Chỉ số cải cách hành chính Par Index: ẩn hiện phía sau những con số

09/09/2014 06:43
Xuân Dương
(GDVN) - Cải cách hành chính không chỉ là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống mà qua đó còn thể hiện trình độ, tài năng của người đứng đầu các bộ, các tỉnh.

Ngày 25/01/2014, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trình bày Báo cáo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2012.

Chỉ số cải cách hành chính Par Index: ẩn hiện phía sau những con số ảnh 1Cải cách hành chính: Đà Nẵng dẫn đầu, Hà Nội chỉ xếp thứ 5

(GDVN) - Bộ GTVT xếp thứ nhất về phía bộ ngành; TP Đà Nẵng xếp thứ nhất về phía địa phương; Hà Nội chỉ đứng thứ 5

Sáng 5/9/2014, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị công bố chỉ số cải cách hànhchính năm 2013 (PAR INDEX 2013) của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Vậy là chỉ trong năm 2014, Bộ Nội Vụ đã hai lần công bố Par Index cho các năm 2012 và 2013.  Sự khác biệt của lần công bố thứ hai là nó diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nội Vụ, ông Nguyễn Thái Bình.

Việc công bố chỉ số CCHC chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hoạt động CCHC của các Bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương. Vấn đề là người dân, doanh nghiệp có nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt đó hay không?

Ngược dòng thời gian, từ tháng 5-7 năm 2013 Bộ Nội Vụ đã  phát phiếu điều tra xã hội học về CCHC gửi các cá nhân, đơn vị và cuối tháng 7/2013 đã nhận được kết quả phản hồi. Điều đáng nói là trong số 345 đại biểu Quốc hội được phát phiếu điều tra, chỉ có 171 người gửi lại Bộ Nội Vụ đánh giá của mình, chiếm 49.57%, quá nửa số đại biểu Quốc hội được hỏi ý kiến đã không tham gia vào hoạt động này. [1]

Sự “không nhiệt tình” của các đại biểu Quốc hội, dù với bất kỳ lý do gì cũng cho thấy một sự không đồng bộ giữa lập pháp và hành pháp, phải chăng sự thờ ơ của đại biểu Quốc hội – những người đại diện cho quyền lợi của cử tri cũng cho thấy người dân chưa cảm nhận được những chuyển biến tích cực của công cuộc CCHC?

Điều này lại càng được khẳng định khi lãnh đạo Bộ Nội vụ  cho rằng “Mục tiêu CCHC không thể đạt tuyệt đối nên sự dao động về điểm chỉ thể hiện sự tăng, giảm của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác CCHC chứ cũng không có nhiều ý nghĩa lắm." [2]

Chỉ số PAR INDEX được đánh giá trên cơ sở điều tra xã hội học thông qua việc gửi phiếu điều tra và việc tự chấm điểm của các bộ, ngành, địa phương, cuối cùng là thẩm định của Bộ Nội Vụ. Số liệu điều tra năm 2012 cho thấy, trong số 34.345 phiếu điều tra phát ra, số phiếu dành cho cán bộ công chức là 11.045,  chiếm gần 33%. Nếu chỉ riêng đánh giá cấp bộ thì hoàn toàn không có người dân nào được hỏi ý kiến (bảng 1)!

Văn bản lấy trên trang thông tin của Sở Nội Vụ Bắc Giang [1]
Văn bản lấy trên trang thông tin của Sở Nội Vụ Bắc Giang [1]

Năm 2014, việc thu thập ý kiến về CCHC (cho năm 2013) có sự thay đổi,  theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh thì tỷ lệ này là: “ở cấp Bộ, 60 điểm là do Bộ, ngành tự đánh giá và 40 điểm là từ điều tra xã hội học; ở cấp tỉnh, 62 điểm là do cơ quan hành chính cấp tỉnh tự đánh giá và 38 điểm là từ điều tra xã hội học”. [2]

Điều tra xã hội học phục vụ cải cách hành chính cuối cùng là nhằm mục đích gì? Có phải là hình thành nên một thước đo chung, một chuẩn mực đánh giá về mức độ cải cách các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền? Nếu quả thật là như vậy thì việc dành khoảng 2/3 số phiếu cho chính những người tham gia chỉ đạo điều hành là có nhiều quá không? Để cho người trong cuộc tự đánh giá có thật sự khách quan không?

