Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: "21 tỷ làm phim lịch sử là quá nhỏ bé..."

23/09/2014 09:57
Lê Phương
(GDVN) - "21 tỷ đồng với phim chiến tranh là quá nhỏ bé, chẳng là gì và không đủ để trả cát-sê cho một diễn viên Hollywood chứ đừng nói là một bộ phim"...

Trước những ồn ào về bộ phim 21 tỷ Sống cùng lịch sử, nhà văn kiêm đạo diễn sân khấu Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ những hạn chế trong cách làm việc của các phim đặt hàng nhà nước với độc giả Báo Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng gợi ý những giải pháp để tương lai không còn những sản phẩm không có nhiều giá trị đối với đời sống xã hội như bộ phim Sống cùng lịch sử.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

- Thời gian qua anh có quan tâm đến chuyện bộ phim 21 tỷ - Sống cùng lịch sử được mang ra rạp chiếu mà không bán được vé không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Trong tuần qua, tôi đọc quá nhiều thông tin về cái phim 21 tỷ này, đọc trên báo chí có, trên mạng xã hội có, gặp gỡ bạn bè có... tựu trung lại người ta đều xoay quanh một câu hỏi là: Tại sao lại bỏ ra một số tiền như vậy mà không bán được đồng nào? Hiệu quả ở đâu và ai chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên những câu hỏi kiểu trên tôi thấy chưa đúng vì muốn bàn chuyện phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chỉ bán được vài vé thì anh phải hiểu được đấy là phim gì đã và nội dung nó như thế nào. Nếu anh chưa hiểu đã vội nói chắc là phim mô phỏng, phim hời hợt, phim làm để cúng cụ... như thế là không công bằng đối với anh em nghệ sĩ. Tôi không đồng tình.

- Vậy theo anh đâu mới là nguyên nhân chính dẫn đến "thảm kịch" một bộ phim được đầu tư 1 triệu USD nhưng lại không thu hồi được bất cứ hiệu quả gì?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Một đạo diễn tài năng như Nguyễn Thanh Vân nếu có một kịch bản tốt thì chắc chắn phim sẽ tốt. Nhưng kịch bản như phim nhà nước đặt hàng rồi đưa cho các hãng phim làm thì phải chấp nhận chế biến và chấp hành theo thôi.

Theo tôi được biết, việc chấp hành làm theo đúng ý kịch bản đặt hàng chẳng khác gì chấp hành luật pháp, không thể bóp méo, thay da đổi thịt được. Với những yêu cầu đó, đạo diễn có tài năng đến mấy cũng không thể làm bộ phim hấp dẫn được. Và chính Nguyễn Thanh Vân cũng đã biết trước với dòng phim này khi ra rạp khán giả cũng sẽ không thích.

Về nội dung kịch bản phim, theo tôi biết nó cũng đã có sự mới mẻ là có mấy bạn trẻ đi “phượt” Điện Biên rồi tình cờ được sống lại những giây phút hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa... tuy nhiên sự mới mẻ này lại rất khó về mặt thể loại. Nói là phim lịch sử theo cách kể cũng không phải mà nói là phim dã sử cũng không hẳn.

Ví dụ cho các nhân vật ấy đến gặp ai đó, cựu chiến binh nào đó và họ kể câu chuyện của họ, dựng lại toàn bộ câu chuyện của họ bằng nhân vật khác đóng thì đấy mới là phim thật. Còn bản thân họ tự đóng thì có vẻ như có độ chênh nào đó giữa góc nhìn của kịch bản.

Nghệ thuật là gì, là sự chân thật, là cảm xúc thật, câu chuyện thật... mà chìa khóa thực ấy anh mở sai ngay lúc đầu rồi.

- Mới đây Họa sĩ Nguyễn Thành Chương cho rằng ekip thực hiện bộ phim không có "Tâm" nên mới nhận làm bộ phim này dù biết trước là sẽ "ế" khách, anh nghĩ sao?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Nguyễn Thanh Vân là một đạo diễn có nghề và là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi hiện nay có nhân cách nghệ sĩ đối với cuộc sống đó là điều không thể phủ nhận được.

Với bộ phim này, khó trách móc được đạo diễn bởi vì cuối cùng vẫn là sự lựa chọn của Cục điện ảnh. Mà Cục điện ảnh bao lâu nay cũng thế thôi lấy đúng làm chính chứ không cần hay trong khi khán giả thì cần hay đó là chuyện muôn thuở của Việt Nam. Làm phim mà không cãi được thì quá đúng rồi còn gì nữa, nhưng khán giả không thích.

Tuy nhiên trách nhiệm của Hãng phim Việt Nam đó là thói quen nhận bừa không biết từ chối dù biết trước kết quả nó như thế nào. Đó là một thói quen đáng báo động, nhưng với tình hình hiện nay nếu từ chối chắc chắn sẽ có ngay một đạo diễn khác nhảy vào thay thế.

