Chung tay vì tầm vóc Việt: sữa hay bữa cơm có cá khô?

08/09/2014 09:05
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu các tổng công ty lương thực, các doanh nghiệp thủy sản cùng chung tay “vì tầm vóc Việt” thì chắc các cháu sẽ có bữa cơm đủ chất trước khi uống ly sữa ngọt.

Người Việt dù vào hàng “thất thập cổ lai hy” hay lớp trẻ ngày nay chắc đều biết hai từ “Nhật lùn”. Đấy là nói về các binh lính Nhật có mặt tại Việt Nam trong thời gian thế chiến hai. 

Tuy nhiên hình ảnh các chiến binh Nhật Bản đứng thấp hơn cánh cung hay cây giáo mà họ sử dụng đã là chuyện của quá khứ. Sáu thập kỷ trước người Nhật được liệt vào danh sách dân tộc lùn của thế giới, ngày nay so với châu Âu chiều cao trung bình của người Nhật chỉ kém chừng 3-5 cm.

Sau thế chiến thứ hai, nền kinh tế Nhật lâm vào kiệt quệ, mặc dù vậy chính phủ Nhật vẫn quan tâm đặc biệt đến cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai. Minh chứng cho đường lối sáng suốt này là chương trình “Một ly sữa làm mạnh một dân tộc”. Chương trình này đã bổ sung thêm một ly sữa vào bữa ăn trưa truyền thống tại trường cho tất cả học sinh Nhật Bản.

Chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt” vừa được khởi động là một món quà trung thu có nhiều ý nghĩa với trẻ em, đặc biết là các cháu tuổi mẫu giáo.

Chung tay vì tầm vóc Việt: sữa hay bữa cơm có cá khô? ảnh 1

Hình ảnh các chiến binh Nhật Bản đứng thấp hơn cánh cung hay cây giáo mà họ sử dụng đã là chuyện của quá khứ. (Ảnh minh họa)

Bốn mươi năm sau khi đất nước thống nhất, nền kinh tế đã có những bước tiến đáng kể song có một sự thật đáng buồn là tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức rất cao (số liệu năm 2013 là gần 26% [1]). Như vậy, cứ bốn trẻ em thì có một thuộc diện suy dinh dưỡng, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm vóc cũng như thể lực của người Việt khi trưởng thành.

Ngày 28/04/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Theo đó, Đề án sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1: từ năm 2011 – 2020; giai đoạn 2: Từ năm 2021 – 2030.

Đề án đã được phê duyệt song phải hai năm sau mới bắt đầu khởi động, cụ thể là đến tận ngày 24/5/2013 mới có hội nghị trực tuyến phổ biến và triển khai đề án do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Ông Lâm Quang Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, viện trưởng Viện Khoa học TDTT - cho biết chi phí thực hiện toàn bộ đề án vào khoảng 6.000 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là  đến năm 2030 nâng chiều cao của thanh niên Việt Nam độ tuổi 18 lên 168,5cm (nam) và 157,5cm (nữ). [2]

Lại phải mất hơn một năm mới thấy một họat động mang tầm quốc gia khi Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với TH True milk tổ chức khởi động chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt”.

Dẫu sao, chậm ba năm vẫn còn hơn không biết đến lúc nào.

Được biết từ năm 2008 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, với sự tài trợ của Vinamilk đã hình thành “Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam”, sau 6 năm đã tặng gần 22 triệu ly sữa, tương đương khoảng 83 tỷ đồng tới hơn 307.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Những sự tài trợ đáng quý của Vinamilk, TH True milk đã được xã hội ghi nhận. Vấn đề là tiếp theo, ở tầm vĩ mô Chính phủ cần có sự phối hợp chỉ đạo sao cho các hoạt động này không chồng chéo lên nhau. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện bởi cả ba Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, GD&ĐT đều nằm dưới sự điều hành của Thủ tướng.

Cũng nên nhận thức rõ ràng một điều, rằng ly sữa mang đến cho trẻ nhỏ không phải là hoạt động quảng cáo, đánh bóng thương hiệu, càng không thể dùng nó như một thủ đoạn cạnh tranh thị trường dưới danh nghĩa bộ này, bộ khác.

Liên minh châu Âu EU đã đặt ra những tiêu chuẩn về đạo đức cho tất cả các nhà sản xuất, không những thế các sản phẩm còn phải dán nhãn môi trường. Việc sử dụng lao động trẻ em khiến cho các nhà hoạt động xã hội lo ngại. Việc phát triển sản xuất kéo theo sự phá hoại môi trường là điều tối kị. 

Các nước phát triển trên thế giới áp dụng những qui tắc đạo đức và môi trường này là một thực tế và những doanh nghiệp, quốc gia không tuân thủ sẽ bị tấy chay thông qua việc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm loại này.

Người viết hy vọng các cơ quan chức năng của chính phủ, khi chỉ đạo thực hiện chương trình sẽ có những kiểm tra nghiêm ngặt các sản phẩm mang tính từ thiện, đặc biệt là sữa cho trẻ em, tránh để tình trạng như đã từng sảy xảy ra tại viện K, Tam Hiệp - Hà Nội vào tháng 6 năm 2012 khi có đơn vị đem mì tôm sắp hết hạn hoặc quá hạn sử dụng ủng hộ trẻ em bị bệnh ung thư.

Một khía cạnh khác mà người viết rất muốn đề cập, đó là sữa chỉ là phần bổ sung dinh dưỡng chứ không thể thay thế bữa ăn hàng ngày. Đã từng có lởi kêu gọi “bữa cơm có thịt” cho trẻ em vùng cao song sự hưởng ứng còn khá hạn chế. Thực tế là trẻ em vùng sâu, vùng xa nếu có bữa cơm trắng với cá khô hoặc nước mắm miễn phí đã là quý lắm rồi. 

Chung tay vì tầm vóc Việt: sữa hay bữa cơm có cá khô? ảnh 5

Bữa cơm trắng với thức ăn là muối ớt của học sinh vùng cao (Ảnh minh họa)

Nếu hỏi các cháu trong bức ảnh này muốn gì, chắc hẳn là các cháu chưa cần sữa mà là muốn bữa cơm có rau xanh, có thức ăn giàu đạm.

Không thể đòi hỏi Vinamilk hay TH True milk tặng những thứ khác vì sản phẩm của họ là sữa, nhưng nếu các tổng công ty lương thực, các doanh nghiệp thủy sản cùng chung tay “vì tầm vóc Việt” thì chắc các cháu sẽ có bữa cơm đủ chất trước khi uống ly sữa ngọt.

Hy vọng đơn sơ ấy có thành hiện thực hay không, đó là việc của các nhà hoạch định chính sách chứ không thể chỉ trông chờ vào sự hảo tâm của các doanh nhân.

Tài liệu tham khảo

[1] http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chung-tay-vi-tam-voc-Viet-Nam/207757.vgp Chung tay vì tầm vóc Việt: sữa hay bữa cơm có cá khô? ảnh 6 

[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/628814/6000-ti-nang-chieu-cao-nguoi-Viet.html Chung tay vì tầm vóc Việt: sữa hay bữa cơm có cá khô? ảnh 7 

Xuân Dương