Suy cho cùng, cải cách hành chính  là để đáp ứng sự  hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công, đối với chỉ đạo, điều hành của các cơ quan công quyền, đối với đạo đức và trình độ của công chức, viên chức nhà nước. Thế nhưng cũng chính Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh thừa nhận: “theo đánh giá chung, mức độ hài lòng của người dân cả nước về chất lượng dịch vụ công hiện nay chỉ vào khoảng 40%”. [3]

Nếu thế thì phải nhìn nhận thế nào về Par Index khá cao của các bộ (thấp nhất 66.71% cao nhất  81,06%) và các tỉnh (thấp nhất 58.91% cao nhất  87,02%) trong khi chỉ số hài lòng của người dân lại khá thấp?

 Sẽ không thể lý giải sự khập khiễng này nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật. Nhiều người sẽ giật mình khi đọc các số liệu công bố trên Laodong.com.vn về kết quả điều tra xã hội học đánh giá CCHC năm 2013 của một số đơn vị: Bộ Nội vụ 27,49%; Bộ GTVT 29,26%;  Thanh tra Chính phủ 30,15%; Bộ Tài chính 30,44%. [4]

Chính tại hội nghị ngày 5/9/2014 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã só ý kiến: “Bộ Nội vụ theo dõi, rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh cần thiết để hoàn thiện PAR INDEX ngày càng thực chất, khách quan”.

Ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn phù hợp với chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm chủ. Để bảo đảm khách quan  nên chăng Bộ Nội vụ cho công bố kết quả điều tra xã hội học về Par Index đối với các bộ và tỉnh thành trực thuộc trung ương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không công khai, dù cách làm có khoa học, công minh đến mấy cũng không tránh được tâm lý hoài nghi của dư luận khi cho rằng Bộ Nội vụ và hội đồng tư vấn gồm 6 bộ, ngành khác vừa đá bóng vừa thổi còi trong việc tự đánh giá chính mình mà không có sự thẩm định của các tổ chức độc lập và người dân.

Việc Bộ Y tế và một số tỉnh miền núi xếp cuối bảng hay Bộ Giao thông và Đà Nẵng xếp đầu bảng không khiến dư luận ngạc nhiên, điều ngạc nhiên là chỉ số Par Index trung bình của các bộ theo báo Nhân Dân là 77.25%  [5] còn theo Văn phòng Chính phủ là 77.5%. [6]

Sự “làm tròn” số này phải chăng chỉ là sai số kỹ thuật hay còn có chủ ý, bởi nếu Par Index trung bình của các bộ là 77.5% thì nó không khác mấy so với Par Index của các tỉnh 77.56%. Điều này có nghĩa là xét về tổng thể thì lãnh đạo địa phương cũng hoàn thành nhiệm vụ như lãnh đạo bộ và cơ quan ngang bộ? Tất cả là như nhau, chúng ta cùng dàn hàng ngang mà tiến? Điều này rất dễ đưa đến một suy luận là lãnh đạo tỉnh thể nào chẳng có lúc về trung ương và ngược lại lãnh đạo bộ cũng có lúc luân chuyển về các tỉnh?

Cải cách hành chính không chỉ là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống mà qua đó còn thể hiện trình độ, tài năng của người đứng đầu các bộ, các tỉnh, liệu đã đến lúc cần thay đổi các vị trí lãnh đạo của những đơn vị đứng cuối bảng hai năm qua mà không cần chờ hết nhiệm kỳ?

Đây cũng lại là câu hỏi phát sinh từ cuộc sống mà người dân mong sớm có câu trả lời./.

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://sonoivu.bacgiang.gov.vn/?act=news&id=297

[2] http://baophapluat.vn/trong-nuoc/khong-co-chuyen-chay-chot-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-196124.html

[3] http://www.vietnamplus.vn/chi-co-40-nguoi-dan-hai-long-ve-chat-luong-dich-vu-cong/277122.vnp

[4]http://laodong.com.vn/xa-hoi/xep-hang-cai-cach-hanh-chinh-nam-2013-bai-sat-hach-cho-cac-bo-truong-chu-tich-ubnd-tinh-241437.bld

[5] http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_xahoi/_mobile_tintucxh/item/24233202.html

[6]http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thong-cao-bao-chi-Pho-Thu-tuong-Nguyen-Xuan-Phuc-chu-tri-Hoi-nghi-cong-bo-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-2013/20149/14353.vgp#sthash.cMnTHKyv.dpuf

Xuân Dương