Đu dây và xúc cát – đâu mới thực là văn hóa Việt

11/09/2014 06:39
Xuân Dương
(GDVN) - Tiêu diệt tận gốc thói giả dối là không thể, thói giả dối sẽ tồn tại chừng nào con người còn tồn tại và còn sinh hoạt theo cộng đồng,...

Sau khi bài viết: “Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai?” đăng tải, trong số các bình luận có bình luận của độc giả ThanhNhan như sau: “thanhnhan 04/09/14 18:30 4  …. Xin bác hãy dành tâm sức viết về "thói giả dối trong văn hóa người Việt mình vì cơm áo và lòng tự cao tự đại" hay "Văn hóa nhiệm kì”.

Người viết thực sự cảm động về tình cảm ưu ái mà rất nhiều bạn đọc, trong đó có ThanhNhan dành cho bài báo cũng như cho Báo Giáo dục Việt Nam. Bài viết này dựa trên góp ý của ThanhNhan, Có điều người viết muốn sửa lại đôi chút ý của ThanhNhan như sau “Thói giả dối trong văn hóa của một bộ phận người Việt” chứ không phải là “thói giả dối trong văn hóa người Việt”.

Đu dây và xúc cát – đâu mới thực là văn hóa Việt ảnh 1Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai?

(GDVN) - Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ còn bắt buộc phải viết chữ nước ngoài bé hơn và phải đặt dưới chữ Việt, tại sao ở chốn tâm linh lại không bắt buộc như vậy?

Tiêu diệt tận gốc thói giả dối là không thể, thói giả dối sẽ tồn tại chừng nào con người còn tồn tại và còn sinh hoạt theo cộng đồng, thậm chí một mình trên hoang đảo, đôi khi người ta vẫn phải tự dối mình. Tuy nhiên nhận diện thói giả dối, vạch mặt chỉ tên để nó không thể lộng hành, không thể trở thành ý thức hệ xã hội thì hoàn toàn có thể làm được. Cần khẳng định với nhau rằng, văn hóa của người Việt có chiều dày hàng nghìn năm và chính nhờ có nền văn hóa ấy mà dân tộc Việt tồn tại đến ngày nay. Vài chục năm trở lại đây, do những biến động của xã hội, do tác động của các yếu tố kinh tế, một bộ phận không nhỏ người Việt đã không còn giữ được bản sắc dân tộc, chạy theo lợi ích vật chất, xem thường kỷ cương, đạo đức. Trong số đó đa phần là những người có chức, có quyền, điều đáng nói là phần lớn trong số đó lại có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy thế đại bộ phận người dân vẫn đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng của văn hóa Việt, cũng có nghĩa là giữ gìn độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ trước những áp lực khủng khiếp của các thế lực ngoại bang.

Gần đây, nhân đọc được bài “Nghệ An: Xây dựng hai nhà bán trú từ nguồn vốn "tiếp sức đến trường" của tác giả Xuân Hòa trên Giáo dục Việt Nam, người viết lại chợt liên hệ đến gợi ý của bạn ThanhNhan.

Đu dây và xúc cát – đâu mới thực là văn hóa Việt ảnh 2

Nhìn vào bức ảnh lễ khởi công này người ta có cảm tưởng đó là một công trình tầm cỡ quốc gia, vốn đầu tư phải hàng trăm, hàng nghìn tỷ chứ không phải xây dựng ngôi nhà cấp 4 ba phòng bán trú cho học sinh tiểu học ở Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An.

Chín người đội mũ bảo hộ, cán xẻng cuốn giấy đỏ, máng cát cũng màu đỏ khai trương động thổ một ngôi nhà ba phòng, vị chi ba người khai trương một phòng, nếu để ý một chút, có người còn cố ngửng đầu nhìn vào ống kính phóng viên! Có điều chắc các vị “đại khách” này còn quên, ấy là còn cần có bông hồng giấy màu đỏ cài lên ngực cho đủ lệ bộ!

Nhìn vào bức ảnh người ta không chỉ thấy sự lãng phí mà còn thấy một sự giả tạo đến kệch cỡm bởi vì xây một ngôi nhà ba gian cấp 4 đâu có gì đáng nói, có gì để mà quảng bá thương hiệu! Phải chăng  mục đích cuối cùng của những người cầm xẻng là muốn cho bàn dân thiên hạ thấy họ đã lặn lội lên tận vùng cao, đã quan tâm đến trẻ em miền núi như thế nào? Cũng có người nghĩ, để chữa cháy chuyện “Nghệ An – tỉnh bảo dân … say” [1] thì bây giờ là “Nghệ An – tỉnh lo xúc… cát”. Nói gì thì nói, việc ông Bí thư và bà Phó chủ tịch tỉnh xúc cát động thổ làm nhà cấp 4 dẫu sao cũng còn hơn chuyện động viên toàn dân uống bia một bậc, cũng cần được truyền thông và người dân ghi nhận.

