Nhân kỷ niệm 69 năm thành lập ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2014), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chia sẻ với bạn đọc Báo Giao thông về những việc đã và đang làm sau hơn 3 năm nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngành GTVT. Bộ trưởng cũng bật mí những kế hoạch, dự định quan trọng trong thời gian tới để thực thi sứ mệnh “đi trước mở đường” cho công cuộc hiện đại hóa đất nước của ngành GTVT.
MỌI THỨ ĐỀU CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRƯỚC DƯ LUẬN
Từ đầu năm đến nay, ngành GTVT đã thực hiện một cuộc “tổng tiến công” vào tất cả những lĩnh vực được coi là trì trệ, chậm đổi mới như: Đăng kiểm, hàng không, đường sắt, vận tải thủy, tiến độ và chất lượng công trình giao thông... Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được?
Tôi là người không chấp nhận sự trì trệ, thái độ dây dưa trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, đặc biệt là khi căn bệnh này lại xảy ra với ngành Giao thông. Bởi vì chúng ta đều biết rõ hậu quả của nó tồi tệ như thế nào. Không chỉ hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước bị suy giảm, bị làm cho méo mó, sản xuất kinh doanh của toàn ngành và các lĩnh vực khác đình đốn, mà cùng với thói quan liêu, vô cảm, nó còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân với ngành GTVT chúng ta.
Đó là lý do khiến trong thời gian vừa qua, Ban Cán sự Đảng của Bộ quyết tâm chấn chỉnh những lĩnh vực quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, chậm đổi mới nhằm xóa bỏ tình trạng này, tạo sự chuyển biến trong toàn ngành, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.
Và kết quả rõ ràng là rất đáng khích lệ, như dư luận ghi nhận.
Bộ trưởng Thăng đề nghị thử nghiệm “đường bay vàng”
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa đề nghị Chính phủ cho phép khởi động nghiên cứu lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua Lào, Campuchia (còn gọi là đường bay vàng).
Trước đây, tình trạng tiến độ công trình kéo dài lê thê, đường vừa làm xong, mới nghiệm thu đã hỏng là bệnh nan y, khó chữa thì nay hầu hết các công trình giao thông đều phải cố gắng đảm bảo và vượt tiến độ, chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Công tác đảm bảo ATGT có kết quả bước đầu, TNGT liên tục được kéo giảm trong hai năm qua.
10 doanh nghiệp ngành GTVT đã hoàn tất IPO và chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. Công tác bảo trì, bảo dưỡng, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc lĩnh vực đường bộ được cải thiện. Đường sắt trước đây trì trệ, cục bộ, công thần, chậm đổi mới giờ đã bắt đầu có chuyển biến rõ rệt và phải tiếp tục chuyển biến. Đăng kiểm trước đây đụng đâu cũng thấy tiêu cực. Sau khi một loạt đăng kiểm viên bị kỷ luật, có nơi toàn bộ trạm đăng kiểm phải tạm thời đóng cửa chờ xử lý, thì tình trạng tiêu cực có chiều hướng thuyên giảm. Vấn nạn chậm, hủy chuyến trong lĩnh vực hàng không từng trở thành “chuyện thường ngày” thì nay, hãng nào để xảy ra tình trạng đó phải chịu trách nhiệm hơn nữa với hành khách.
Sau 7 tháng triển khai thực hiện cơ cấu lại, với một quãng thời gian chưa nhiều trong khi nguồn lực tài chính còn rất hạn chế nhưng diện mạo của đường sắt Việt Nam đã có nhiều thay đổi được người dân cảm nhận và đánh giá cao. Từ những thay đổi nhỏ như việc bỏ quy định mua vé vào ga đón/tiễn khách, cho đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn... Một loạt các dự án, công trình đường sắt đang được tập trung đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Trong khi đó hàng loạt dự án đầu tư bằng vốn ODA, trước đây do Tổng công ty Đường sắt VN và Cục Đường sắt VN quản lý không hiệu quả đã được đưa về Bộ... Những thay đổi này luôn đi kèm với quá trình đánh giá khách quan về tính hiệu quả để kịp thời điều chỉnh tiếp nếu thấy cần. Tôi cho rằng, sự linh hoạt khi vận dụng các nguyên tắc, trên cơ sở đảm bảo tốt nhất các lợi ích, là điều cần nhất trong vận hành bộ máy điều hành.
