Chuyên gia: NATO thiếu cả tiền và quân sự để đối phó với Nga

05/09/2014 06:53
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhưng ở thời điểm này, NATO không hoàn toàn sẵn sàng trong việc bảo vệ các thành viên của mình.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm 4/9 đã lên tiếng kêu gọi Nga chấm dứt sự sát nhập Crimea và rút khỏi miền Đông Ukraine.

Trước đó, ông Rasmussen cho biết "sự xâm lược của Nga với Ukraine là một hồi chuông cảnh báo... nhắc nhở tất cả chúng ta rằng, một số đang cố gắng để vẽ lại biên giới ở châu Âu bằng sức mạnh và máu."

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

CNN hôm 4/9 dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer cho biết, tương lai của châu Âu đang phụ thuộc vào việc NATO khôi phục "lợi ích ban đầu" của mình.

Khi NATO được thành lập vào năm 1949, nhiệm vụ trọng tâm và duy nhất của nó là bảo vệ các thành viên chống lại sự xâm lược quân sự và thúc đẩy dân chủ - đồng nghĩa với việc chống lại Liên bang Xô Viết.

Theo ông, NATO đã đạt được mục tiêu này một cách hòa bình. Nhưng mọi thứ thay đổi sau Chiến tranh Lạnh. Trọng tâm không còn là nước Nga, mà NATO phải đối mặt với các mối đe dọa mới xuất hiện. Liên minh đã tham gia các chiến dịch quân sự ở Bosnia, Herzegovina trong những năm 1990, và sau đó ở Macedonia; thành lập lực lượng quân sự tại Afghanistan, triển khai quân tới Somalia và một số bộ phận khác của châu Phi.

Nhưng trước việc Nga sát nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã khiến NATO phải quay trở lại với mục tiêu ban đầu của nó sau 55 tồn tại, tờ Financial Times cho biết.

Nhưng ở thời điểm này, NATO không hoàn toàn sẵn sàng trong việc bảo vệ các thành viên của mình, Robin Niblett, giám đốc cố vấn Chatham House, nói với CNN. Ông cho rằng NATO đang thua kém Nga cả về khả năng quân sự lẫn tiềm lực kinh tế. 

NATO muốn mỗi quốc gia trong số 28 thành viên dành 2% GDP cho quốc phòng, nhưng chỉ có Mỹ và Anh đạt được yêu cầu này. 

Obama, Cameron: Hãy dành thêm tiền cho quân sự

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron (trái)
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron (trái)


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron cho biết họ tin rằng NATO có thể thích ứng để đáp ứng những thách thức mới.

Trong một bài viết trên tờ Times of London hôm 4/9, hai nhà lãnh đạo này cho rằng NATO cần phải thay đổi và phải đảm bảo sự hiện diện liên tục ở Đông Âu, các thành viên cần phải nỗ lực thực hiện yêu cầu dành 2% GDP cho quốc phòng. 

Họ cũng kêu gọi thành lập lực lượng phản ứng đa quốc gia có thể triển khai bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian ngắn.

James Stavridis, một cựu Đô đốc Hải quân hiện là trưởng khoa của trường Fletcher thuộc Đại học Tufts cũng cho rằng NATO cần và có khả năng thay đổi.

Cựu Tổng thư ký NATO Scheffer yêu cầu liên minh cần phải diễn tập nhiều hơn, phải triển khai lực lượng mặt đất ở Ba Lan và Baltic để cảnh báo Nga. Nhưng một số nước bao gồm Đức không có khả năng thực hiện điều này do nền kinh tế bị suy yếu sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. 
 
Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đổi lỗi cho Nga về tình hình căng thẳng ở Ukraine thì John Mearsheimer - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho rằng nó chính NATO mới là thủ phạm của cuộc khủng hoảng này.

Theo ông, sự mở rộng phạm vi hoạt động của NATO bằng cách đưa các thành viên cũ của Liên Xô ở Đông Âu, gồm ra khỏi quỹ đạo của Nga và đặt vào quỹ đạo của mình đã trực tiếp đặt ra mối đe dọa đối với Moscow. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi NATO được tái trang bị để đối đầu với Nga thì việc gỡ bỏ tất cả sự ảnh hưởng của Moscow ở Ukraine còn là một quá trình rất dài. /.

Nguyễn Hường