Tàu hơn 7 tỷ đồng bán giá "sắt vụn": Trách nhiệm quản lý của ai?

08/09/2014 13:41
Theo VTV
(GDVN) - Tàu hút cát từng được mua với giá hơn 7 tỷ VND được bán với giá chưa bằng 1/10 giá trị. Tuy nhiên, chưa cơ quan nào nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Dư luận đang băn khoăn trước việc dây chuyền tàu cuốc để sử dụng vào mục đích nạo vét luồng vận tải Hải Phòng - Sơn La có giá mua hơn 7 tỷ đồng nhưng đã được lãnh đạo Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bán với giá 562 triệu đồng, chưa bằng 1/10 giá trị khi mua. Trong câu chuyện này, cái lý mà lãnh đạo Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 đưa ra là dây chuyền tàu cuốc không phù hợp với mục đích sử dụng vì lạc hậu.

Dây chuyền tàu cuốc nạo vét có tổng trị giá 7,18 tỷ đồng được Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 tiếp nhận từ năm 2006 để nạo vét luồng chạy tàu kết hợp với tận thu sản phẩm cát, sỏi trên sông Hồng, sông Đà thuộc tuyến Hải Phòng - Sơn La. 

Dây chuyền tàu cuốc được đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng, sau 8 năm nằm bờ chỉ còn giá trị 562 triệu đồng
Dây chuyền tàu cuốc được đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng, sau 8 năm nằm bờ chỉ còn giá trị 562 triệu đồng

Thế nhưng, dây chuyền này đã buộc phải dừng hoạt động chỉ sau vài lần vận hành thử do cồng kềnh, tốn nhiên liệu, không mang lại hiệu quả. 

Cụ thể theo kết quả thẩm định giá trị tài sản này của đơn vị đánh giá độc lập hồi tháng 7/2014, sà lan SL-01 có nguyên giá khi bàn giao là 851,5 triệu đồng nhưng qua 8 năm đã khấu hao trên 798 triệu đồng và giá trị chỉ còn khoảng 53 triệu đồng. Sà lan SL 02 nguyên giá 850 triệu đồng, khấu hao trên 797 triệu đồng và chỉ còn giá trị khoảng 53 triệu đồng....

Tàu cuốc được đầu tư ban đầu có máy sản xuất ở Trung Quốc, phần vỏ do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy thiết kế - đóng mới năm 2006, có giá trị ban đầu gần trên 2,4 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này đã khấu hao hết 2,3 tỷ đồng và giá trị còn lại chỉ gần… 154 triệu đồng.

Tuy nhiên, đại diện Cục đường thủy nội điạ Việt Nam lại khẳng định không hay biết chuyện này.

Ông Nguyễn Long - Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường thủy nội địa nói: “Tài sản không thuộc nguồn vốn quản lý mà thuộc nguồn vốn dự án. Trong quá trình sử dụng, nó hiệu quả hay không, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 báo cáo lên các bộ phận khác chứ bên tôi không nắm được”.

Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 trực thuộc quản lý của chính Cục Đường thủy nội địa. Thế nhưng, cơ quan chủ quản không biết, mặc dù chính Cục trưởng Cục đường Thủy nội địa có văn bản trình Bộ GTVT về việc xin bán dây chuyền tàu cuốc với lý do… càng để lâu càng mất giá. 

Trong khi đó trả lời Báo Giao thông Vận tải về việc vì sao không bán đấu giá sớm hơn để giảm thiệt hại cho Nhà nước, ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (thời gian đó chưa giữ chức Cục trưởng) cho biết, dây chuyền này nằm trong dự án nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng - Sơn La, thuộc dự án nguồn vốn trong nước, do Đoạn Quản lý ĐTNĐ số 1 xin cấp. Hiện đơn vị này đang làm các thủ tục để chuyển sang công ty cổ phần nên cần thanh lý dây chuyền này.

“Phương tiện được đóng mới nên lỗi là của “ông” thiết kế. Hồi đó chỉ sau khi thi công thử đã thấy không hiệu quả, dây chuyền phải đắp chiếu, nhưng không ai dám đề xuất thanh lý vì tâm lý ai cũng sợ”, ông Cừu nói.

Theo VTV