Lãnh đạo Bộ GTVT nhận thấy chuyển biến quan trọng nhất chính là từ chỗ những tiêu cực đó là chuyện nội bộ, xử lý nội bộ, thì nay mọi thứ công khai, minh bạch trước dư luận, quy trách nhiệm rõ đối với các bên liên quan... Từ chỗ thay đổi là do bị thúc ép, đến chỗ trở thành một xu hướng, một nhu cầu, một trào lưu ngày một mạnh mẽ và không thể đảo ngược trong toàn ngành. Đây là điều rất đáng để chúng ta hy vọng.
Dù cuộc “tổng tiến công” vào những trì trệ, yếu kém vẫn đang được tiến hành với cường độ ngày càng quyết liệt hơn và bước đầu đã được người dân ghi nhận. Nhìn lại những gì cả ngành đã và đang làm, còn điều gì vẫn khiến Bộ trưởng chưa hài lòng, trăn trở và còn phải triển khai quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới?
Như trên tôi đã nói, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Đấu tranh chống lại thói trì trệ, yếu kém phải là công việc thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài. Nhờ nỗ lực mạnh mẽ của toàn ngành, có thể khẳng định tất cả các lĩnh vực đều đang có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn chưa đều, chưa sâu, nhiều đơn vị chưa quyết liệt và về tổng thể vẫn chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của người dân đối với ngành GTVT. Đó là chưa tính một số nơi còn có hiện tượng thay đổi hình thức để đánh lừa dư luận và qua mặt lãnh đạo.
Điều khiến lãnh đạo Bộ GTVT trăn trở nhất hiện nay chính là công tác quản lý Nhà nước. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, của thực tiễn, của nhân dân và doanh nghiệp, cần phải triển khai quyết liệt, triệt để hơn nữa theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Phải sớm loại bỏ tình trạng gây khó và đánh đố người dân. Nhiều văn bản mới ban hành nhưng sớm trở nên bất cập, vì nhiều lý do mang tính thủ tục pháp lý, chưa được chỉnh sửa, cũng là một thực tế tiêu cực.
Bên cạnh đó, dù đã là năm thứ tư liên tiếp thực hiện chủ đề năm “Chất lượng công trình giao thông” nhưng chất lượng của một số công trình hạ tầng giao thông vẫn còn là đề tài nóng bỏng trong dư luận. Chúng ta không né tránh thực tế này, nhất là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra tại các công trình, dự án đường bộ vừa hoàn thành trong thời gian gần đây.
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện mặc dù đã được triển khai hết sức quyết liệt, được sự đồng thuận của các hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người dân nhưng kết quả đạt được chưa cao, hiện tượng xe quá tải, quá khổ tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ mặc dù đã có chuyển biến tích cực hơn so với trước đây nhưng việc xử lý, giải quyết công việc tại một số cục, vụ vẫn còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu.
Tại một số đơn vị, sự thay đổi dường như chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân mà là do sức ép từ lãnh đạo Bộ, nên kết quả chưa thật bền vững.
Về từng vấn đề, vụ việc, lãnh đạo Bộ GTVT đều có ngay chỉ đạo yêu cầu phải chấn chỉnh, tìm ra người chịu trách nhiệm để mức độ vi phạm nào thì xử lý bằng các hình thức kỷ luật tương ứng, không có vùng cấm, không có cá nhân nào được quyền nằm ngoài hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, với hiện tượng sụt lún, hằn vệt bánh xe, chúng tôi không chấp nhận bất cứ lý do nào biện hộ cho hiện tượng đó, thay vào đấy, phải tìm ra nguyên nhân và khắc phục triệt để. Hay như vấn đề tư vấn, giám sát gây khó dễ, vòi vĩnh ăn chia với nhà đầu tư, nhà thầu, lãnh đạo Bộ không khoan nhượng cho bất cứ bộ phận nào, không ngại thi hành hình thức kỷ luật nào, kể cả đề nghị truy tố hình sự.
