thành đã thu sai mức chợ theo quy định.
Mặc dù trong văn bản trả lời các tiểu thương Chợ Hôm chính quyền xã Hợp Thành đã chỉ rõ các nghi định liên quan đến việc phân loại chợ nhưng không hiểu sao đơn vị này vẫn thu sai loại chợ theo quy định bới những yếu tố mà Chợ Hôm chưa đáp ứng đủ để được phân là chợ loại 2 |
Bởi trong “điểm b, khoản 2, Điều 3” Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP trước đó về việc phát triển và quản lý chợ của Chính Phủ nêu rõ:
- Chợ hạng 2: Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch; được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên hay không thường xuyên; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, vệ sinh công cộng.”
Tuy nhiên, theo như số liệu do UBND xã Hợp thành báo cáo lên cho UBND huyện Yên Thành thì Chợ Hôm hiện tại mới chỉ có 152 điểm kinh doanh buôn bán kiên cố. Trong khi đó Chợ Hôm cũng chưa có dịch vụ đo lường và kho bảo quản hàng hóa. Hàng hóa tại Chợ Hôm các tiểu thương đều phải bảo quản nơi mình buôn bán hoặc đưa về nhà cất giữ. Không những vậy việc bốc xếp hàng hóa tại Chợ Hôm hầu như đều do các tiểu thương tự làm. Vệ sinh công cộng tại Chợ Hôm cũng rất kém và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh rất lớn. Như vậy, ít nhất Chợ Hôm có 3 yếu tố không đủ để được phân là chợ loại 2.
Trong khi các tiểu thương đang kiến nghị lên UBND huyện Yên Thành và chờ cấp thẩm quyền này trả lời thì ngày 13/8/2014, UBND xã Hợp Thành đã tổ chức huy động lực lượng bao gồm công an, dân quân tự vệ... tiến hành cưỡng chế đem đồ của 3 hộ tiểu thương bỏ ngoài hành lang và đóng cửa ki-ốt không cho các tiểu thương này buôn bán (ảnh người dân cung cấp) |
Trong khi đó việc các tiểu thương xác định Chợ Hôm chỉ ở mức chợ loại 3 và chỉ theo thu phí chợ loại 3 là có cơ sở. Bởi theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 3 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP:
- Chợ loại 3: là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Chủ yếu phục vụ nhu cầu buôn bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận”.
Việc phân loại chợ chưa rõ ràng để dẫn đến mức thu sai theo phân loại chợ nên các tiểu thương tại Chợ Hôm đã gửi kiến nghị lên UBND huyện Yên Thành. Trong lúc đang chờ UBND huyện giải quyết thì ngày 13/8/2014, UBND xã Hợp Thành đã tổ chức huy động lực lượng bao gồm công an, dân quân tự vệ... tiến hành cưỡng chế một số tiểu thương chưa nộp phí chợ.
UBND xã thu phí chợ loại 2 là chưa có căn cứ
Trước những việc mập mờ phân loại chợ do UBND xã Hợp Thành tự ý phân loại, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Vương Ngọc – Trưởng phòng Công thương huyện Yên Thành.
Khu vực xây dựng bán kiên cố dùng để kinh doanh thịt, cá và một số mặt hàng nông sản tại Chợ Hôm nay đã xuống cấp và địa điểm không hợp lý nên nhiều tiểu thương đã bỏ nơi buôn bán |
Theo như ông Ngọc cho biết: Ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng thì toàn bộ chi phí xây lắp là do vốn hỗ trợ 100% của nước ngoài (nguồn vốn không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)). Cùng với đó báo cáo của UBND xã Hợp Thành lên UBND huyện Yên Thành thì hiện tại Chợ Hôm có 152 điểm kinh doanh cố định. Hiện tại UBND xã Hợp Thành đang xây dựng thêm 100 điểm kinh doanh khác để kinh doanh thịt, cá … theo hình thức bán kiên cố và đang ký hợp đồng. Vì vậy, theo ông Ngọc thì hiện tại Chợ Hôm có trên 200 điểm kinh doanh buôn bán.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên ngoài số điểm kinh doanh kiên cố thì các điểm kinh doanh buôn bán, thịt, cá và một số thực phẩm khác tại Chợ Hôm không phải đang xây dựng mà đã được xây dựng từ trước đó nay cũng đã xuống cấp. Không những vậy do môi trường ô nhiễm, điểm kinh doanh không hợp lý dẫn đến hàng hóa không bán được. Một số tiểu thương kinh doanh tại các điểm bán kiên cố này đã bỏ vị trí buôn bán.
