Giảm 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng
Tại Thông báo 345/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng làm rõ những thủ tục nào cần thiết duy trì thì phải duy trì chặt chẽ, thủ tục nào không cần thiết phải kiêm quyết cắt bỏ, phấn đấu giảm 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư xây dựng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong năm 2015 rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng, ban hành và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý trực tiếp các nhóm vấn đề trọng tâm của ngành xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tăng cường năng lực quản lý hoạt động xây dựng cho các cấp, kể cả đơn vị quản lý cấp huyện, nhất là các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cần có đủ năng lực, chuyên nghiệp, có đội ngũ cán bộ chuyên trách, được đào tạo và năng lực chuyên môn tốt.
Theo Chương trình phát triển nhà ở quốc gia đã được ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cần tập trung phát triển nhà ở xã hội, hướng vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của 8 đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu xem xét, bổ sung các cơ chế chính sách và cách làm phù hợp để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, chăm lo đời sống của người nghèo, vùng ngập lũ...
Thủ tướng chỉ đạo rà soát giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. |
Công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai trong tháng 9/2014
Theo Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và liên thông bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 9/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo thẩm quyền và theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
"Ngân hàng yếu kém, nếu cần thiết phải sáp nhập"
Bên cạnh đó tập trung và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu, tạo điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử và tin học hóa trong việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tập trung đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp trước ngày 31/12/2014.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành văn bản về quy trình liên thông giải quyết các thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất theo hướng thực hiện tối đa cơ chế một cửa liên thông, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trong việc chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra buôn lậu
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) đã yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh cảnh sát biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, các đường mòn lối mở khu vực biên giới và các vùng biển; phối hợp tốt với các lực lượng chức năng (Hải quan, Công an) để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu. Đặc biệt, lực lượng Bộ đội Biên phòng tập trung phối hợp với lực lượng Công an triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy lớn tại các tuyến, địa bàn trọng điểm (Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình); xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ có vi phạm, tiếp tay cho buôn lậu. Người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu trên địa bàn phụ trách phải bị xem xét, xử lý và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với các lực lượng liên quan để đấu tranh có hiệu quả trên các tuyến, địa bàn và triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm và các loại mặt hàng có thuế suất cao như rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm, xăng dầu, khoáng sản, gỗ...
Nghiêm cấm bố trí dân cư tại khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tăng cường quản lý việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, công trình hạ tầng cơ sở, nghiêm cấm việc quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng nhà ở, công trình tại những khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất hoặc ven sông suối gây cản trở dòng chảy thoát lũ.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 các địa phương cần phải tổ chức di dời khoảng 28.600 hộ ra khỏi các khu vực thiên tai, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của các địa phương, rà soát, lập kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để tập trung ưu tiên đầu tư.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện Đề án điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, chú trọng phân vùng tỷ lệ lớn tại từng địa bàn để phát huy hiệu quả, cập nhật các điểm dân cư vào các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở chỉ đạo, ứng phó thiên tai; từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực đông dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, sạt trượt đất để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư.