Đơn vị cung cấp thực phẩm thiếu kinh nghiệm khiến học sinh phải chịu đói chờ mì tôm
Ngày 8/9, tại một số trường tiểu học trong quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhiều học sinh đã phải ăn mì tôm và bánh mì thay cơm trưa do các đơn vị cung cấp thực phẩm “đến muộn”. Tệ hại hơn, có trường phải đến 3 giờ chiều học sinh mới được ăn trưa.
Ngày 9/9, trao đổi với phóng viên, ông Lã Văn Hưởng, Trưởng Phòng Tài chính quận Hoàng Mai cho biết sự việc này là có thật.
“Tuy nhiên ngay sau đó, quận đã chỉ đạo các trường khắc phục bằng cách ra siêu thị mua mì về nấu cho học sinh ăn” – ông Hưởng nói.
Theo lý giải của ông Hưởng, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do một số đơn vị cung cấp thực phẩm mới vào tham gia cung cấp thực phẩm cho các trường nên chưa được khoa học.
Nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm cho các trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai không đạt tiêu chuẩn. Ảnh VIẾT CƯỜNG |
Ông Hưởng nói thêm, sau khi xảy ra sự việc, quận Hoàng Mai đã triệu tập các hiệu trưởng họp để rút kinh nghiệm. Ngoài ra cũng chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với một số đơn vị không đạt yêu cầu.
“Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra một vài điểm thì đúng là những đơn vị được lựa chọn cung cấp bữa ăn cho các cháu chưa đạt tiêu chuẩn” – ông Hưởng khẳng định.
Được biết, ba đơn vi mà quận lựa chọn để cung cấp thực phẩm cho các trường học trên địa bàn gồm có: Công ty CP XNK Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á; Liên doanh Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam và Công ty CP liên hiệp đầu tư xây dựng thương mại xuất khẩu thực phẩm Tiến Thịnh và liên doanh Công ty TNHH thương mại và thiết bị Thành An và Công ty cổ phần thương mại nhập khẩu Phúc Thịnh.
Liên quan đến chuyện hàng nghìn học sinh tiểu học phải ăn mì tôm thay cơm và bị bỏ đói đến tận gần chiều, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hoàng Mai cho hay, vụ việc này UBND quận đã giao cho Phòng Kinh tế chủ trì.
Bà Thanh khẳng định, Phòng Giáo dục không được tham gia giải quyết vấn đề trên. Mọi thắc mắc của phóng viên, trách nhiệm giải đáp là của Phòng Kinh tế quận.
Trong những năm qua, thể lực người Việt Nam được nâng lên không đáng kể. Đây là vấn đề bức xúc trong chiến lược phát triển con người. Do đó, việc trang bị kiến thức cũng như cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng ngay từ khi còn là học sinh là việc rất cần thiết.
Tuy hàng nghìn học sinh tiểu học ở Hoàng Mai chỉ phải ăn mì, bánh mì một buổi. Thế nhưng qua vụ việc, cơ quan chức năng của quận đã phát hiện ra nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm cho học sinh trên địa bàn không đạt tiêu chuẩn.
Rất may các công ty trên đã bộc lộ thiếu sót trong việc cung cấp thực phẩm từ sớm, để lâu hậu quả không biết sẽ như thế nào?
Học sinh ăn gì cần phải kiểm tra kỹ
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm khi ăn tại trường.
Đơn cử như vào ngày 21/8, tại Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Hơ Moong, H.Sa Thầy, Kon Tum) có 48 học sinh bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 35 em phải chuyển đến Trung tâm y tế H.Sa Thầy cấp cứu.
Theo Ban giám hiệu Trường THCS Phan Đình Phùng, vào trưa 21/8 có 56 học sinh diện bán trú dùng bữa trưa tại trường thì dẫn đến sự việc trên.
Trước đó vào giữa tháng 4/2014, tại trường tiểu học Long Bình (quận 9, TPHCM) cũng có 97 em học sinh phải vào bệnh viện cấp cứu sau buổi ăn trưa (gồm món cơm chiên dương châu, bánh plan do chi nhánh công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản VISSAN cung cấp).
Sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TPHCM) lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm và cho ra kết luận, nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm là do món cơm chiên dương châu với sự hiện diện vi sinh vật gây bệnh Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng).
Rất may sau khi cấp cứu, 97 học sinh trên đã được an toàn. Tuy nhiên, về phía đơn vị cung cấp thực phẩm là chi nhánh công ty VISSAN đã bị xử phạt vi phạm là 23 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này phải thanh toán toàn bộ chi phí điều trị và các loại phí liên quan như phí vận chuyển, phí xét nghiệm thực phẩm phục vụ công tác điều tra.