Vinalines tiếp tục thoái vốn và cổ phần hóa
Chỉ đạo về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành bám sát các nội dung cụ thể của Đề án Tái cơ cấu Vinalines để chỉ đạo, hỗ trợ Vinalines triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, khả thi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực vận tải biển; phối hợp với Bộ Công Thương thống nhất thực hiện các giải pháp nâng cao thị phần vận tải biển cho đội tàu của Vinalines, trong đó lưu ý đến thị trường vận chuyển than, xi măng, quặng, lúa gạo và hàng dệt may. Đồng thời nghiên cứu, thiết lập các tuyến vận tải bằng đường biển và đường thủy nội địa để tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vận tải thủy trong nước.
Về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines tiếp tục thực hiện việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án đã được duyệt.
Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh đề án tái cơ cấu Vinaline. |
Ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu, trong đó quy định về giá bán xăng dầu.
Cụ thể, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn.
Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nghị định nêu rõ, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Nghị định cũng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính).
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có).
Quá thời hạn 3 ngày làm việc, nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh nhưng không được vượt quá 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó.
Xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. |
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý, các biện pháp điều hành khác.
Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán.
Phê duyệt danh mục Dự án "Quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam"
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án "Quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam" sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Đức.
Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ phát triển công nghệ điện gió và khai thác tiềm năng năng lượng gió; xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch nguồn năng lượng gió cấp địa phương và quốc gia; nâng cao năng lực các cấp, các ngành trong xây dựng, quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển điện gió.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2014 - 2018) với tổng mức đầu tư 3,7 triệu Euro, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức 3,6 triệu Euro (thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW), vốn đối ứng của phía Việt Nam 100.000 Euro (do Bộ Công Thương tự thu xếp trong ngân sách hàng năm).