Ông Vũ Mão: Án oan không bao giờ hết...

23/09/2014 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - "Chúng ta phải quy trách nhiệm cá nhân thật rõ từ điều tra, kiểm sát cho tới hội đồng xét xử thì mới mong hạn chế oan sai", ông Vũ Mão chia sẻ.

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Báo Giáo dục Việt Nam về thực trạng oan sai và những nỗ lực của các cơ quan tư pháp, trung tuần tháng 9 năm 2014.

Nhiều bất cập trong hoạt động tố tụng

Ông Vũ Mão chia sẻ: “Cách đây chừng 30 năm, án oan xảy ra nhiều, thời gian ấy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Định là hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước thường đi giám sát công tác tư pháp ở cơ sở và có rất nhiều phát biểu xúc động về án oan sai. 

Những năm gần đây, công các tư pháp cũng đã được nâng tầm nhưng các vụ án oan sai vẫn còn, nhiều vụ nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Như vậy, chúng ta phải rút ra được nguyên nhân, bài học và hướng sửa chữa thật rõ ràng, nếu không thì cũng chỉ là nói để đấy thôi”.

Dẫn ra một loạt các vụ án oan trong quá khứ như Bùi Minh Hải ở Đồng Nai (tù chung thân – PV), Trần Văn Chiến ở Tiền Giang (tù chung thân – PV), Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh (bị tuyên án tử hình, sau đó được minh oan và trả tự do – PV) và đây là vụ án tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)… ông Vũ Mão chỉ rõ, những bất cập trong hoạt động tố tụng chính là nguyên nhân dễ dẫn tới oan sai.

“Chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng không bao giờ có thể chấm dứt hoàn toàn oan sai 100%. Oan sai vẫn có thể xảy ra ở những nước có nền tư pháp mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có những biện pháp ngăn chặn thực sự nhằm giảm tỷ lệ oan sai tới mức thấp nhất, bởi hậu quả từ oan sai là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ làm tan nát một gia đình mà nguy hiểm hơn còn làm sói mòn lòng tin của xã hội, của người dân đối với cơ quan tư pháp. Nó cũng góp phần phá hỏng những cố gắng của các cơ quan tư pháp, và đồng thời còn làm mất niềm tin của nhân dân với nhiều cán bộ của Đảng”, ông Mão phân tích.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị phải quy trách nhiệm cá nhân cho những người tham gia quá trình điều tra, truy tố, xét xử để ngăn chặn oan sai. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị phải quy trách nhiệm cá nhân cho những người tham gia quá trình điều tra, truy tố, xét xử để ngăn chặn oan sai. Ảnh: Ngọc Quang

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, qua các vụ án oan sai, có thể thấy ba vấn đề:

Thứ nhất là đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại từ phía cơ quan điều tra. Thời gian gần đây nổi lên tranh luận cơ quan công an tiếp tục quản lý các trại tạm giam hay chuyển sang Bộ Tư pháp. Theo tôi, cơ quan nào quản lý thì cũng cần đảm bảo hai yếu tố: Thứ nhất là tiện cho công tác điều tra; Thứ hai là đảm bảo sự minh bạch, đảm bảo quyền của bị can trong toàn bộ quá trình điều tra. 

Nếu bên công an tiếp tục quản lý thì cần phải đổi mới, thí dụ như phải có thêm những quy định rõ ràng để ngăn chặn bức cung, nhục hình trong quá trình tạm giam các bị can. Thời gian qua nhiều vụ án oan xảy ra bắt nguồn từ công tác điều tra, chứng tỏ quy trình có vấn đề, năng lực có vấn đề, đạo đức cũng có vấn đề.

Thứ hai, cần phải xem lại Bộ Luật tố tụng hình sự, bởi vì tỷ lệ xảy ra oan sai còn cao, trong đó nhiều vụ nghiêm trọng chứng tỏ luật không phù hợp với tình hình mới, dẫn tới chuyện “lách luật” để làm bừa.

Thứ ba là phải nâng cao được năng lực của đội ngũ kiểm sát. Rất nhiều vụ án đển ngày xét xử mà tòa lại trả hồ sơ điều tra bổ sung, chứng tỏ kiểm sát viên và cơ quan kiểm sát không hoàn thành nhiệm vụ nếu không muốn nói là năng lực quá yếu kém. 

