Chưa đưa vào luật "quyền im lặng" của nghi phạm

23/09/2014 15:43
Ngọc Quang
(GDVN) - Dù nhiều nước đã áp dụng, nhưng ở Việt Nam còn nhiều tranh luận nên chưa đưa vào luật...

Tại phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn khác nhau của dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng 23/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh về điều kiện để được mở phiên tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị can, bị cáo.

“Phải viết vào luật, nói rõ điều kiện để mở phiên tòa, đảm bảo rằng phiên tòa này có tranh tụng, đảm bảo phiên tòa này bị can, bị cáo được quyền bào chữa. Còn nếu chưa thấy cái đó thì không mở. Xét xử thì phải có luật sư để tranh tụng, nếu chỉ có mỗi kiểm sát buộc thôi thì phiên tòa này không hợp lệ. Tôi trao đổi với luật sư, người ta bảo rằng không có tranh tụng gì cả mà cứ phán thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu kiểm sát phải có mặt từ đầu cùng với điều tra để chống bức cung nhục hình.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: “Bức cung nhục hình, chống được chưa? Chúng ta giám sát thấy có nhiều vấn đề rồi thì phải xem xét. Chúng ta thấy có nhiều vụ án rồi thì phải tính, vừa bắt xong chưa biết thế nào thì người ta chết rồi. Chết xong thì bảo người ta tự tử. Cho nên phải xem vai trò của luật sư, điều tra, kiểm sát, tòa án. Tôi nêu yêu cầu thế để các đồng chí làm rõ. Trách nhiệm của những người có chức có quyền ở đây là phải nói rõ. Các đồng chí thường lờ cái chuyện này đi. Ông thẩm phán, ông công tố viên phải có trách nhiệm đầy đủ và phải viết vào trong luật chứ đừng bỏ qua”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải quy định rõ khi mở phiên tòa cần có luật sư tranh tụng để đảm bảo quyền của bị can, bị cáo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải quy định rõ khi mở phiên tòa cần có luật sư tranh tụng để đảm bảo quyền của bị can, bị cáo.

Một trong những vấn đề gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận thời gian qua đó là công tác điều tra xét xử với nhiều vụ án gặp quá nhiều "vướng mắc", khiến tòa buộc phải trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, điều tra lại, chứng tỏ vai trò của viện kiểm sát quá yếu.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao, nếu có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc xét xử thì toà hoàn toàn có quyền dừng việc xét xử.

Tuy nhiên, khi nói về quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị bắt thì ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ, do đó chưa dám đưa vào luật.

Đề cập đến vụ án Huỳnh Văn Nén đang được kháng nghị, Chủ tịch Quốc hội nói: “Có dấu chân tại hiện trường vậy, kích cỡ lệch nhau như vậy mà cơ quan điều tra còn không cần so lại với nghi phạm, không đo đạc, đối chiếu mà vẫn xử, để xảy ra oan sai, tù tội hơn 14 năm nay với một con người”.

Ông Trương Hòa Bình -  Chánh án TAND Tối cao thì cho biết, khi toà án nhận hồ sơ truy tố từ VKS chuyển sang, nếu thấy không đảm bảo thì vẫn có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, qua 2 lần trả hồ sơ vẫn không bổ sung được gì thì toà phải đưa ra xử nhưng như thế, dù có dấu hiệu phạm tội nhưng không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm, toà có thể tuyên vô tội. Khi đó, các cơ quan tố tụng trước đó phải chịu trách nhiệm.

Chưa đưa vào luật "quyền im lặng" của nghi phạm ảnh 2

Ông Vũ Mão: Án oan không bao giờ hết...

Nghe các giải thích trên, Chủ tịch Quốc hội đã nói thẳng rằng, toà án phải có thẩm quyền cao nhất trong hoạt động tố tụng, xét xử, phải tự tham gia điều tra, kiểm tra án ngay từ đầu để có thể xác định được công tác điều tra, truy tố trước khi chuyển hồ sơ sang toà xem có đúng hay không chứ không phải nhận cáo trạng, thấy chưa ổn mới trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.

“Các đồng chí viết như vậy thì có nghĩa là cứ đưa lên rồi lại trả hồ sơ, rồi lại trả hồ sơ chứ gì? Phải kết luận được là sai hay đúng. Nếu thấy đúng thì đưa ra xử, còn thấy sai thì xem xét, chứ không có chuyện trả hồ sơ… Như vụ ông Chấn đấy, cũng là trả hồ sơ đi trả hồ sơ lại mấy lần mà vẫn kết tội người ta như thế”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Huỳnh Văn Nén cởi áo, chỉ những vết sẹo mà ông nói là do bị đánh trong tù, tại phiên tòa phúc thẩm (lần 3) “Vụ án vườn điều” ngày 9/3/2005. Ảnh: Tiền phong.
Ông Huỳnh Văn Nén cởi áo, chỉ những vết sẹo mà ông nói là do bị đánh trong tù, tại phiên tòa phúc thẩm (lần 3) “Vụ án vườn điều” ngày 9/3/2005. Ảnh: Tiền phong.

Về phân biệt giữa quyền kháng nghị và kiến nghị của Viện KSND khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 5), nhiều ĐBQH đề nghị phân biệt rõ trường hợp nào thì VKSND kiến nghị, trường hợp nào thì VKSND kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến này. Theo đó, Điều 5 dự thảo được chỉnh lý thành hai ý như sau:

Thứ nhất, trong trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trong trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Ngọc Quang