Đu dây và xúc cát – đâu mới thực là văn hóa Việt ảnh 3

Trưởng ban PCLB TƯ Lê Huy Ngọ đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên - Huế

Gần đây, khi Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng bám dây xuống hiện trường vụ tai nạn ô tô ở Sa Pa, người khen nhiều mà người chê cũng có. Trước đây, lúc ông Lê Huy Ngọ còn làm trưởng ban phòng chống lụt bào TƯ, chuyện ông đội mũ cối, xắn quần lội nước ở vùng bão lũ không hề có một ý kiến phê phán nào bởi con người ông là như thế, không giả tạo mà cũng chẳng cần danh vọng. Không làm Bộ trưởng thì đi phòng chống thiên tai, miễn là công việc ấy có lợi cho dân, cho nước.

Chuyện Bộ trưởng Thăng cũng vậy, thay vì quan tâm đến một vài lời bàn tán đâu đó, Bộ trưởng cứ mạnh dạn làm những việc mà bản thân thấy phải, làm việc đúng thì chẳng việc gì phải thẹn với người, với trời. Lãnh đạo việc đúng  trước là mang lại lợi ích cho dân sau cũng là để phúc cho chính con cháu, dòng họ, thế thì việc gì phải sợ?

Ở đời, đôi khi sự việc xảy ra trong tích tắc, người có tâm đưa ra quyết định sẽ không cân đong, xem xét lợi hại cho bản thân, người vừa có tâm vừa có tầm nhìn một việc nghĩ đến ba bốn việc tiếp theo. Chẳng hạn Bộ trưởng Thăng từ chuyện tai nạn ở Sa Pa nghĩ đến con đường mới, an toàn hơn, thuận tiện hơn cho du khách đến thăm Sa Pa, nghĩ đến chuyện quản lý con người và phương tiện làm sao giảm thiểu tối đa các tai nạn thương tâm.

Cũng vì chuyện tai nạn giao thông đang là nỗi bức xúc của toàn dân, người viết mong muốn có lúc nào đó Bộ trưởng Thăng đi từ ga Hà Nội qua bệnh viện Bạch Mai đến đoạn giao cắt với đường Giải Phóng để xem đoạn đường sắt này có thể cải tạo được không. Dân gian có câu “Đất chẳng chịu trời thì trời phải chịu đất”. Nếu không di dân tạo được hành lang an toàn cho xe lửa thì đành di chuyển đường sắt vậy. Nếu làm cầu đường sắt trên cao dọc theo đường Lê Duẩn, phía dưới vẫn là đường ô tô thì chẳng những có đường sắt hai chiều mà an toàn của người dân cũng được bảo đảm. 

Đoạn đường sắt này dài chừng 2.000 mét, nếu cải tạo thành ki ốt bán hàng sẽ được khoảng 700 ki ốt, cho thuê hoặc bán đi cũng được một khoản tiền khá lớn để đầu tư cho cây cầu đường sắt này. Kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư muốn bỏ vốn vì dọc “đoạn đường vàng” này là công viên, bệnh viện và một số trường đại học.

Cầm đèn chạy trước ô tô một tí vậy, không biết Bộ trưởng Thăng nghĩ sao?

Các cụ dạy “một người lo bằng kho người làm”, điều quan trọng là Bộ trưởng Thăng xây dựng được chiến lược phát triển giao thông trong vài chục năm tới sao cho không bị lạc hậu với thế giới mà lại phù hợp với túi tiền hạn hẹp của ngân quỹ quốc gia. Một ngày trong cả nước xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông, Bộ trưởng không thể đến hiện trường tất cả các vụ. Làm gương cho cấp dưới cần nhưng chưa đủ vì còn mấy chục phần trăm công chức “cắp ô” đang nhởn nhơ trong phòng lạnh từ Bộ xuống đến địa phương. Nếu Bộ trưởng Thăng mạnh dạn hơn nữa, hãy xóa sổ cái đám “cắp ô” trong ngành thì mạng sống của người tham gia giao thông mới đỡ bị đe dọa.

Cũng biết sức người có hạn, một mình Bộ trưởng Thăng khó mà làm dừng “bánh xe hệ thống”, nhưng ở đời “gái có công, chồng không phụ”, các cụ dạy thế và người viết hy vọng Bộ trưởng Thăng sẽ là một trong những “gái có công” để dân không phụ như ai đó phải ngồi ở đáy bảng xếp hạng cải cách hành chính vừa rồi.

Tài liệu trích dẫn

[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nghe-An-Tinh-bao-dan-say-post149283.gd

Xuân Dương