Chú mèo Doreamon, người bạn dễ thương của các em nhỏ cũng trở thành mục tiêu của một số thế lực chính trị. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 27/9 đưa tin, một vài tờ báo nhà nước ở Thành Đô, Trung Quốc đã tung loạt bài chế giễu và "cảnh báo" người dân Trung Quốc không nên xem phim hoạt hình Nhật Bản Doraemon vì nó chỉ là "công cụ chính trị để chính phủ Nhật Bản che đậy tội ác chiến tranh của mình"?!
"Chúng ta phải thấy rõ về ý nghĩa chính trị mạnh mẽ đằng sau phim hoạt hình này", tờ Nhật báo Thành Đô - cơ quan ngôn luận của đảng bộ Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên bình luận hôm Thứ Năm. Tờ Bưu điện Thành Đô buổi sáng và nhật báo Kinh doanh Thành Đô đưa ra những bình luận tương tự hôm Thứ Tư.
Người dân Trung Quốc nên "bớt mù mờ và suy nghĩ cẩn thận hơn" khi xem hình ảnh chú mèo máy với những bạn bè là con người của mình. Bài viết đã được các phương tiện truyền thông nhà nước khác đưa lại, bao gồm Tân Hoa Xã để hỗ trợ cho lý luận của nó.
"Doraemon là một phần trong nhưng nỗ lực của các giá trị xuất khẩu quốc gia và chiến lược văn hóa của Nhật Bản. Đây là thực tế không thể tranh cãi. Chúng ta nên bớt mù mờ và giữ một cái đầu lạnh khi hôn má của chàng trai màu xanh mũm mĩm", tờ báo mỉa mai.
Nhật báo Thành Đô cho biết người tiêu dùng Trung Quốc nên hiểu rõ cái gọi là "bản chất u ám của nền văn hóa Nhật Bản và không bao giờ được quên lịch sử", đồng thời nhắc lại những hoạt động của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong chiến tranh Thế giới thứ II và lập trường của chính phủ Nhật Bản về quá khứ.
Sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp lãnh thổ kéo dài đã kéo mối quan hệ Trung - Nhật xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Một cuộc khảo sát xã hội học được tiến hành đầu năm nay cho thấy 53,4% người Trung Quốc được hỏi mong đợi một cuộc đối đầu quân sự với Nhật Bản, trong khi con số này ở Nhật là 29%.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) liếc nhìn người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida (trái) trong cuộc họp 3 bên Nhật - Hàn - Trung. |
Cuộc điều tra được tiến hành bởi tổ chức phi chính phủ Genron của Nhật Bản và tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc. Mặc dù tư tưởng chống Nhật Bản làn tràn rộng rãi ở Trung Quốc, nhưng phim hoạt hình Nhật Bản và văn hóa pop của Nhật lại phổ biến rộng lớn hơn ở Trung Quốc.
Nhật Bản cũng là điểm đến mong muốn nhất của những khách du lịch giàu có Trung Quốc trong năm nay, theo một cuộc khảo sát của Travelzoo châu Á - Thái Bình Dương tiến hành đầu năm.
Những bình luận của báo chí Trung Quốc được đưa ra đúng lúc tại Tứ Xuyên đang tổ chức một cuộc triển lãm hình ảnh, tượng Doreamon có kích thước, tư thế khác nhau. Phản ứng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy nhiều người Trung Quốc không đồng ý với lập luận của những tờ báo này.
"Chính phủ thân mến, hãy yên tâm rằng chúng tôi không bị lừa", một người sử dụng blog viết. "Thế giới người lớn đang sống quả là đáng sợ", một người khác mỉa mai.
Tuần này cũng đã chứng kiến sự tan băng trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp nhau bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cũng trong tuần này Trung Quốc đón 1 đoàn thương mại Nhật Bản lớn sang thăm.
Sử dụng vấn đề lịch sử làm công cụ chính trị dù với mục đích gì cũng sẽ nguy hiểm như con dao hai lưỡi, bởi Trung Quốc trong lịch sử từng bị nước khác đô hộ, nhưng cũng không ít lần cất quân xâm lược láng giềng. Phản ứng từ cộng đồng mạng Trung Quốc cho thấy ngày càng nhiều người tỉnh táo hơn và ít bị lừa hơn bởi những chiêu bài sử dụng lịch sử kích động dư luận nhằm mục tiêu bành trướng lãnh thổ trong thời đại mới - PV.