Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đường sắt trên cao với 12 nhà ga, bắt đầu từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Đây là đường sắt đôi khổ 1.435mm, với tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h. Như vậy, thời gian từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại hết khoảng 24 phút, vận chuyển được tối đa 57.000 người/h (tương đương hơn 1 triệu người/ngày).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án được ký kết giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc vào ngày 20/5/2009, giá trị hợp đồng là 435,7 triệu USD (bao gồm cả VAT và dự phòng). Thời gian thực hiện là 48 tháng với điều kiện có mặt bằng sạch 100% ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công.
Thời gian dự kiến thực hiện ban đầu là từ tháng 8/2011 đến tháng 11/2013. Tuy nhiên, trên thực tế dự án chính thức khởi công từ 10/10/2011 và dự kiến hoàn thành vào 31/12/2015.
Cùng với việc dự án bị kéo lùi thì tổng mức đầu tư của dự án cũng bị đội lên theo dự kiến đến thời điểm hiện tại là 891,9 triệu USD. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, số tiền tăng thêm so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 339,6 triệu USD.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên trái) khẳng định, dự án sẽ không thể đội giá thêm. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ông Hùng cho biết, tiến độ của dự án chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân chính là tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực đường dẫn ra vào Depot (quận Hà Đông) vẫn còn 13 ngôi mộ chưa cải táng chưa được di dời.
Còn tại khu vực ga Cát Linh (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) có 17/54 hộ dân đã nhận tiền đền bù GPMB nhưng chưa chuyển đi, còn 37 hộ dân khác ở phường Cát Linh và 18 hộ ở phường Ô Chợ Dừa chưa nhận tiền GPMB. Đoạn qua khu dân cư phường Thịnh Quang cũng còn 5/60 hộ chưa nhận tiền do không đồng thuận phương án đền bù.
"Chúng tôi đã chuyển 432 tỷ đồng để Hà Nội thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đề nghị TP Hà Nội tiếp tục đôn đốc các quận nhanh chóng GPMB, nếu không thì sẽ không thể đảm bảo tiến độ", ông Hùng nói.
Lý giải thêm về số tiền đội lên hơn 339 triệu USD, ông Hùng cho biết chi tiết: Thứ nhất là một số khoản kinh phí phải bổ sung, thí dụ bổ sung xử lý hạng mục Depot là 13 triệu USD; kinh phí làm đường tránh quốc lộ 6 là 1,94 triệu USD; kinh phí bổ sung đào tạo chuyển giao công nghệ là 2,9 triệu USD; Khu vực còn 13 ngôi mộ chưa di dời trước đây dự tính làm bãi đúc dầm nhưng vì chưa GPMB xong nên phải đi thuê chỗ khác khiến giá đội lên; Vỏ tàu ban đầu là sắt bây giờ chuyển sang inox...
Thứ hai là do trượt giá ngoại tệ, tại thời điểm ký kết dự án thì 7,1 Nhân dân tệ quy đổi ra 1 USD, nhưng tới nay thì 7,1 Nhân dân tệ quy đổi ra 1,2 USD. Nếu tính chi tiết thì riêng phần trượt giá này đã khoảng 16% giá trị đầu tư ban đầu.
"Như vậy chỉ tính riêng hai yếu tố này thì giá đã đội thêm 30% trên tổng mức đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, ở lần điều chỉnh vừa qua, tổng vốn đầu tư là đóng khung không, cho đến khi kết thúc dự án cũng không thể phát sinh thêm nữa", ông Hùng cho hay.
Trước câu hỏi: Tàu được sản xuất ở đâu? Ông Hùng cho biết: "Tàu đóng mới tại Trung Quốc. Giá sản xuất bán ở Trung Quốc như thế nào thì họ làm cho phía ta như vậy. Việt Nam cũng gửi 600 người sang đào tạo tại Trung Quốc, trong đó có 41 lái tàu, số còn lại làm ở các vị trí khác".
Như vậy, chỉ riêng việc chậm chễ trong khâu GPMB, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đội giá thêm hàng chục tỷ đồng. Và hiện tại thì ở một số địa bàn, công tác GPMB vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điều đó khiến cho dư luận nghi ngờ tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2015 (dù đã chậm 1 năm). Tuy nhiên, cho tới lúc này, Hà Nội chưa xử lý trách nhiệm với cá nhân, tập thể nào.