Trung Quốc và Mông Cổ đã quyết định tăng mức độ của mối quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược toàn diện." Điều này đã được công bố tại thủ đô Ulan Bator sau các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj.
Theo tờ Lenta của Nga, động thái này cho thấy Bắc Kinh rõ ràng là đang rất quan tâm đến việc đưa Ulan Bator vào trong quỹ đạo địa chính trị của mình.
Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Quảng trường Sukhbaatar ở thủ đô Ulan Bator ngày 21 tháng 8 năm 2014. |
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Giáo sư Sergey Lousianin cho biết, chuyến công du này của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể là một sự kiện đáng lưu tâm và có khả năng tạo ra xung đột.
Mông Cổ có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Trong những năm 1990 và những năm 2000, mô hình kinh tế Mông Cổ đã tập trung hoàn toàn vào đầu tư nước ngoài. Cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 70-75% tổng vốn đầu tư. Không phải ngẫu nhiên Mông Cổ đứng đầu trên thế giới về viện trợ nước ngoài bình quân đầu người trong số các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi.
Sau cuộc Cách mạng Dân chủ Mông Cổ (1990-1991) Mông Cổ phát triển nhanh chóng các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, tham gia vào các tổ chức tài chính quốc tế (WTO, Ngân hàng Phát triển châu Á...). Bên cạnh thiết lập quan hệ với các đối tác mới ở phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc, Ulan Bator cũng rất chú trọng tới các đối tác truyền thống là Nga và Trung Quốc. Mông Cổ được đánh giá là khá khéo léo trong việc sử dụng sự hỗ trợ quốc tế để tạo ra nền kinh tế tân tự do.
Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã cung cấp cho Mông Cổ 1,3 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi hơn một tỷ USD. Tuy nhiên, Mông Cổ cũng hy vọng nhận được các khoản tài trợ hào phóng từ Bắc Kinh để duy trì nền kinh tế do sức đầu tư nước ngoài sụt giảm vì tình trạng tham nhũng.
Giáo sư Sergey Lousianin cho rằng lãnh đạo Mông Cổ hiện nay buộc phải mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, mặc dù điều đó đồng nghĩa với một mối đe dọa. Trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo Mông Cổ buộc phải nhắm mắt để tâm lý chống Trung Quốc ngày càng tăng trong xã hội.
Một tấm biển quảng cáo có hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Ulan Bator. |
Thái độ ngờ vực của người Mông Cổ đối với Trung Quốc tồn tại từ thời kỳ nhà Thanh (từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX). Nỗi sợ hãi này đã tăng lên trong thập kỷ qua khi các vị trí của nền kinh tế Trung Quốc trên thế giới và trong khu vực được tăng cường. Tình trạng người Trung Quốc nhập cư trái phép, khai thác vàng bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, gian lận hàng hóa tại Mông Cổ cũng khiến mối lo ngại này gia tăng.
Từ năm 2003 đến năm 2013, thương mại giữa Trung Quốc và Mông Cổ đã tăng 324 triệu lên 6,7 tỷ USD và dự kiến tăng lên 10 tỷ USD trong năm 2020. Mông Cổ có hơn 1.200 doanh nghiệp đăng kí có vốn đầu tư của Trung Quốc và khoảng 900 công ty liên doanh. Khối lượng đầu tư Trung Quốc (vào cơ sở hạ tầng, công nghiệp khai thác, chế biến nguyên liệu) hiện nay vượt quá 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình chứng minh rằng, Bắc Kinh đã sẵn sàng đáp ứng mong muốn của Mông Cổ tăng cường các dịch vụ cho vay và đầu tư của Trung Quốc khi ông hứa hẹn sẽ cung cấp cho Ulan Bator một loạt các hỗ trợ cần thiết.
Theo Giáo sư Sergey Lousianin, loạt ưu đãi trên dành cho Mông Cổ của Bắc Kinh có mục tiêu chính tiềm ẩn là thâm nhập sâu hơn nữa vào khu vực Nội Mông và Ngoại Mông.
Sự tăng cường chính sách hợp tác đối với Mông Cổ của Trung Quốc được cho là xuất phát từ mục tiêu địa chính trị chống phương Tây - một nỗ lực để giành Mông Cổ khỏi ý định liên minh với Mỹ xuất hiện trong những năm 1990 trong sự trỗi dậy của lý thuyết về "người hàng xóm thứ ba".
Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mông Cổ. |
Trong khoảng hai thập kỷ, Mông Cổ đã trở thành đối tượng chính sách tích cực của Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực quân sự-chính trị. Mông Cổ đã tham gia vào tất cả các hoạt động "nhân đạo" quân sự của Mỹ. Washington đã đề nghị thiết lập một căn cứ quân sự thường trú tại Mông Cổ, nhưng đã bị khước từ. Do đó, Bắc Kinh hiển nhiên không muốn Mông Cổ nằm trong trục "trở lại châu Á của Mỹ" khi mà nước này đang đối mặt với các mối quan hệ xấu đi với các nước láng giềng khác ở khu vực.
Trung Quốc đã mời Mông Cổ tham gia vào kế hoạch xây dựng đường tơ lụa, mời Ulan Bator gia nhập APEC (năm 2014) và sự hứa hẹn sẽ vận động cho Mông Cổ trở thành một thành viên thường trực của diễn đàn.
Trong khi đó, Nga cũng tỏ ra quan tâm tới lợi ích lâu dài ở Mông Cổ. Vào đêm trước của hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, Moscow đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ Ulan Bator gia nhập tổ chức này.
Theo Giáo sư Lousianin, Mông Cổ và Bắc Triều Tiên hiện đang nằm trong gọng kìm của sự ganh đua địa chính trị và khu vực giữa Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, mới đây Tổng thống Elbegdorj công bố một sáng kiến và đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga - Mông Cổ - Trung Quốc vào mùa thu năm nay. Điều này được cho là sẽ giúp hạn chế các xung đột giữa lợi ích của các bên ở Mông Cổ./.