Bộ trưởng QP Ấn Độ: Các chương trình hải quân sẽ được đẩy nhanh

01/10/2014 10:45
Việt Dũng
(GDVN) - Ấn Độ sẽ thúc đẩy nội địa hóa cũng như mua sắm vũ khí, coi trọng phát triển hải quân, tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lợi ích chiến lược.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm tàu sân bay INS Viraat
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm tàu sân bay INS Viraat

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley cam kết với hải quân, sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm trình độ sẵn sàng chiến đấu của hải quân, nỗ lực giải quyết khiếm khuyết năng lực của hải quân trên các phương diện tàu ngầm thông thường, máy bay trực thăng hải quân, tàu quét mìn và vũ khí, bộ cảm biến khác.

Tại hội nghị sĩ quan chỉ huy hải quân (mỗi năm tổ chức 2 lần) lần đầu tiên tổ chức trong năm 2014, ông Arun Jaitley đã nói đến môi trường an ninh xung quanh hiện nay và bày tỏ ca ngợi đối với việc tiến hành hợp tác giữa hải quân với các cơ quan cấp 1 bang và quốc gia.

Ông cho biết, việc triển khai tài sản của hải quân có hiệu quả rõ ràng, cần tiếp tục tiến hành triển khai để bảo vệ lợi ích kinh tế và lợi ích biển quốc gia.

Ông Arun Jaitley ca ngợi các nỗ lực nội địa hóa của hải quân, đã nhắc tới tất cả 44 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm đang chế tạo của hải quân đều chế tạo ở nhà máy đóng tàu của Ấn Độ.

Ông nhấn mạnh, những nỗ lực này phải tiếp tục tăng cường để đảm bảo cho quân đội kịp thời trang bị những vũ khí này.

Ông Arun Jaitley đã bày tỏ quan ngại đối với "tiến triển chậm chạp" của mua sắm hệ thống vũ khí, ông cam kết, chính phủ khóa mới sẽ "đẩy nhanh" đưa ra một số chính sách về mua sắm.

Ông ám chỉ, nhu cầu vốn ngân sách nhiều hơn của quân đội rất có thể sẽ được đáp ứng, bởi vì "mặc dù đối mặt với các loại sức ép, nhưng một bộ phận rất lớn trong toàn bộ nguồn lực quốc gia phải sử dụng cho quốc phòng".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya

Do tiến trình mua sắm chậm chạp, nhiều chương trình mua sắm của Hải quân Ấn Độ đã dừng lại rất nhiều năm, trong đó có chương trình mua 16 máy bay trực thăng đa năng (trị giá 60 tỷ rupee) và chương trình mua sắm ngư lôi cho tàu ngầm lớp Scorpene.

Chương trình "Ấn Độ 75" mua sắm 6 tàu ngầm mới (dự kiến chương trình này tiêu tốn 1.000 tỷ rupee) cũng đã rơi vào đình trệ, bởi vì muốn thúc đẩy chương trình này, Chính phủ Ấn Độ phải lật lại một quyết định đưa ra vào năm 1999 - trong tương lai tất cả tàu ngầm đều phải chế tạo ở Ấn Độ.

Ông Arun Jaitley nói, hải quân còn đang chờ đợi chương trình mua 16 tàu quét mìn của Hàn Quốc được phê chuẩn cuối cùng, trong nhiệm kỳ chính phủ khóa trước, có người đã bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng của trình tự mua sắm, sau đó chương trình này đã bị đình trệ.

Cùng với vai trò của hải quân trên phương diện bảo vệ lợi ích chiến lược của quốc gia từ eo biển Malacca đến khu vực vịnh Ba Tư và điều động lực lượng tác chiến ra nước ngoài ngày càng quan trọng, chính quyền Narendra Modi cam kết muốn hết sức nỗ lực lấp lỗ hổng về năng lực tác chiến hải quân.

Sự biến động nhân sự của chính quyền Trung ương Ấn Độ là một việc tốt đối với Hải quân Ấn Độ. Sau khi lên làm Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 7 tháng 6 năm 2014 không lâu, ông Arun Jaitley đã lên tàu sân bay INS Viraat và tiến hành tiếp xúc thân mật với Hải quân Ấn Độ, đồng thời đã lắng nghe báo cáo tóm tắt có liên quan đến trạng thái tác chiến của tàu sân bay.

Một tuần sau, Tân Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có chuyến thị sát đặc biệt tàu sân bay INS Vikramaditya. INS Vikramaditya là trang bị tác chiến đắt đỏ nhất của Hải quân Ấn Độ, không những tượng trưng cho năng lực tác chiến biển sâu và sức mạnh trên biển của hải quân, mà còn là vũ khí nhân lên sức mạnh gấp bội thực sự của hải quân.

Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ R.K. Dhowan
Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ R.K. Dhowan

Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ (Chief of the Naval Staff, CNS) Đô đốc R.K. Dhowan đã chủ trì hội nghị sĩ quan chỉ huy hải quân, đồng thời lần đầu tiên có bài phát biểu với các tướng lĩnh cấp cao hải quân tại hội nghị với tư cách Tham mưu trưởng.

R.K. Dhowan đã trình bày 3 hạng mục ưu tiên liên quan với nhau trước các đại biểu tham dự hội nghị, đó là duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, xây dựng năng lực tương lai va ứng phó với thách thức nguồn nhân lực.

Trong thời gian hội nghị, các đại diện tham dự hội nghị đã tiến hành nghiên cứu chi tiết nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có sẵn sàng chiến đấu, an ninh duyên hải, bảo đảm quy tắc bảo trì và chất lượng sửa chữa vũ khí, xây dựng hạ tầng cơ sở và sáng kiến hợp tác đối ngoại v.v...

Tham mưu trưởng Hải quân cho biết, việc biên chế tàu sân bay INS Vikramaditya và máy bay chiến đấu hải quân đã thúc đẩy mạnh mẽ năng lực tác chiến của hải quân, đã tiếp tục làm tốt chuẩn bị cho tiến hành phát triển mạnh mẽ năng lực tác chiến của hải quân sau khi biên chế tàu khu trục Kolkata và tàu hộ vệ săn ngầm Kamorta gần đây.

Tham mưu trưởng Dhowan nhấn mạnh: "Con đường mở rộng và phát triển của Hải quân sẽ tiếp tục lấy tự lực cánh sinh và nội địa hóa làm nền tảng".

Hội nghị sĩ quan chỉ huy đã cung cấp một kênh lý tưởng cho tập trung thảo luận sẵn sàng chiến đấu của hạm đội và biên đội tác chiến khác, xây dựng năng lực tương lai và giải quyết các vấn đề như thách thức nguồn nhân lực.

Những hội nghị này đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo chính trị một cơ chế mang tính cấu trúc để đánh giá tình hình an ninh địa-chiến lược của quốc gia và giúp họ nhận thức được tính cần thiết nâng cao năng lực quyết sách.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ săn ngầm INS Kamorta Hải quân Ấn Độ (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ hạng nhẹ săn ngầm INS Kamorta Hải quân Ấn Độ (ảnh tư liệu)
Việt Dũng