Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây; trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Liên Bộ Tài chính - Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giảm giá bán.
Theo công văn hỏa tốc của Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành.
Sau khi thực hiện biện pháp trên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để giảm giá bán các mặt hàng xăng, dầu trong nước phù hợp với quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC; giá bán sau khi điều chỉnh giảm không cao hơn giá cơ sở tính theo quy định (trong đó, giá cơ sở xăng RON 92: 23.714 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S: 21.770 đồng/lít; dầu hỏa: 21.920 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S: 18.225 đồng/kg).
Mới hơn 40 ngày, giá xăng dầu đã liên tiếp giảm 5 lần. |
Cách đây ít ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu, trong đó quy định về giá bán xăng dầu.
Cụ thể, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn.
Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nghị định nêu rõ, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Nghị định cũng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính).
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.