Pattaramon Chanbua, một phụ nữ Thái Lan đẻ thuê và đứa bé mắc hội chứng Down bị "cha mẹ sinh học" bỏ lại. Ảnh: Channel News Asia/AFP. |
Tờ New York Times ngày 27/8 đưa tin, chỉ trong 2 năm qua việc mang thai hộ cho các cặp vợ chồng giàu có người nước ngoài chủ yếu đến từ châu Á đã nhanh chóng trở thành "ngành công nghiệp" hấp dẫn với cộng đồng nông dân ở Pak Ok, một địa phương cách Bangkok khoảng 6 giờ lái xe.
Các quan chức cho hay ít nhất có 24 phụ nữ trong khu vực này trở thành người đẻ thuê chuyên nghiệp. "Nếu tôi không phải ở tuổi này rồi, có lẽ tôi cũng có thể làm điều đó. Đây là một ngôi làng nghèo, chúng tôi kiếm tiền mỗi ngày và nó lại 'biến mất' vào buổi tối", Thongchan, một phụ nữ bán hàng 50 tuổi cho biết.
Hoạt động đẻ thuê ở đây chỉ là sự lặp lại của một thử nghiệm "không người lái" mà chính quyền quân sự Thái Lang đang lên kế hoạch để kết thúc. Nó bị lên án về mặt đạo đức khi hoạt động này được một số tờ báo gọi là ngành nghề kinh doanh "cho thuê tử cung".
Đẻ thuê thương mại đã diễn ra ở Thái Lan trong ít nhất 1 thập kỷ qua, một trong số 2 quốc gia châu Á được phép và không bị cấm làm cho đất nước này trở thành điểm đến hàng đầu của những cặp vợ chồng vô sinh trong khu vực.
Các quan chức ước tính có hàng trăm trẻ em ra đời từ ngành công nghiệp đẻ thuê ở Thái Lan mỗi năm. Con số không bao gồm những phụ nữ đẻ thuê nước ngoài, trong đó nhiều người đến Thái Lan từ Trung Quốc để cấy phôi và trở lại quốc gia của họ để thực hiện việc mang thai hộ.
Nhưng một vụ bê bối gần đây đã khiến các nhà chức trách Thái Lan phải xem xét kỹ lưỡng về ngành công nghiệp phần lớn không được kiểm soát này, nâng cao vấn đề đạo đức và tăng áp lực lên chính phủ.
Cuối tháng 7 truyền thông Thái Lan cho biết 1 cặp vợ chồng người Úc đã để lại 1 đứa trẻ mắc hội chứng Down cho người phụ nữ đẻ thuê và chỉ nhận 1 đứa con khỏe mạnh trong cặp song sinh này. Lời khẩn cầu giúp đỡ của người phụ nữ để thuê đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Các phương tiện truyền thông Úc đặt câu hỏi về tư cách người cha khi phát hiện ra hồ sơ của tòa án cho thấy người chồng này đã bị kết án và bỏ tù với 2 tội danh lạm dụng tình dục trẻ em trong những năm 1990.
Tuy nhiên, đẻ thuê lại trở thành một trong những cách "thoát nghèo" được một số phụ nữ Thái Lan lựa chọn bất chấp những rủi ro về sức khỏe và vấn đề đạo đức. |
Gần đây cảnh sát kiểm tra 1 phòng khám đẻ thuê tại Bangkok đã phát hiện ra trường hợp một người đàn ông Nhật Bản là cha của khoảng 10 trẻ sơ sinh được đẻ thuê chỉ trong vài tuần hoặc 1 tháng. Cảnh sát toàn cầu Interpol cho biết họ đã bắt đầu điều tra động cơ, mục đích của người đàn ông Nhật Bản này.
Các nhà bình luận đã than phiền rằng Thái Lan vốn đã "có tiếng" với công nghiệp mại dâm, giờ đây lại trở thành "tử cung của châu Á" theo một câu nói châm biếm trên truyền hình. Trong khi đó những người khác lại xem đẻ thuê như công việc khai thác các cặp vợ chồng giàu có từ các nước phát triển hơn.
"Đây là một biểu tượng của sự xói mòn đạo đức", Kaysorn Vongmanee, người đứng đàu cơ quan y tế công cộng ở Pak Ok cho biết, đó là cái mà mọi người đang quan tâm trên tất cả tiền bạc.
Giới chức Thái Lan nói rằng những người đẻ mướn được trả khoảng 10 ngàn USD cho mỗi lần sinh thành công, nếu sinh đôi trở lên thì được nhiều hơn. Ngoài ra hàng tháng những phụ nữ đẻ thuê được trợ cấp khoảng 450 USD và được ăn ở miễn phí tại Bangkok.
Trong số dân làng ở Pak Ok, cũng có những người cảm thông cho những phụ nữ đẻ thuê: "Không có gì là sai với việc đẻ thuê. Bạn đang giúp đỡ những người không thể có con", Pakson Thongda, 42 tuổi có con gái 2 lần bán trứng cho các phòng khám thai với giá 1 ngàn USD 1 lần cho biết. "Tôi hiểu cảm giác của một người mẹ thực sự, thực sự rất muốn có một đưa trẻ", Thongda nói.
Ngành công nghiệp đẻ thuê ở Thái Lan đã cung cấp một lựa chọn thay thế với chi phí thấp cho Hoa Kỳ, nơi đẻ thuê đắt nhất thế giới và là kết quả tự nhiên của đất nước này để thúc đẩy nó như một điểm đến cho du lịch y tế.
Đẻ thuê thương mại ở Thái Lan cũng được hưởng lợi từ quy định cấm người đồng tính thuê đẻ ở Ấn Độ, nước duy nhất ơ châu Á coi đẻ thuê là hợp pháp. Đẻ thuê thương mại đã hoạt động trong một "vùng xám pháp lý" bởi pháp luật Thái Lan không cấm, nhưng có một số trở ngại.
Luật pháp Thái Lan xác định, một người mẹ là người sinh con, vì vậy để cha mẹ sinh học (người thuê mang thai) có quyền được nuôi con, người phụ nữ đẻ thuê phải từ bỏ quyền làm mẹ của mình, một sự nhượng bộ có thể gây ra tranh cãi pháp lý.
Chính quyền Thái Lan dự kiến sẽ sớm trình Quốc hội một dự luật, vẫn cho phép mang thai hộ nhưng không cho giao dịch thanh toán. Môi giới đẻ thuê và quảng cáo cung cấp dịch vụ mang thai hộ sẽ bị cấm.
Sriamporn Salikoop, một thẩm phán của Tòa án tối cao Thái Lan nói rằng lệnh cấm là cần thiết để ngăn chặn nạn khai thác phụ nữ Thái Lan đẻ thuê. "Cho ra đời một con người không giống như việc chăn nuôi động vật", ông nói với một tờ báo Thái Lan.