Thực nghiệm bay thẳng 20 triệu VND: Cơ hội để Cục HK "tổng thử nghiệm"

09/09/2014 07:22
Cao Nguyên (thực hiện)
(GDVN) - TS Trần Đình Bá khẳng định, thực nghiệm trên sa bàn độ chính xác đạt đến 99% vì nó tuân theo quy luật tự nhiên mà không ai dám làm sai lệch số liệu.

Sau cuộc thử nghiệm đường bay thẳng trong Hệ thống buồng lái giả định  (SIM) đưa ra kết quả khiến công luận nghi ngờ, TS Trần Đình Bá - người tích cực kiến nghị Bộ GTVT triển khai đường bay thẳng trong bối cảnh các hãng hàng không đang thua lỗ, liên tục chậm chuyến, hoãn chuyến... tiếp tục hiến kế thử nghiệm đường bay này bằng cách tổ chức thực nghiệm trên sa bàn.

Dưới đây là cuộc trao đổi của TS Trần Đình Bá với PV báo Giáo Dục Việt Nam cụ thể về phương án thử nghiệm ít tốn kém này:

- Thưa TS Trần Đình Bá, động cơ nào khiến ông tiếp tục theo đuổi phương pháp thực nghiệm đường bay thẳng bằng sa bàn cơ học?   

TS Trần Đình Bá: Theo tin đã đưa, thử nghiệm đường bay thẳng bằng SIM, mỗi ngày các hãng hàng không nước ta có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD nếu phải thuê SIM ngoại. Mặc khác, động thái đi thuê này bộc lộ sự lúng túng của ngành cũng như trình độ công nghệ và sự nghèo khó của Hàng không Việt trước bạn bè quốc tế, lại gây tốn kém thêm hàng ngàn USD từ tiền ngân sách nên tôi đưa ra phương án thực nghiệm này.

Nước ta hiện có 100 GS-TS ở Cục HKVN, Học viện Hàng không, các hãng hàng không … và các Cục, Vụ, Viện vẫn loay hoay với bài toán hiệu quả đường bay thẳng HN- TP.HCM… chưa phân minh được đâu là công thức đúng, đáp số đúng. Một TS hàng không - TGĐ của một hãng bay nhận định, đường bay đó tiết kiệm được 10 phút cũng là "sẽ hái ra tiền" song cơ sở thì "các TS hàng không còn phải tính toán và chờ thử SIM".

Thực nghiệm bay thẳng 20 triệu VND: Cơ hội để Cục HK "tổng thử nghiệm" ảnh 2

"Đường bay vòng" được Cục Hàng không nắn chỉnh thế nào?

(GDVN) - Cất cánh từ HN, máy bay bay ra biển Đông và bay một đoạn rất thẳng, qua Huế đến gần Đà Nẵng, máy bay đột ngột chuyển hướng qua phải, rồi tiếp tục qua phải...

Cục HK đã từng thuê JICA thiết kế đường bay, nay phải thuê SIM ngoại Singapore, SIM Thái... nhưng rồi kết quả vẫn khiến dư luận nghi vấn. Tiếp đến, Cục HK tiếp tục định thuê JICA thẩm định lại kết quả tiếp tục là điều đáng hổ thẹn.

Người Việt Nam phải có lòng tự tôn dân tộc, tự lực tự cường chứ, không nên quá sính ngoại, cái gì cũng phải lệ thuộc nước ngoài chạy ra nước ngoài là không nên.

Từ thế kỷ trước, một người Việt Nam đã đưa ra một lý thuyết tính làm cho cả trong tâm Vũ trụ NASA Hoa Kỳ từ kinh ngạc đến thán phục, áp dụng để vạch quỹ  đạo cho tàu Apolo 11, đưa người đổ bộ lên mặt trăng từ 1969 cơ mà.

- Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc thử nghiệm đường bay thẳng theo phương pháp của ông liệu có đảm bảo chính xác hơn thử nghiệm SIM không và tiết kiệm như thế nào?   

TS Trần Đình Bá: Mục tiêu của thử nghiệm là tìm được hiệu quả kinh tế giữa đường bay vòng hiện tại với đường bay thẳng sẽ tiết kiệm được bao nhiêu bằng so sánh Công có ích/Công toàn phần, bằng định lượng để đưa vào hạch toán lỗ lãi do phải trả lệ phí cho bạn, để lựa chọn bay thẳng hay bay vòng.