“Tôi bán hàng thịt nhưng muốn có chỗ bán thuận tiện thì phải đóng phí cao. Những điểm buôn bán phía trong thì giá thấp hơn. Nhưng phía trong lại không có khách hàng nên một số hộ mua chỗ buôn bán giờ bỏ để đi ra phía hành lang chợ để bán. Với các công trình tại điểm chúng tôi bán hàng đã xuống cấp nhiều. Tại các điểm buôn bán tình trạng ô nhiễm bởi mùi và rác thải cũng khiến khách hàng ngày càng ít”, chị Nguyễn Thị Thảo, kinh doanh mặt hàng thịt tại Chợ Hôm cho biết.
Nhưng ông Ngọc cũng cho biết: “Mặc dù nói Chợ Hôm có trên 200 điểm kinh doanh là được xếp theo chợ loại 2 như quy định. Nhưng việc UBND xã Hợp Thành tự phân chợ loại 2 là chưa có căn cứ. Bởi việc phân loại chợ phải do cấp thẩm quyền quyết định. Điển hình ở đây việc phân chợ loại 2 hay loại 3 là do UBND tỉnh quyết định. Ở đây, chưa có quyết định phân hạng chợ loại 2 của UBND tỉnh thì chưa được phép thu phí theo chợ loại 2.
Có thể xác định thì đến nay chợ Hôm có hơn 200 điểm kinh doanh. Tuy nhiên, do một số tiêu chí như kho bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, môi trường … tại Chợ Hôm chưa đạt theo tiêu chí chợ loại 2 theo quy định. Cùng với đó hiện nay Chợ Hôm vẫn đang giao cho UBND xã quản lý. Theo quy định thì chợ giao cho UBND xã quản lý thì chỉ là chợ loại 3 và chợ tạm, chợ nông thôn. Do những lý do đó nên việc xếp Chợ Hôm theo chợ loại 2 như UBND xã Hợp Thành làm là chưa có căn cứ”.
Sau khi tiến gặp gỡ và trao đổi với các tiểu thương tại Chợ Hôm, UBND huyện Yên Thành đã tính thu phí tại Chợ Hôm theo mức chợ loại 3. Do việc thu phí trong 3 năm được chia ra thành 2 giai đoạn nên hầu hết các tiểu thương tại Chợ Hôm đã đóng phí đợt 1. Về vấn đề này ông Ngọc cho biết: “Hiện nay đã tiến hành xác định và sẽ thu các khoản thu tại Chợ Hôm theo mức chợ loại 3 theo quy định. Với những hộ kinh doanh đã nộp phí cho UBND xã Hợp Thành thu theo mức chợ loại 2 thì UBND huyện đã yêu cầu UBND xã chuyển phần tiền nộp dư thừa sang các năm sau cho các tiểu thương. Nếu đến hết thời hạn hợp đồng 3 năm số tiền đã thu trước đó vẫn còn dư thừa thì sẽ được trả lại cho các hộ kinh doanh”.
Việc UBND xã Hợp Thành đã ép các hộ tiểu thương tại Chợ Hôm để thu phí sai quy định, sai mức loại chợ theo ông Ngọc là có cơ sở. Bởi trong quá trình thúc ép thu phí các tiểu thương chính quyền UBND xã Hợp Thành gồm lực lượng dân quân tự vệ, công an xã… đem hàng hóa của 3 hộ kinh doanh tại Chợ Hôm ra hành lang, khóa cửa ki-ốt vì chưa chịu nộp phí.
Cùng với đó việc số tiền lên đến tiền tỷ mà UBND xã Hợp Thành thu phí của các tiểu thương Chợ Hôm năm 2011 nay đã làm gì và có đúng hay không chúng tôi tiếp tục thông tin đến độc giả ở bài viết sau.