Cục trưởng Lại Xuân Thanh nói gì về "đường bay vàng"?

24/08/2014 18:32
Hồng Anh
(GDVN) - "Đối với người tiêu dùng, đường bay rút ngắn là lợi ích rất lớn. Nó cũng là một yếu tố rất thuận lợi cho chính sách cạnh tranh về giá của các hãng hàng không".

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ở đường bay Hà Nội đi TP. HCM và ngược lại nếu bay theo đường bay thẳng thì các hãng hàng không nội địa sẽ tiết kiệm được 26 phút với may bay Boeing 777, tính bình quân sẽ giảm được 1/4 chi phí sản xuất.

Tại buổi hội đàm ngày 21/8, giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Đinh La Thăng với Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An, hai bên đã nhất trí tạo thuận lợi cho việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua không phận Campuchia và giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai cụ thể. 

Trước đó, Việt Nam và Lào cũng đã thống nhất về nguyên tắc việc mở đường bay thẳng này qua không phận Lào.

Đường bay hiện tại (màu hồng) và đường bay thẳng. Đồ họa: Phương Anh.
Đường bay hiện tại (màu hồng) và đường bay thẳng. Đồ họa: Phương Anh.

“Đường bay vàng” bay thẳng qua không phận Campuchia sẽ tiết kiệm quãng đường bay khá dài so với đường bay hiện tại. Vì từ Hà Nội phải bay vòng ra Biển Đông, qua các tỉnh miền Trung sau đó mới rẽ vào Buôn Ma Thuột để về TP.HCM.

Để làm rõ thêm lợi ích của chủ trương triển khai “đường bay vàng” mang lại, trao đổi với phóng viên, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm rõ những vấn đề liên quan.

- Được biết, “đường bay vàng” đã được đề xuất từ năm 2009, mới đây nhất là năm 2012, nhưng tại sao đến thời điểm này chúng ta mới tính đến chủ trương này?


Ông Lại Xuân Thanh: Đường bay thẳng Bắc - Nam đã được ngành hàng không tổ chức nghiên cứu từ những năm 80, sau đó được cựu phi công Mai Trọng Tuấn kiến nghị vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, gần đây nhất là ý kiến của TS Trần Đình Bá.

Về ý tưởng này, trước đây chúng tôi cũng đã triển khai nghiên cứu nhưng điều kiện chưa cho phép. Chưa khả thi về công nghệ dẫn đường, điều hành quản lý bay chưa cho phép thực hiện. Ý tưởng này liên quan đến hệ thống các đài trạm, quản lý điều hành bay của đường bay, trình độ công nghệ rồi năng lực điều hành bay để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay trong điều kiện đường bay thẳng sẽ cắt qua nhiều điểm biên giới, nhiều đường hàng không đông tây, quá cảnh qua Lào, Campuchia, Việt Nam nối với các hệ thống đường bay của khu vực Biển Đông.

Đồng thời, liên quan đến công tác tổ chức vùng trời, liên quan đến khu vực cấm bay, khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, liên quan đến tổ chức vùng trời các khu vực huấn luyện của không quân.

- Theo ông, tính đến thời điểm này các về khách quan và chủ quan chúng ta đã đủ kiểu kiện để triển khai "đường bay vàng" chưa?

Ông Lại Xuân Thanh: Hiện nay, về mặt công nghệ theo chương trình mới của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế chúng ta đang cùng với Lào, Campuchia tích cực tham gia vào chương trình mới này.

Cụ thể là công nghệ dẫn đường điều hành bay, từ công nghệ cổ điểm chúng ta chuyển sang công nghệ dẫn đường theo vệ tinh. Đây là điều kiện kiên quyết tạo thuận lợi cho việc thiết lập "đường bay vàng".

Đồng thời, năng lực điều hành của quan lý bay của Việt Nam, Lào, Campuchia cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, sự ưu tiên cho hoạt động bay của quốc phòng phục vụ kinh tế cũng tạo điều kiện cho chúng ta triển khai việc thực hiện đường bay thẳng này.

- Để triển khai đường bay thẳng này, ngành hàng không sẽ phải chuẩn bị những gì?

Ông Lại Xuân Thanh: Vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã thống nhất cho phép nghiên cứu và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các cơ quan liên quan. Cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam cùng Cục Tác chiến quân chủng phòng không không quân nghiên cứu rất cụ thể và phối hợp với ngành hàng không của Lào, Campuchia.

Qua đó, đặt ra nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết. Thứ nhất, phải nghiên cứu và đưa ra những thông số kỹ thuật của đường bay này. Công tác, năng lực điều hành, phối hợp điều hàng trong điều kiện đường bay cắt qua nhiều điểm biên giới, nhiều hệ thống đường bay đông tây.

Thứ hai, việc chúng ta chuyển sang công nghệ dẫn đường theo vệ tinh nhưng vẫn cần hệ thống rada giám sát trong điều hành bay. Vì hiện nay có những khoảng trống chưa có rada giám sát ở vùng nam Lào và bắc Campuchia. Điều này đặt ra sự phối hợp với các nước bạn Lào, Campuchia.

Thứ ba,
các vấn đề về ưu tiên mực bay để dành cho đường bay Bắc - Nam có tính tối ưu cho các hoạt động bay.

Thứ tư, liên quan đến công tác tổ chức lại vùng trời. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan Bộ Quốc phòng phối hợp tổ chức lại vùng trời liên quan đến khu vực cấm bay của Hà Nội, các khu vực huấn luyện của không quân Việt Nam tại các khu vực như miền Trung...

- Nếu chúng ta triển khai "đường bay vàng" thì ngành hàng không Việt Nam sẽ được lợi gì? Những hành khách sẽ được lợi ích như thế nào?

Ông Lại Xuân Thanh: Thứ nhất, lợi ích chung của cả ngành hàng không và hành khách là chúng ta sẽ rút ngắn được đường bay Bắc - Nam. Thứ hai, chúng ta tạo thêm được đường bay mới trục Bắc - Nam vừa khai thác trực tiếp, vừa là đường bay thực hiện cùng lúc với đường bay hiện nay. Tạo nên hai hệ thống đường bay trục Bắc - Nam, trong những điều kiện thời tiết xấu chúng ta luôn có hai hệ thống này để tăng cường năng lực khai thác của các hãng hàng không trên hệ thống đường bay trục Bắc - Nam.

Đối với người tiêu dùng, đường bay rút ngắn là lợi ích rất lớn. Ngoài ra, việc rút ngắn đường bay sẽ trực tiếp tạo hiệu quả kinh tế cho các hàng hàng không trong việc chi phí cho các đường bay Bắc - Nam, chắc chắn nó cũng là một yếu tố rất thuận lợi cho chính sách cạnh tranh về giá của các hãng hàng không có lợi cho người tiêu dùng.

Nguồn VTV

Hồng Anh