Thử nghiệm bằng một chuyến máy bay A321 từ HN – TP.HCM tốn kém tới 15.000 - 18.000 USD, tương đương 390 triệu VND khi chưa chở khách thương mại nên quá lãng phí. Thử nghiệm trên buồng lái điện tử giả định là SIM, lại thuê SIM ngoại càng tốn kém do chi phí đi lại, song kết quả mang về rất thất vọng.

Thực nghiệm khoa học bằng sa bàn cơ học rất trực quan, trung thực vì các nhà khoa học và báo giới được chứng kiến. Hiệu suất công đơn vị là % giữa đường vòng và đường thẳng, phản ánh được mức độ lãng phí mà lâu nay tranh cãi. Khoa học có chân lý, tôn trọng sơ đồ tính, thuật toán và cơ sở pháp lý về cách tính.     

Thử nghiệm bằng sa bàn cơ học sẽ rất tiết kiệm vì ta sử dụng cái mà ta có: sân bãi (sân bay Bạch Mai), phương tiện và con người, rất trực quan mà chỉ tốn khoảng 20 triệu VND, mà không phải là USD.    
                                                        
- Nhưng thưa ông, tại sao lại chọn sân bay Bạch Mai để thử nghiệm mà không phải là các nơi khác, sân bay này có liên quan gì đến đường bay?  

TS Trần Đình Bá: Sân bay này hiện đang chưa sử dụng, diện tích sân bay nhiều Km2 đủ để làm một sa bàn khổng lồ tỷ lệ 1/1000 (mỗi mét bằng 1km thực địa, cả bề dọc HN vào đến Phú Quốc và từ biên giới Thái Lan – Lào đến cực đông là sân bay Cam Ranh. Mặt bằng sân bay là nơi bằng phẳng, được trải thảm bê tông nên có thể làm sa bàn thử nghiệm rất tốt.

Tôi đề xuất chọn sân bay Bạch Mai vì đây là sân vận động lớn, từng tập diễu bình diễu hành (có cơ giới). Sân bay có “họ hàng" với hàng không nên phải ủng hộ thử nghiệm. Sân bay Bạch Mai lại nằm ở Hà Nội, trung tâm của khoa học công nghệ, đặc biệt là Cục HKVN, Vụ KHCN, Vụ Vận tải…, thuận tiện để tiến hành thử nghiệm.

Theo TS Trần Đình Bá, Hàng không Việt đang thua lỗ nặng nề trên Quỹ đạo đường bay hình con rắn. Ảnh chụp trên máy bay A321 của VNA tuyến Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh ngày 23/7/2014. Ảnh: TS Trần Đình Bá.
Theo TS Trần Đình Bá, Hàng không Việt đang thua lỗ nặng nề trên Quỹ đạo đường bay hình con rắn. Ảnh chụp trên máy bay A321 của VNA tuyến Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh ngày 23/7/2014. Ảnh: TS Trần Đình Bá.

- Ông có thể diễn tả rõ hơn quy trình thử nghiệm này sẽ như thế nào?

       

TS Trần Đình Bá: Dùng cọc tiêu đánh dấu vị trí  sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Phú Quốc, Cần Thơ… khoảng cách phải đo chính xác theo tỉ lệ 1/1000. Các đường bay vòng hiện tại được sơn vạch đúng theo quỹ đạo hiện tại.        

Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 82 về chỉ số cơ sở hạ tầng hàng không và xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia ASEAN về năng lực vận tải hàng không.

Theo TS Trần Đình Bá, Hàng không nước ta đang đứng trước thách thức lớn “Đổi mới hay là chết" khi nhiều hãng hàng không đã bị phá sản và ngay chính Vietnam Airlines cũng đang xin chính phủ trợ cấp trước giờ IPO.

Dùng một xe 7 - 9 chỗ tùy nhu cầu kiểu Toyota Zace, Ford Everest, Inova… chạy bằng số sàn, không dùng phanh trong suốt khi chạy thử nghiệm. Trên xe chở Hội đồng thử nghiệm gồm các GS-TS đại diện cho Cục HK, Học viện HK , các hãng HK và các cục vụ viện Bộ GTVT… và có thể là giới truyền thông.