Với một số Ban Quản lý dự án đang có vấn đề bất cập còn tồn tại, tới đây Bộ sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật. Chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ hiện tượng dự án kém chất lượng, tiến độ chậm, mất an toàn giao thông, gây lãng phí lớn nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm và chẳng cá nhân, tập thể nào bị trừng phạt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra tiến độ và chất lượng cầu Nhật Tân |
TOÀN NGÀNH ĐÃ VÀO CUỘC VỚI MỘT THÁI ĐỘ QUYẾT LIỆT
Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình hình triển khai Nghị quyết của ngành GTVT cho tới thời điểm hiện nay. Với những giải pháp quyết liệt mà ngành GTVT đang thực hiện, liệu có thể về đích trước thời hạn mà Đảng và Quốc hội yêu cầu?
Chúng ta phải dám nói thật rằng, dù được ưu tiên rất nhiều so với tiềm lực kinh tế đất nước và so với những lĩnh vực quan trọng khác, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn thuộc loại lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối kém, chưa đáp ứng được vai trò làm nền tảng, tạo động lực cho quá trình hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh bức xúc đó Nghị quyết số 13 ra đời, trước hết chỉ rõ những nguyên nhân của tình trạng trên, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho ngành GTVT từ nay đến năm 2020. Đồng thời, Nghị quyết 13 cũng mở ra cho chúng ta những cơ hội chưa từng có trong việc phát huy mọi năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm Nghị quyết 13 ra đời, một thách thức lớn, mang tính khách quan cũng xuất hiện: Đó là nguồn vốn ODA từng đóng vai trò chủ lực cho đầu tư hạ tầng bắt đầu suy giảm, do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Đây là điều bất khả kháng, đặt ra cho ngành GTVT bài toán hóc búa về nguồn lực.
Chỉ có một lối thoát duy nhất là tìm được nguồn vốn khác thay thế. Rất may là lãnh đạo Bộ GTVT đã sớm nhận thức được xu hướng khách quan này để có phương án ứng phó. Toàn ngành đã vào cuộc với một thái độ quyết liệt và với tất cả kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy được. Và thực tế là chưa bao giờ việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư giao thông diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả như trong vài năm trở lại đây. Chỉ tính trong ba năm (2011 - 2013), số dự án BOT và vốn của tư nhân huy động được bằng hàng chục năm trước cộng lại. Nhờ thế, ngành đã có thêm 120.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư giao thông. Nếu cần phải so sánh thì nó bằng tổng số vốn Nhà nước đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến QL1, dài 1.600 km lên 4 làn xe. Hiện tại có tới 47 dự án, triển khai đầu tư 1.387 km đường mà không dùng đến ngân sách. Chỉ tính riêng năm 2013, con số này là 80.000 tỷ đồng cho 26 dự án.
Đây là những con số khổng lồ mà trước đây không ai dám mơ tới.
Nhờ thành quả ngoài mong ước ấy mà cho đến thời điểm này, những dự án quan trọng như: Mở rộng nâng cấp QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Nội Bài, đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Phù Đổng, đường vành đai ven biển phía Nam, cầu Cổ Chiên, Vàm Cống... đều đang triển khai với tiến độ khả quan. Song song với khối công việc to lớn đó, chúng ta cũng đang hiện thực hóa việc nâng cấp mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, dự án xây dựng cầu treo dân sinh cho đồng bào các tỉnh miền núi, đẩy mạnh việc cải tạo hàng trăm cây cầu yếu...
Chúng ta chỉ biết rõ nhất một điều: Có vô vàn khó khăn và thách thức không dễ lường trước đang đợi sẵn ở phía trước với mỗi công trình giao thông. Nhưng tôi hy vọng, bằng tất cả quyết tâm cao nhất, bằng ý chí, nghị lực được tôi luyện và tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được kế hoạch mà Nghị quyết 13 đề ra.
CÓ LÚC TÔI TƯỞNG MÌNH KHÔNG VƯỢT QUA ĐƯỢC
Sau hơn 3 năm nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngành GTVT, đến giờ cảm nhận của Bộ trưởng về ngành GTVT như thế nào, có gì khác với những ngày đầu mới nhậm chức?
Nói thật, khi nhận nhiệm vụ Quốc hội giao, dù đã từng trải nhiều lĩnh vực để hiểu điều gì đang chờ mình, nhưng tôi vẫn không lường tới những khó khăn dành cho mình lại lớn đến thế. Có lúc tôi tưởng mình không thể vượt qua được. Ngoài hàng núi công việc cần cấp bách giải quyết, sự mệt mỏi còn đến từ sự thiếu cảm thông, chia sẻ của một bộ phận dư luận bị nhiễu thông tin đối với một số dự án và việc làm mà hiệu quả của nó cần phải có thời gian.
Nhưng rất may tôi có một đội ngũ cộng sự rất chuyên nghiệp và luôn nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm. Không phải tất cả đều hoàn hảo, nhưng rõ ràng, ngành Giao thông có một lịch sử rất có giá trị khích lệ sự dấn thân và có thể làm chỗ dựa cho bất cứ người lãnh đạo nào. Những gì chúng ta đang làm, mới chỉ đáng ghi nhận ở động cơ, sự thúc bách mang tính trách nhiệm công dân và thái độ quyết liệt. Còn lại tất cả vẫn đang dang dở, chưa thể và chưa nên có bất cứ sự tự đánh giá nào. Lãnh đạo Bộ GTVT muốn thông điệp này được gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, những người lao động đang phục vụ trong ngành Giao thông. Những gì dư luận đang dành cho ngành Giao thông trong một, hai năm trở lại đây, là điều tất cả mọi người đều có thể biết để suy ngẫm về điều đó.
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm, tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GTVT, xin Bộ trưởng chia sẻ với đội ngũ CBCNV toàn ngành và bạn đọc Báo Giao thông về những dự định, kế hoạch trong thời gian tới của Bộ trưởng để xây dựng ngành GTVT thực sự vững mạnh, xứng đáng là ngành “đi trước mở đường”, đưa đất nước tiến lên hiện đại?
Như tôi đã nói nhiều lần, lịch sử ngành GTVT thuộc vào số những trang vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta chỉ cần nghĩ rằng mình cần phải xứng đáng với truyền thống, sẽ biết mình phải làm gì cho ngành và đất nước.
Những gì tôi nói ở đầu cuộc trao đổi này, chính là những kế hoạch quan trọng mà lãnh đạo Bộ GTVT muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành GTVT cùng với chúng tôi phải hoàn thành cơ bản trong một vài năm tới. Chúng ta đang hướng tới mốc kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Ngành. Đó là dịp quan trọng để chúng ta tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm ra những động lực mới để đi tiếp, sao cho xứng đáng với quá khứ hào hùng.
Điều cần làm không chỉ là sẽ có một vài phong trào hưởng ứng được khởi xướng, một số các hoạt động tuyên truyền... mà quan trọng hơn là mỗi người chúng ta nên có một cái mốc thời gian danh dự cho riêng mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Những việc hôm nay có thể giải quyết dứt điểm một cách tốt nhất, thì nhất định không để kéo dài sang ngày mai. Chúng ta sẽ cùng nhau quyết tâm hành động theo tinh thần ấy và theo tôi đó là “kế hoạch” quan trọng nhất của ngành GTVT trong việc thực thi sứ mệnh “đi trước mở đường” cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!