Đồ chơi Trung thu năm nay mang đậm màu sắc tình yêu Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo, hầu hết sản phẩm phục vụ cho trẻ em đều là hàng Việt Nam thay vì hàng Trung Quốc như những năm trước. Ảnh: Asahi. |
Tờ Asahi ngày 5/9 đưa tin, được thúc đẩy bởi tình cảm yêu nước và chống sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, rất ít cửa hàng và các nhà bán lẻ ở Việt Nam trưng bày đồ chơi, đèn lồng và các loại hàng hóa phục vụ Tết Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc. Thay thế cho chúng là những đồ chơi Việt Nam mang đậm dấu ấn Biển Đông.
Tết Trung thu được tổ chức hàng năm ở Việt Nam là ngày tết truyền thống của trẻ em, hàng năm thường tràn ngập bánh trung thu và đồ chơi xuất xứ Trung Quốc.
Nhưng năm nay các chủ cửa hàng đồ chơi phục vụ trẻ em trong tết Trung thu đã hầu như không thấy các mặt hàng Trung Quốc, hàng loạt đèn lồng và đồ chơi "made in Vietnam" đã được bày bán khắp các cửa hàng và con phố.
"Chúng tôi nghĩ rằng các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc sẽ không bán chạy, vì vậy chúng tôi đã loại bỏ chúng càng nhiều càng tốt", một nhân viên bán hàng cho biết.
Các cửa hàng kinh doanh phục vụ tết Trung thu hầu như đều bán lá cờ đỏ sao vàng nhỏ in thêm dòng chữ "Bảo vệ chủ quyền biển đảo" và "Vui lên chiến sĩ Hải quân".
Những chiếc đèn lồng bằng giấy bóng kính có hình dạng như tàu tuần tra của Việt Nam là một trong những mặt hàng bán chạy có giá từ 40 đến 50 ngàn VNĐ.
"Nếu chúng ta không dạy cho trẻ em tầm quan trọng của việc bảo vệ lãnh thổ, chúng tôi sẽ bị Trung Quốc cướp mất", một phụ nữ Việt Nam 34 tuổi cho biết. Chị cùng với cậu con trai học tiểu học của mình đi sắm Trung thu, người mẹ đã mua một chiếc đèn lồng in dòng chữ: "Em yêu biển đảo Việt Nam" cho con mình.
Sự cảnh giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc đã trở thành cao trào kể từ khi Bắc Kinh kéo hơn 100 tàu và giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ hồi tháng 5.
Những con sư tử đá kiểu dáng dữ tợn mang phong cách Trung Hoa "nhảy dù" vào di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam cần phải được loại bỏ. |
Giữa tháng 7, Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cử Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh sang thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8.
Asahi nhận xét, mặc dù căng thẳng chính trị đã giảm thông qua những nỗ lực đó, nhưng sự cảnh giác của người dân Việt Nam với (dã tâm bành trướng của) Trung Quốc vẫn rất cao.
Theo tờ báo Nhật Bản, các đài truyền hình ở Việt Nam đã dừng phát sóng những bộ phim Trung Quốc dù đang chiếu dở, các hãng lữ hành cũng hủy bỏ những chuyến du lịch nhóm sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng vừa ra lệnh loai bỏ các linh vật, sư tử xuất xứ hoặc có dáng dấp Trung Quốc khỏi các di tích lịch sử văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thái được Asahi xem như thể hiện rõ ý chí của người Việt trước Trung Quốc.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng thái độ chống (dã tâm bành trướng lãnh thổ của) Trung Quốc quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nước nhìn tự góc độ lâu dài.
"Việt Nam đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Thoát khỏi (ảnh hưởng của) Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực ở mức độ nào đó, nhưng nó là một cơ hội tốt để điều chỉnh sự cân bằng trong tầm nhìn dài hạn", ông Doanh cho biết.