Xưởng tái chế váng dầu cống rãnh thành dầu ăn bẩn. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 8/9 đưa tin, vụ bê bối dầu cống rãnh tại Đài Loan tiếp tục làm nóng dư luận khi có tới 195 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm được xác định có sử dụng loại dầu tái chế nguy hiểm cho sức khỏe này.
Theo thống kê mới nhất từ Cục Quản lý thực phẩm và thuốc Đài Loan công bố hôm Chủ Nhật, có 933 nhà hàng, tiệm bánh và cửa hàng lương thực đã được xác định sử dụng dầu bẩn do Chang Guann cung cấp. Thậm chí cơ quan này cho biết không loại trừ khả năng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại Hồng Kông và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Ít nhất 40 công ty đã dùng loại dầu bẩn tái chế từ váng dầu cống rãnh để chế biến thành 110 loại đồ ăn, Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và thuốc Đài Loan Yeh Ming-kung cho biết.
Điển hình như công ty Gassho đã mua 69 tấn dầu bẩn từ nhà cung cấp Chang Guann tại Cao Hùng, đối tượng trung tâm của vụ bê bối. Chang Guann đã thu mua ít nhất 240 tấn váng dầu cống rãnh từ thải ra từ bếp ăn các nhà hàng khách sạn và nội tạng từ các lò giết mổ không phép về tái chế thành dầu ăn.
Một quan chức Đài Loan nói rằng họ không loại trừ khả năng dầu bẩn đang được bán bên ngoài thị trường Đài Loan, bao gồm cả Hồng Kông và Trung Quốc, bởi ít nhất có 10 công ty thực phẩm Đài Loan sử dụng dầu bẩn có chi nhánh tại đại lục.
Vụ bê bối vỡ lở sau khi cảnh sát phát hiện một xưởng tái chế váng dầu cống rãnh thành dầu ăn hoạt động ngầm tại huyện Bình Đông hôm Thứ Hai. Kua Lieh-cheng, chủ xưởng tái chế dầu cống rãnh đã lập tức bị bắt.
Các chuyên gia ước tính ít nhất 1 nửa trong số 23 triệu dân Đài Loan đã tiêu thụ sản phẩm có chứa dầu tái chế từ váng dầu cống rãnh, tuy nhiên nếu sử dụng ở số lượng nhỏ thì ít có khả năng đe dọa đến sức khỏe.