Hiện nay, công tác điều tra phụ thuộc hoàn toàn vào phía công an, kiểm sát không thể hiện được năng lực phối hợp với cơ quan điều tra, đây là yếu kém cần nhìn nhận thẳng thắn để sửa chữa.

Xảy ra bức cung, nhục hình cần cách chức người đứng đầu?

Cách đây 10 ngày, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.

Ông Vũ Mão: Án oan không bao giờ hết... ảnh 2"Nghe thì có vẻ đúng, nhưng mà sai rồi, thiếu tôn trọng Hiến pháp"

Bàn về việc làm sao hạn chế tối đa việc bức cung, dùng nhục hình, các thành viên tham dự phiên giải trình đề xuất hàng loạt giải pháp, từ các kiến nghị hoàn thiện quy định của luật pháp đến các giải pháp kỹ thuật như lắp đặt hệ thống camera, ghi âm tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ… tuy nhiên nhiều ý kiến đồng tình, quan trọng vẫn là yếu tố con người.

Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cũng bày tỏ: “Quyết định cuối cùng vẫn là vấn đề con người, từ khâu giáo dục cán bộ, chiến sĩ, đào tạo nâng cao trình độ năng lực đến kiểm tra, giám sát các hoạt động của anh để làm sao bảo đảm tuân thủ pháp luật. Chúng tôi mong muốn tới đây trong quá trình điều tra, ngoài kiểm tra, giám sát của Viện kiểm sát thì vai trò của luật sư cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta áp dụng được đồng bộ cái đó thì rõ ràng là hoàn thiện được mô hình tố tụng”.

Ngăn chặn bức cung nhục hình được coi là một biện pháp cần thiết để chống oan sai, đó cũng là yêu cầu cần thiết để tiến tới một đất nước pháp quyền. Theo ông Vũ Mão, quá trình điều tra xét xử phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, đầu tiên phải đặt ra các hướng chứng minh người ta không phạm tội, rồi mới đến chứng minh có tội.

“Đó là sự nhân văn của pháp luật trong một xã hội văn minh, nhưng trên thực tế trong rất nhiều trường hợp mới chỉ chú trọng đến những chứng cứ xác định có tội, do vậy dù làm gì thì yếu tố quan trọng số một vẫn là phải đề cao trách nhiệm cá nhân của những người tiến hành tố tụng, là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác. Chúng ta phải quy trách nhiệm cá nhân thật rõ từ điều tra, kiểm sát cho tới hội đồng xét xử thì mới mong hạn chế oan sai, khâu nào nào sai phải cách chức và xử lý nghiêm minh”, ông Mão nhấn mạnh.

Quy trình thủ tục giải quyết các vụ án oan sai quá rườm rà, gây nhiều khó khăn cho chính những người đã chịu án oan.
Quy trình thủ tục giải quyết các vụ án oan sai quá rườm rà, gây nhiều khó khăn cho chính những người đã chịu án oan. 

Liên quan tới các vụ án oan sai, người bị oan không chỉ chịu cảnh tù tội khổ sở mà khi đã được minh oan thì thủ tục đền bù cũng không thuận lợi.

Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2010, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra, thúc đẩy quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Sau 4 năm triển khai luật, các cơ quan nhà nước đã bồi thường gần 200 vụ với số tiền hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Tại Khoản 1 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường đó là “phải có các căn cứ đó là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường” quy định tại các điều 13, 28, 38, 39 thì người bị hại mới được quyền yêu cầu bồi thường.

Ông Vũ Mão chỉ rõ: “Thật buồn cười là lại đi quy định cá nhân, tổ chức thấy mình bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây nên phải có đơn yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận và chỉ khi nào người có thẩm quyền có văn bản giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì mới có đủ điều kiện để làm các thủ tục yêu cầu bồi thường. 

Nhưng để trải qua hết những thủ tục như vậy đâu có đơn giản, cho nên nó gây khó khăn rất nhiều cho người dân. Theo tôi, khi người dân đã được chứng minh bị oan rồi thì tất cả những việc còn lại thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không thể đùn đẩy cho dân được”.

Ngọc Quang