Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 28/8 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hội kiến với Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh - Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam nên có những bước đi thích hợp để giải quyết bất đồng về vấn đề Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình cho rằng, tranh chấp giữa những người láng giềng cạnh nhau là điều khó có thể tránh khỏi, nhưng cả hai cần phải có quyết định chính trị đúng đắn để quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển đúng hướng. Về những căng thẳng thời gian vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh rằng quan hệ Việt - Trung "đã chịu một cú sốc nghiêm trọng".
"Điều quan trọng là thái độ và phương pháp chúng ta sử dụng để giải quyết bất đồng giữa hai bên", Bưu điện Hoa Nam dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc cho biết. "Trung Quốc và Việt Nam cần phải tập trung vào việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và loại bỏ tất cả những trở ngại, giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan."
Trong cuộc họp trước đó giữa ông Lê Hồng Anh với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ban Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Sơn cho biết lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ có thêm các chỉ thị để thúc đẩy sự phát triển của quan hệ song phương.
Tân Hoa Xã hôm 27/8 dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc khẳng định: "Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cử Đặc phái viên sang Trung Quốc để tham dự một cuộc họp cấp cao giữa hai bên cho thấy mong muốn của Việt Nam để cải thiện quan hệ song phương", ông Tập Cận Bình đã nói với Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh rằng ông coi trọng thông điệp này từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
"Tôi hy vọng Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác với Trung Quốc để đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng của sự phát triển", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, đặc biệt là việc "đưa ra các quyết định chính trị quan trọng, chính xác trong những tình huống khẩn cấp".
Ông Tập Cận Bình cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ "tiếp tục tuân thủ chính sách định hương quan hệ với Việt Nam một cách thân thiện, hợp tác" để tăng cường mối quan hệ chính trị giữa hai Đảng và hai nước. Ông Bình cũng nhấn mạnh hai bên cần trân trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, giải quyết bất đồng một cách thỏa đáng, trong đó cần thực hiện sự đồng thuận đã đạt được trong cuộc hội đàm giữa ông Lưu Vân Sơn với ông Lê Hồng Anh.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Bí thư Ban Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn. |
Tuy nhiên bản tin của Tân Hoa Xã và truyền thông Trung Quốc khi nói về thỏa thuận 3 điểm đạt được giữa ông Lưu Vân Sơn và ông Lê Hồng Anh đã có những khác biệt, dễ khiến dư luận hiểu lầm. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, điểm thứ 3 trong thỏa thuận 3 điểm này được thể hiện rất rõ, rằng:
"Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông."
Nhưng bản tin của Tân Hoa Xã đã không thể hiện một cách rõ ràng, mạch lạc nội dung này mà đưa tin một cách chung chung, dễ gây hiểu lầm cho dư luận 2 nước cũng như khu vực và quốc tế. Cụ thể: "Theo một thỏa thuận 3 điểm đạt được giữa ông Lưu Vân Sơn và ông Lê Hồng Anh, Trung Quốc và Việt Nam sẽ nghiêm túc thực hiện một hướng dẫn cơ bản cho việc giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết tháng 10/2011".
"Hai bên đồng ý tìm kiếm các giải pháp mà cả hai phía chấp nhận được bằng cách tập trung vào việc sử dụng tốt nhất các cuộc đàm phán biên giới song phương, nghiên cứu và thảo luận về hoạt động thăm dò chung trên Biển Đông, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp và mở rộng tranh chấp trong khi bảo vệ sự ổn định đại cục của mối quan hệ song phương và hòa bình ở Biển Đông".
Bản tin của Tân Hoa Xã đã rất mập mờ và dễ gây hiểu lầm ở chỗ "tập trung vào đàm phán song phương", "thảo luận về hoạt động thăm dò chung ở Biển Đông" mà không nói gì đến phạm vi vùng biển cụ thể, đồng thời đã bỏ mất nội dung quan trọng rằng các "giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển".