Thử nghiệm "Đường bay vàng" sẽ giải tỏa bức xúc, nghi ngờ giữa các bên

30/08/2014 11:37
Cao Nguyên
(GDVN) - "Tôi tin cuộc thử nghiệm này sẽ thành công, giải tỏa được các bức xúc, nghi ngờ của các bên liên quan", TS Trần Đình Bá.

Cục Hàng không đang "chuyển động"

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, mới đây Cục Hàng không yêu cầu Vietnam Airlines, Vietjet Air tiến hành bay thử nghiệm "đường bay vàng" trong Hệ thống buồng lái giả định (tiếng Anh gọi tắt là SIM) qua không phận Lào và Campuchia.

Qua đó, hai hãng bay này sẽ hoàn thiện hồ sơ lập kế hoạch bay và báo cáo kết quả bay, tiến hành phân tích, đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng và tiến hành so sánh với đường bay hiện đang sử dụng, hoàn thiện báo cáo đánh giá, thông báo kết quả về Cục HKVN trước ngày 5/9/2014.

Chia sẻ với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về động thái này của Cục Hàng không, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, người tích cực kiên trì đề xuất bay thẳng tỏ ra hào hứng: "Phải khẩn trương như thế để áp dụng sớm ngày nào, tốt ngày đó vì chúng ta đang lãng phí mỗi ngày gần 1 triệu USD, bên cạnh nạn chậm chuyến, hủy chuyến ngày càng nhức nhối. Việc tiến hành thử nghiệm trong hệ thống buồng lái giả định đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận Lào và Campuchia cho loại tàu bay A320 là rất tốt. Đây là động thái có “chuyển động" của Cục Hàng không".

Theo TS Bá, việc tiến hành thử nghiệm đường bay phải lần này là nhằm mục đích thành công chứ không phải thử nghiệm xong để kêu khó, kêu lỗ để bàn lùi. Lẽ ra Cục Hàng không đã phải triển khai từ sau cuộc họp 11/7, thậm chí từ khi có ý tưởng đề xuất bay thẳng 2009, khi mà số liệu của cựu phi công Mai Trọng Tuấn là tiết kiệm 14 phút, đặc biệt là có các số liệu chênh nhau của Cục Hàng không 2,5 phút, Vietnam Airlines 9 phút và PP TĐB 26 phút.    

Khoa học là phải chính xác tự tin chứ không phải như một phi công nói khoảng 15 phút nhưng không chắc chắn. Muốn đạt kết quả tốt phải triển khai ngay từ chủ trương, phải lập hội đồng Khoa học cấp Bộ để thẩm định thẩm tra từng đề án của từng người từ sơ đồ tính, công thức, phương pháp luận, các thông số quãng đường, thời gian, năng lượng hao phí, tỷ lệ hiệu quả đường bay… bằng định lượng để sau này có số liệu đối chứng với thử nghiệm trên nguyên tắc “thực tiễn kiểm nghiệm chân lý". Tiếp đến phải lập Quy trình thử nghiệm một cách khoa học nghiêm túc, ngắn gọn, súc tích để khi triển khai dễ dàng chính xác. 

Thử nghiệm "Đường bay vàng": Giải tỏa bức xúc của các bên 

Liệu kế hoạch bay và thử nghiệm bằng giả định có đảm bảo chính xác và khách quan khi thời gian qua Cục Hàng không miễn cưỡng không muốn bay thẳng?.

Trả lời câu hỏi này, TS Trần Đình Bá tỏ ra rất tự tin: "Việc thử nghiệm giả định trên buồng lái để vừa làm quen với các thao tác phối hợp giữa điều hành không lưu và Cơ trưởng khi bay qua không phận của Lào và Campuchia. Nếu có các số liệu tốc độ, thời gian bay để ghi lại thì rất tốt để so sánh hiệu quả đường bay, sau này sẽ còn kiểm nghiệm theo thực tế.  

"Tôi tin cuộc thử nghiệm này sẽ thành công, giải tỏa được các bức xúc của các bên liên quan", TS Trần Đình Bá nói.
"Tôi tin cuộc thử nghiệm này sẽ thành công, giải tỏa được các bức xúc của các bên liên quan", TS Trần Đình Bá nói.

Như tôi đã nhấn mạnh số liệu thử nghiệm khoa học rất quan trọng, là tài liệu pháp lý liên quan đến hạch toán kinh tế, định giá cước vận tải, đấu thầu đường bay, nghĩa vụ thế cho Nhà nước… được lưu trữ vì vậy phải rất trung thực và những người thử nghiệm phải chịu trách nhiệm rất cao.       

Các cơ quan quản lý Nhà nước, các GS-TS ở Vụ Vận tải, Viện Khoa học công nghệ GTVT phải vào cuộc với hàng không. Bên cạnh đó, Học viện Hàng không, nơi tập trung nhiều GS-TS hàng không cũng phải vào cuộc vụ này".

TS Trần Đình Bá cũng cho biết, thời gian gần đây ông nhận được rất nhiều câu hỏi như: Liệu cuộc thử nghiệm lần này có giải tỏa được thắc mắc, mâu thuẫn số liệu giữa các TS, nhóm chuyên gia cao cấp Vietnam Airlines, Cục HKVN, ông Mai Trọng Tuấn và “phương pháp TĐB” của ông bởi nhiều người cho rằng số liệu của ông đưa ra là hoang tưởng, siêu thực… Liệu ông có tin đường bay thẳng này có hiệu quả  kinh tế?

"Trước những câu hỏi này, tôi đều khẳng định rằng: Tôi tin cuộc thử nghiệm này sẽ thành công, giải tỏa được các bức xúc của các bên liên quan, của cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Hàng không. Qua đó sẽ rút ra  được trách nhiệm của các nhà khoa học trong Bộ GTVT. Cuộc thử nghiệm cũng sẽ mở ra một thời kỳ mới cho Hàng không Việt được cất cánh đúng nghĩa để sánh vai với các cường quốc Hàng không trong khu vực và trên thế giới", TS Bá cho biết.

"Tôi rất vũng tin bay thẳng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn theo “Quy luật kinh tế hàng không" mà tôi nhận được từ thời ở Học Viện Hàng không Riga. Bảng công thức tính toán hiệu quả kinh tế đường đi (dùng cho cả hàng không và hàng hải) đều từ “hệ quả từ tích vô hướng” của  Isac New Ton – “ông tổ” của cơ học thế giới. Nếu tôi sai thì “hệ quả”  Isac New ton sai được sao?", TS Bá kết luận.

Cao Nguyên