Chết người do thang máy: 'Điểm danh' những điểm 'hú vía'

23/09/2011 07:28
Theo Người lao động
Vụ chết người do thang máy tại tòa nhà CT3 - Yên Hòa (Hà Nội) hôm 21-9 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp của thang máy tại các chung cư...
Chiều 22-9, phóng viên đã có mặt tại tòa nhà CT3, chiếc thang máy gây tai nạn vẫn đóng im ỉm. Ở thang máy còn lại, nhiều nút ấn đã bị bong tróc, bên trong xuống cấp.

Thang máy tại chung cư Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7 - TPHCM) bị sự cố ít nhất 30 lần trong tháng (ảnh trên) và lưu ý của ban quản lý chung cư khi thang máy gặp sự cố. Ảnh: Tấn Thạnh - Thành Đồng
Thang máy tại chung cư Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7 - TPHCM) bị sự cố ít nhất 30 lần trong tháng (ảnh trên) và lưu ý của ban quản lý chung cư khi thang máy gặp sự cố. Ảnh: Tấn Thạnh - Thành Đồng


Vẫn phải “liều mình”

Sau vụ tai nạn, người đi thang bộ ở tòa nhà trên đã nhiều hơn hẳn nhưng cũng chỉ đi từ tầng 4 trở xuống, còn những tầng cao hơn thì họ vẫn phải “liều mình” vào thang máy. “Mỗi lần đi xuống tầng hầm, nhìn sang thang máy bị tai nạn, tôi còn thấy rùng mình. Nhưng làm việc trên tầng 12 mà đi bộ có mà bở hơi tai” - nhân viên một công ty đóng ở tầng cao nhất của tòa nhà nói.

Theo ông Trần Văn H., làm việc ở tầng 12, người dân sống ở tòa nhà này đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng thường xuyên hư hỏng của thang máy nhưng ban quản lý vẫn không có giải pháp xử lý triệt để.

Không chỉ CT3 mà các tòa nhà bên cạnh như CT4-5, NH, thang máy cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn T., nhân viên chuyển phát nhanh, cho biết đã nhiều lần “nếm trải” sự xuống cấp của các thang máy nơi đây. “Thỉnh thoảng, nó lại kêu ken két, giật giật khiến người đi không khỏi hãi hùng” - anh T. nói.

Mới đây, khi có việc đến Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (quận 1-TPHCM), chị Thu Hằng (ngụ huyện Hóc Môn - TPHCM) hú vía vì bị “nhốt” trong thang máy của tòa nhà này hơn 5 phút. Ngay khi bước vào thang máy bấm nút lên tầng 7, thang đi đến tầng 4 thì đột nhiên dừng lại, trên màn hình hiện lên chữ “error”. Nghĩ là thang bị kẹt nên chị đứng đợi.

Tuy nhiên, 2 phút rồi 5 phút trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì, đúng lúc đèn trong thang máy tắt ngóm, chị hoảng sợ. Ngay lúc đó, điện thoại di động của chị lại hết pin, chị chỉ biết kêu cứu và đập cửa thang máy. Sau hơn 5 phút, không ai tiếp cứu, chị bất lực đứng chờ. Bỗng đèn trong thang máy… vụt sáng, thang hoạt động trở lại.

Chị thở phào, vọt lẹ ra ngoài. Thấy vẻ thất thần của chị Hằng, biết chị vừa bị “nhốt” trong thang máy, một người đứng gần đó trấn an: “Có gì đâu, thang máy này kẹt hoài mà!”.

Mang theo… dùi cui, dao để tự cứu

Hàng trăm hộ dân sống tại lô A, chung cư Mỹ Long (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - TPHCM) rất bức xúc vì thang máy ở đây liên tục hư hỏng trong khi chung cư đưa vào sử dụng chưa được một năm. Chị Võ Thanh Hiền, sống tại lô A, bức xúc: “Cứ vài ngày là thang máy hư một lần, có khi bị mắc kẹt cả giờ”. Theo chị Hiền, từ đầu tháng 9 đến nay, thang máy ở lô A bị kẹt ít nhất 3 lần.

Cùng hoàn cảnh với chị Hiền, anh Nguyễn Văn Việt (ở lô A) ngán ngẩm nói: “Tôi về đây chưa đầy một năm nhưng đã bị thang máy “nhốt” không dưới chục lần. Nhiều người sợ đến nỗi chỉ dám đi thang bộ”. 

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5 - TPHCM), tình trạng thang máy bị “tê liệt” cũng thường xuyên xảy ra. “Tôi vào bệnh viện chăm sóc mẹ gần một tháng nhưng đã nhiều lần chứng kiến thang máy ở đây mắc kẹt, mỗi lần cũng phải từ 5 - 10 phút” - một người dân cho biết.

Có lẽ không đâu xảy ra tình trạng kẹt thang máy thường xuyên như tại lô A chung cư Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7 - TPHCM). Theo tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi tháng, thang máy ở đây bị kẹt, treo không dưới... 30 lần! Thậm chí, nhiều lần thang máy rơi tự do từ tầng 3 xuống.

Do thường xuyên bị nhốt, nhiều người dân sống tại lô A mỗi khi đi thang máy đều mang theo... dùi cui, dao để gõ cầu cứu hoặc cạy cửa thoát thân nếu xảy ra sự cố. Còn Ban Quản lý chung cư Tân Mỹ thì ghi bên trong thang máy dòng chữ: “Khi gặp sự cố, bà con nên bình tĩnh, không tự ý mở cửa mà hãy liên hệ với người bên ngoài hoặc điện thoại cho bảo vệ theo số máy...”.

Còn người dân sinh sống tại khu chung cư Làng cá Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà - TP Đà Nẵng) cho biết một số thang máy ở đây đã tạm ngừng hoạt động hơn nửa tháng qua. Nguyên nhân là do lệ phí bảo hành thang máy quá cao nên người dân không đồng ý nộp. Bên cạnh đó, từ ngày 24-8 đến 10-9, các thang máy luôn gặp sự cố khiến người dân hoảng sợ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng, cho biết do người dân khu chung cư trên trong lúc lấy nước lau nhà đã để tràn ra ngoài và chảy vào thang máy nên thường bị sự cố.

Những vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng


- Ngày 2-8-2009, tại cao ốc An Lạc (đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân - TPHCM), thang máy rơi khiến 13 người đi dự đám hỏi bị thương nặng phải đi cấp cứu.

- Ngày 10-11-2009, thang máy của một khách sạn tại tỉnh Thanh Hóa đã rơi tự do từ tầng 7 khiến 8 người bị gãy chân và chấn thương cột sống nặng.

- Ngày 8-2-2010, thang máy khách sạn Quang Vinh (TP Nha Trang - Khánh Hòa) rơi tự do từ tầng 7 làm ông Lan Guang (35 tuổi, người Trung Quốc) bị gãy chân.

- Ngày 11-9-2011, trong lúc bảo trì thang máy tại quán karaoke Sài Gòn Idol (quận 10 - TPHCM), anh Nguyễn Hải Đăng (SN 1977, quê Tây Ninh) đã bị thang máy rơi xuống nghiến đứt đầu.


Ph.Dũng tổng hợp

Theo Người lao động