Vì sao các đại gia đua nhau mở trường trong khu đô thị?

27/09/2014 08:09
Thiên Ngọc
(GDVN) - Trước đây, Bộ Xây dựng nhiều lần phê phán chủ đầu tư các khu đô thị chỉ vẽ trên giấy các cơ sở giáo dục đào tạo trong khu dự án, nhưng nay tình hình đã khác.

Nhu cầu có thật...

Trong khoảng gần chục năm trở lại đây nhiều gia đình có điều kiện ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có xu hướng cho con học tại các trường tư thục chất lượng cao của Việt Nam. Lý do mà nhiều phụ huynh lựa chọn như vậy bởi số lượng trường công đạt chuẩn không nhiều, và ngay cả khi xin xỏ, chạy trọt vào được những trường ấy thì phải chấp nhận cảnh lớp học “nêm chặt như cối”. Mỗi lớp đều có trên dưới 50 học sinh, thậm chí có những lớp lên tới gần 60 học sinh.

Gần đây, cư dân sống tại một số khu đô thị còn có thêm một lựa chọn khác do chính chủ đầu tư tạo nên đó là chuỗi trường liên cấp từ mầm non cho tới PTTH. Lợi thế của những ngôi trường này là được xây dựng khá hiện đại với nhiều trang thiết bị đắt tiền, chế độ chăm sóc được quảng cáo là tốt, nhưng điều quan trọng nhất là chất lượng đào tạo có đáp ứng được tiêu chuẩn hay không thì không một chủ đầu tư nào dám cam kết. Bởi vậy cho đến nay, dù đã có hàng chục ngôi trường mở trong các khu đô thị lớn nhỏ tại TPHCM và Hà Nội, nhưng chưa ngôi trường nào được Sở giáo dục địa phương đánh giá cao về mặt học thuật, đào tạo.

Trường công lập đông đúc khiến nhiều phụ huynh chuyển hướng cho con vào trường tư thục.
Trường công lập đông đúc khiến nhiều phụ huynh chuyển hướng cho con vào trường tư thục.

Thế nhưng khi lựa chọn trường tư cho con, nhiều phụ huynh lại vô cùng hoang mang trước “ma trận” các trường với rất nhiều lời quảng cáo tỏ vẻ tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, chẳng hạn như: “Khát vọng xây dựng một thế hệ Công dân tinh hoa của Việt Nam, năng động, sáng tạo, văn minh, hội nhập mà vẫn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc”.

Với những quảng cáo sáo rỗng như vậy, có lẽ các bậc phụ huynh có đọc đi đọc lại đến cả ngày cũng không thể hiểu nổi nhà trường nói gì, bởi điều quan trọng nhất là cam kết về chất lượng của từng môn học đến với từng học sinh thì lại bị lảng tránh.

Tung “khuyến mại” khủng để tuyển sinh

Có một kịch bản rất dễ nhận thấy ở nhiều trường tư thục khi bước vào năm học mới là chiêu trò “tặng học bổng” hoặc “giảm học phí” để tuyển sinh thuận lợi hơn. Bi hài nhất là chủ đầu tư của một dự án bất động sản (Hà Nội) quảng cáo: “Mua căn hộ được tặng 1 suất học bổng miễn phí tại các trường mầm non, hoặc trường cấp 1, 2, 3 cho 1 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo chỉ phải đóng 50% học phí (đã bao gồm tiền ăn và tiền học). Phiếu quà tặng này được quyền cho, tặng, chuyển nhượng và chỉ để đóng tiền học phí và tiền ăn chính khóa. Chương trình áp dụng cho đến hết ngày 31/5/2017”.

Lại có cả trường chào mời bằng cách tận dụng luôn các phụ huynh: “Học bổng nhóm là chương trình của chỉ áp dụng cho khách hàng có con theo học tại trường ngay từ năm học 2013-2014, theo đó khách hàng giới thiệu được thêm 2 học sinh ghi danh cùng con/em/cháu mình, sẽ được nhận 1 gói học bổng nhóm với tổng trị giá 9 triệu đồng (3 triệu đồng/học sinh)”.

Bằng những “độc chiêu” như vậy, ngôi trường ở dự án bất động sản trên đã thu hút được khá đông học sinh, chủ yếu là con em các gia đình mua căn hộ sinh sống tại đó. Nhưng có điều lạ là không một phụ huynh nào dám chắc chắn con mình sẽ thành công tại ngôi trường này. Tất cả vẫn chỉ là… quảng cáo.

Chị Hồ Ngọc Mai – nhà đầu tư của một chuỗi trường phổ thông liên cấp có tiếng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Đề mở ra được một ngôi trường, điều kiện cần là phải đảm bảo được cơ sở vật chất ổn định để học sinh học tập, nhưng quan trọng hơn cả là phải tổ chức dạy tốt và kiểm soát được khả năng của từng học sinh. Đó là lý do nhiều trường mở ra nhưng thất bại, vì họ không chú trọng tới chất lượng đào tạo, mà chỉ đầu tư cơ sở vật chất và quảng cáo rầm rộ và chỉ sau một thời gian ngắn phải đóng cửa vì cả học sinh và phụ huynh sẽ nhận ra khi so sánh với trường khác”.

Theo chị Mai, điều nguy hiểm hiện nay là nhiều phụ huynh không cân nhắc tới chất lượng giáo dục của trường, mà chỉ thấy tiện cho việc sinh hoạt gần nhà là ngay lập tức đưa con vào học. Cách tốt nhất để không biến con mình thành chuột bạch là các phụ huynh phải cân nhắc cẩn trọng khi chọn trường cho con, đó phải là ngôi trường có nền tảng, chứ không nên tin vào quảng cáo. Đó là chưa kể phía sau ánh hào quang của nhiều đại gia bất động sản còn rất nhiều những nỗi lo mà ít khi phụ huynh nghĩ đến.

Chắc hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện bà Trương Thị Hải Yến – Chủ tịch HĐQT, đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Dân lập Phương Nam bị bắt vì vay nợ số tiền hàng trăm tỷ đồng để đầu tư bất động sản ngoài lĩnh vực giáo dục, với lãi xuất cao và không có khả năng thanh toán. Ngay khi bà Yến bị bắt thì trường Phương Nam cũng đồng thời phải trải qua một thời kỳ “bi thảm”, đó là nhiều giáo viên nghỉ việc; gần một nghìn học sinh buộc phải chuyển đến các trường khác.

Trước thực trạng trên, TSKH Nguyễn Văn Khải – Chuyên gia Vật lý có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Ba Lan nhận định: “Xã hội hóa mở ra các trường tư thục là rất cần thiết, nhưng làm giáo dục là phải thực sự có tâm và phải có chuyên môn. Làm giáo dục mà chỉ muốn nhăm nhăm thu lợi, quảng cáo bằng mọi cách để có thật nhiều học sinh thì sớm muộn cũng thất bại. Ở những nước tiên tiến, vấn đề chuyên môn ở mỗi ngôi trường đều tách bạch hoàn toàn với tài chính, nhưng ở Việt Nam thì chủ đầu tư lại có quyền can thiệp vào tất cả mọi việc, có quyền xa thải hiệu trưởng bất cứ lúc nào, đó là mầm mống gây ra sự mất ổn định của trường”.

Thiên Ngọc