Reuters ngày 24/9 đưa tin cho biết, đầu tháng này quân đội Ấn Độ đã xây một tháp canh mới biên giới trên ngọn đồi nhỏ ở Chumar, một khu vực nóng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, để quan sát các trạm gác, con đường dẫn tới khu vực này từ phía Trung Quốc.
Động thái này của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc "khó chịu" và yêu cầu chính quyền New Delhi phải tháo dỡ. Tuy nhiên, Ấn Độ không chỉ bác bỏ yêu cầu này mà còn tăng cường lực lượng an ninh trong khu vực để giám sát quân đội Trung Quốc, phá hủy một phần con đường Trung Quốc mới xây trong lãnh thổ của mình.
Lực lượng bán quân sự Ấn Độ tuần tra vùng núi ở Baltal. |
Theo Reuters, Thủ tướng Narendra Modi đang thực hiện rất tốt lời hứa lúc tranh cử của mình về một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn cho Ấn Độ.
Các quan chức quân sự Ấn Độ cho biết, tình hình trong khu vực Chumar ở Ladakh đã trở nên căng thẳng bất thường trong những tuần gần đây và làm nóng lên sự bất đồng âm ỉ giữa hai nước.
Tuy nhiên, P. Stobdan, một cựu Đại sứ Ấn Độ và là người Ladakh nói rằng, đang có một sự thay đổi trong suy nghĩ của New Delhi về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Theo ông, năm ngoái Trung Quốc đã buộc Ấn Độ phá một trạm quan sát ở Ladakh để kết thúc căng thẳng. Nhưng lần này, chính quyền Modi dường như không có ý định lặp lại điều đó.
Từ tháng 6.2014, chính phủ Ấn Độ đã tiến hành một loạt các biện pháp tăng cường an ninh trong khu vực biên giới như xây dựng hơn 72 tuyến đường chiến lược dọc biên giới để tăng cường khả năng theo dõi và giám sát lực lượng Trung Quốc trên địa hình phức tạp.
Ngày 18 tháng 8, Ấn Độ bắt đầu xây dựng một kênh thủy lợi để cải thiện đời sống và sự hiện diện của người dân trong khu vực. Trung Quốc phản đối động thái này và nói rằng nó nằm bên trong lãnh thổ của mình.
Ấn Độ cũng xây lại sân bay trong khu vực, triển khai máy bay C-130 Hercules mua của Mỹ tới đây.
Hồ Chí Vĩnh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng động thái xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của chính phủ Modi là chiến lược nhằm mục đích để đạt được đòn bẩy hơn trong các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức quân sự Ấn Độ ở Ladakh cho biết, New Delhi không còn muốn nhượng bộ trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì điều này chỉ làm vấn đề kéo dài thêm./.