Thiết bị mang theo là đồng hồ bấm giờ thể thao có đơn vị tính bằng giây. Văn bản số liệu thử nghiệm phải trung thực được hội đồng chứng kiến và ký tên tập thể làm tài liệu lưu trữ mang tính chất pháp lý, chấp hành đúng Luật và pháp lệnh kế toán – thống kê, sau này liên quan để dự án, hạch toán, kiểm toán, lưu trữ hồ sơ.     

Đặt cần số xe nấc số 1, chạy theo hành trình đường thẳng HN - TP.HCM, bấm giờ lấy số thời gian ghi vào nhật ký. Tiếp theo chạy trên sơ đồ đường vòng từ TP.HCM đến HN đến Đồng Nai, Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, HN theo đường bay thực hiện nay ghi vào nhật ký.   

Thử nghiệm như vậy 3 lần để có số liệu trung bình đảm bảo chính xác. Khi về văn phòng sẽ tính hiệu quả đường bay bằng thời gian bay thẳng/thời gian bay vòng chính là Công có ích/công toàn phần, đơn vị tính là %.  

- Thưa ông vì sao lại phải là cài số 1 và phải là đổi chiều?  Vì sao cũng phải thử nghiệm các đường bay khác?       

TS Trần Đình Bá:  Cài số 1 vì máy nó khỏe, không dùng ga - phanh (tiếng Nam bộ gọi là “thắng”) để tốc độ lại chậm và rất đều, phản ảnh tiêu tốn năng lượng chính xác, lại an toàn khi thử nghiệm. Đổi chiều ngẫu nhiên, ví dụ đi thẳng HN- TP.HCM, sau phải đi thẳng TP.HCM – HN để gia tốc Criolis do vòng quay trái đất và gió sinh ra phân đều cho cả hai chiều. Lưu ý số người ngồi trên xe phải giữ nguyên để đảm bảo tải trọng không thay đổi.    

Thử nghiệm này ưu việt hơn SIM vì không chỉ với đường bay quan trọng nhất là HN - TP.HCM  mà áp dụng cho tất cả các đường bay khác như HN - Phú Quốc  HN – Cần Thơ, Hải Phòng – TP.HCM, Thanh Hóa – TP.HCM, Vinh – TP.HCM, Đồng Hới – TP.HCM, Huế - TP.HCM, Đà Nẵng – TP.HCM… Đây là những đường bay dài, có tần suất cao, hiện đang bay vòng nên lãng phí rất lớn, tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của tất cả các hãng hàng không. Theo tôi, đây cũng là dịp để Cục HK "tổng thử nghiệm" nhằm tìm ra các đường bay tối ưu cho hàng không nước nhà.      

Kinh phí tốn kém chỉ khoảng 15 - 20 triệu đồng cho xăng xe, chi phí sơn vôi, cọc tiêu sa bàn, nước uống… mà có được sự chứng kiến của các nhà khoa học, báo giới và nhân dân ngồi trên khán đài.  

- Nhưng thưa ông, liệu thử nghiệm hiệu quả bay thẳng bằng ô tô có tương đương so với dùng máy bay không vì hai phương tiện này có cơ chế hoạt động hoàn toàn khác nhau?

TS Trần Đình Bá: Ô tô hay máy bay đều là phương tiện vận tải, nó tuân thủ quy luật về Công = Lực (F) x Quãng đường (S) theo đúng các định luật của Newton, đặc biệt là “hệ quả từ tích vô hướng". Hiệu suất là công có ích/công toàn phần dù loại phương tiện gì (tàu thủy, xe máy hay đi bộ) cũng đều tuân thủ bài toán về công trên đường đi đổi  hướng chiều lần bằng “tích phân đường”:  
Hiệu quả công là đơn vị không thứ nguyên (%) thì tỷ lệ thử nghiệm bằng ô tô trên sa bàn thu nhỏ và máy bay trên trời đều cho kết quả đúng như vậy.      
        
Thực nghiệm trên sa bàn này độ chính xác đạt đến 99% vì nó tuân theo quy luật tự nhiên mà không ai dám làm sai lệch số liệu.
    
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.                                                         

Cao Nguyên (thực hiện)