Đại biểu Lê Nam (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh, Quốc hội ngày càng phải tăng thực quyền, thể hiển ở hai điểm "tiền và người":
Thứ nhất là quyền về tài chính quốc gia thế nào? Theo tôi đưa từ “phân chia” vào trong luật không ổn. Chúng ta cổ vũ cho cơ chế xin cho hay sao? Tôi nghĩ không nên dùng từ này. Sự tồn tại hiện nay đó là cơ chế độc quyền quá nhiều, dẫn tới chuyện xin cho, dẫn tới hệ lụy là nền tài chính quốc gia không bình thường. Vì vậy, tôi đề nghị khắc phục những điểm này trong soạn thảo luật, có tư tưởng phân cấp cho địa phương.
Thứ hai về vấn đề con người: Bộ máy nhà nước hiện nay quá cồng kềnh không hiệu quả, đề nghị Quốc hội phải quyết định vấn đề biên chế, quản lý sử dụng bộ máy công chức nhà nước.
Đại biểu Lê Nam - đoàn Thanh Hóa. |
Bên cạnh đó, Đại biểu Nam đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách lên 50% để đáp ứng tình hình mới.
“Tôi đề nghị tuổi của ĐBQH ít nhất phải từ 25 trở lên chứ không thể dưới 25, bởi vì cần có trình độ và hiểu biết để có thể đóng góp vào luật pháp, chính sách. Đồng thời cũng phải quy định tuổi tối đa của ĐBQH, dù không phải quan chức, công chức… nhưng cũng phải quy định không thể quá 70”, Đại biểu Nam bày tỏ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng đề nghị tăng số Đại biểu Quốc hội chuyên trách lên con số 40-50%, trong đó chú ý tới sự phân bổ: Đại biểu đến từ các cơ quan hành pháp phải ít hơn cơ quan lập pháp và tư pháp. Mỗi đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh cần có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách, vì chỉ có 1 như hiện nay thì rất bất cập khi cần trao đổi mà cán bộ lại bận việc, không có người thay thế.
“Quốc hội làm luật thì đúng rồi, nhưng soạn thảo thì là các cơ quan hành pháp làm và khi bỏ phiếu mà tỷ lệ đại biểu ở những cơ quan này lớn thì không khách quan, cho nên cần có tỷ lệ phù hợp. Ở nhiều nước thì các cơ quan hành pháp không tham gia quốc hội”, Đại biểu Vinh nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - đoàn Hải Phòng. |
Cuối cùng nói về tiêu chuẩn chọn ĐBQH, ông Vinh nhấn mạnh: “Phải có sự liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và phải có bản lĩnh. Không có bản lĩnh thì không dám phát biểu, không dám đấu tranh. Còn hiện nay nói rằng trung thành với tổ quốc thì ai cũng trung thành với tổ quốc, Hiến pháp đã ghi như vậy rồi".
Thẳng thắn chỉ rõ trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) viết: Phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói: "Theo tôi đây là khẩu hiệu không nên đưa vào luật”.
Cũng cho ý kiến về việc lựa chọn đại biểu đủ năng lực tham gia Quốc hội, Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chỉ rõ, Hiến pháp có quy định chung nhưng không có tiêu chuẩn, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội cũng chưa nhấn mạnh tiêu chuẩn thể hiện sự đặc thù.
“Đại biểu Quốc hội phải có trình độ và năng lực nhất định mới đảm bảo chất lượng. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì khó chọn được đại biểu đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Do đó quy định cần cụ thể hóa, theo hướng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của đại biểu, ở đây cần quan tâm phẩm chất năng lực, trình độ”, Đại biểu Nga nói.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề cập thêm rằng, nhiều ĐBQH thắc mắc: Bằng cách nào chúng ta chọn được Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại từng kỳ họp?
“Hiện nay theo trình tự thì có lấy phiếu ý kiến của ĐBQH. Phiếu này hỏi: Ông bà có chất vấn ai không và theo hướng nội dung gì? Trong khi đó lẽ ra phải hỏi rằng: Trong số các Bộ trưởng thì Đại biểu sẽ chọn ai để toàn thể Quốc hội chất vấn. Phải đặt ra câu hỏi như vậy, bởi vì có thể tôi không chất vấn nhưng tôi muốn chọn ra để các Đại biểu khác chất vấn. Cách thức chọn vấn đề chất vấn là rất quan trọng”, bà Nga đặt vấn đề.