Tôi cũng tin rằng, nếu để cho anh Thanh Vân và nhà biên kịch một cái nền định hướng chung rồi để cho các anh tự chế biến, tự làm mới thì các anh sẽ làm hay hơn nhiều. Tôi cũng từng làm vài ba phim theo tiền của nhà nước rồi, khó kinh khủng nên thành ra cái tính tuyên truyền cũng chẳng có hiệu quả.

Trong lòng tôi vẫn vô cùng kính trọng người bạn của mình là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đó là người có tài năng. Đặc biệt là có nhân cách, dư luận nào đó mà nói rằng phim này làm là có chia chác cả rồi là không đúng đắn.

21 tỷ đồng với phim chiến tranh là quá nhỏ bé, chẳng là gì và không đủ để trả cát-sê cho một diễn viên Hollywood chứ đừng nói là một bộ phim. Chỉ riêng việc tạo bối cảnh trận đánh đồi A1 như Thanh Vân thì lúc đó mới biết cần bao nhiêu tiền.

Một cảnh trong phim Sống cùng lịch sử.
Một cảnh trong phim Sống cùng lịch sử.

- Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có chia sẻ phim thất bại một phần cũng là do không có tiền để quảng bá. Theo anh lý do này có thuyết phục không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tôi làm trong nghề nhưng cũng không biết là có bộ phim này đến khi đọc báo mới biết thì phim đã làm xong và thất bại khi ra rạp rồi. Điều đó cũng khẳng định là khâu quảng bá rất kém. Lý do thì như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã nói, anh cho may cả một bộ complê nhưng lại tiếc mấy cái khuy áo.

Nhưng mấy cái đó không quan trọng vì thực ra có nhiều trường hợp quảng bá có mất đồng nào đâu nhưng họ vẫn quảng bá được tác phẩm của họ tới công chúng. Cái quan trọng là anh có quảng bá trời nhưng khi người ta chỉ nghe vài dòng cách làm phim của anh, câu chuyện của anh thì người ta chán, không muốn mất thì giờ rồi.

Như trên mạng xã hội có bạn "chì chiết" tên phim là có lý của nó. Thiếu gì tên để đặt cho phim mà đặt tên là Sống cùng lịch sử, bởi vì nghe cái tên phim đã thấy có tính áp đặt rồi.

Ví dụ tôi không sống cùng thì sao, thì tôi sai à? Thân phận tôi nhỏ bé đúng là tôi yêu quí đất nước này nhưng anh đừng áp đặt tôi như vậy.

Nhưng dù sao qua sự cố này thì cũng có cái lợi, là nhờ không có người xem thì sau này mình đỡ mất nhiều tỷ khác không cần thiết. Đây sẽ là một bài học lớn cho điện ảnh Việt Nam.

- Vậy theo anh làm thế nào để trong tương lai sẽ không có những bộ phim xếp kho như "Sống cùng lịch sử" hiện nay?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Thông qua sự việc này tôi nghĩ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên giao cho Hãng phim một cái quyền tự chủ. Tôi có thể đặt hàng với anh tôi giao cho anh một số lượng tiền và tôi yêu cầu anh phải thu hồi vốn. Anh phải có trách nhiệm với nguồn thu và Bộ Văn hóa.

Ví dụ như trước đây ở lĩnh vực sân khấu, các đoàn nghệ thuật Trung ương dựng vở nào đều phải thông qua Cục Biểu diễn Nghệ thuật hết nhưng giờ thì bỏ hết rồi. Họ hoàn toàn tự chủ và Cục Biểu diễn không cần biết họ làm gì chỉ cần khi họ có vở diễn sẽ đến xem và duyệt. Nếu vở kịch không được thông qua thì ekip đó phải tự bỏ tiền túi ra mà trả. Giờ điện ảnh cũng nên thế, Giám đốc Hãng phim truyện phải là một chủ nợ của nhà nước chứ không phải là người thừa hưởng tiền của nhà nước. Anh phải kí với nhà nước một khoản nợ và khoản nợ ấy gắn bó với chức vụ của anh chứ không phải chuyện đùa thì anh mới đủ sức để lựa chọn những người tài năng.

Thế nên, Bộ Văn hóa cần có ngay cuộc thảo luận giữa khán giả, nhà phê bình lý luận, anh em nghệ sĩ... để có thể thay đổi cách làm việc hiện này. Và nói nhẹ nhàng với nhau câu này: "Điện ảnh Việt Nam thấp lắm" hiện mình chỉ hơn Lào và Campuchia ít thôi. Đừng tưởng tượng và bay bổng mình sẽ là số 1 Đông Nam Á giống như trong đề án phát triển điện ảnh đến năm 2020 gì đấy.

Lê Phương