Tác giả đường bay thẳng đề xuất “Đại lộ xương sống” xuyên Đông Dương

29/09/2014 08:12
Mai Anh
(GDVN) - Cựu phi công Mai Trọng Tuấn, tác giả đường bay thẳng vừa gửi đề xuất xây dựng “Đại lộ xương sống” xuyên 3 nước Đông Dương với chiều dài 1.000km.

Đề xuất “Đại lộ xương sống”

Mới đây ông Mai Trọng Tuấn - cựu phi công quân sự người từng đưa ra ý tưởng đường bay thẳng những năm 1982 tiếp tục gửi đến lãnh đạo nhiều Bộ ngành trung ương đề xuất xây dựng một đại lộ gọi “Đại lộ xương sống” đi qua ba nước thuộc bán đảo Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia và Lào với chiều dài 1.000 km.

Tài liệu “Đại lộ xương sống” từng được ông Tuấn viết lần thứ nhất 13/04/2013, đã đăng ký bản quyền tác giả số 652/2013/QTG ngày 26/04/2013. Tài liệu này được dịch ra thành 2 thứ tiếng khác là Anh và Pháp. 

"Đại lộ xương sống" đường viền mầu đỏ lớn (ảnh phác họa của ông Mai Trọng Tuấn)
"Đại lộ xương sống" đường viền mầu đỏ lớn (ảnh phác họa của ông Mai Trọng Tuấn)

Mở đầu đề xuất ông Tuấn cho rằng, ba nước anh em Lào – Campuchia – Việt Nam, nên có một “Đại lộ làm xương sống”, tạo cơ sở lấy đà cho sự phát triển vững mạnh về kinh tế, văn hoá và đời sống cho nhân dân 3 nước, theo kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ngày càng củng cố mối quan hệ đặc biệt 3 nước Campuchia – Lào –Việt Nam.

"Trong xu thế của thời đại ở thế kỷ 21, thế giới ngôi nhà chung, cùng hướng tới hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng. Thiết nghĩ hơn lúc nào hết, vì lợi ích chung, cũng như lợi ích của mỗi quốc gia. Ba nước nên cùng nhau mở một “Đại lộ xương sống” trên bán đảo Đông Dương. Chắc chắn góp phần đem lại sự giàu mạnh và thịnh vượng cho nhân dân 3 nước, theo kịp với trào lưu của nhân loại", ông Tuấn nói.

Cụ thể “Đại lộ xương sống” theo đề xuất của ông Tuấn sẽ có điểm bắt đầu từ đèo Mụ Dạ (Việt Nam) qua biên giới Việt – Lào, tiếp đến các điểm: NaPao, Mường Phìn, Xa La Van, Champasak. 4 điểm nằm trên đất Lào: Stung reng, Kratie, Bình Phước, 2 điểm nằm trên đất Campuchia tới điểm cuối là Bình Phước (Việt Nam).

Ước tính tổng chiều dài 1.000, trong đó phần đường nằm trên đất Việt Nam 30km, phần nằm trên đất Lào 560km và phần trên đất Campuchia 410km.

“Trên đây tôi chỉ là nêu phát thảo một số điểm. Nếu được nghiên cứu của các chuyên gia, chuyên ngành có kinh nghiệm về giao thông sẽ có sự lựa chọn các điểm và tuyến đường có lợi nhất”, ông Tuấn đề xuất.

Theo ông Tuấn, “Đại lộ xương sống” sẽ rất cần thiết trong những trường hợp 3 nước cần phải hỗ trợ, cứu trợ cho nhau, khi có thảm họa thiên tai, lụt, bão, động đất... Khi đó rất cần sự cứu trợ, chi viện kịp thời. 

Sau con đường đại lộ, ông Tuấn nghĩ đến một con đường xe lửa cao tốc, sẽ chạy song song, phục vụ đi lại cho người dân 3 quốc gia...

Lợi ích thiết thực

Về lợi ích các nước, theo ông Mai Trọng Tuấn nhìn nhận một cách khách quan, Việt Nam là quốc gia có lợi nhiều nhất. ông Tuấn phân tích “Đại lộ xương sống” sẽ là con đường ngắn nhất nối 2 vùng trọng điểm kinh tế của Việt Nam.  Chiếm 81% dân số và 65% diện tích của cả nước Việt Nam và cũng là vựa lúa lớn nhất trên bán đảo Đông Dương (đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng Sông Hồng).

Hiện nay Việt Nam đã có 2 con đường phía Đông và phía Tây, nối Thủ đô Hà Nội với TP.HCM, là 2 Thành phố lớn nhất nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa của nước Việt Nam, cự ly 1.700 km và 1.900 km (tính từ Hà Nội đến TP.HCM). 

Nếu theo “Đại Lộ Xương sống”, cự ly sẽ rút ngắn được trên 300 km cho đường 1A và 500km cho đường Trường Sơn, chỉ còn là 1.400 km (tính từ Hà Nội đến TP.HCM).

Ông Mai Trọng Tuấn (đang đứng phía bên phải) người từng đưa ra ý tưởng đường bay thẳng từ năm 1982
Ông Mai Trọng Tuấn (đang đứng phía bên phải) người từng đưa ra ý tưởng đường bay thẳng từ năm 1982

Trên con đường 1A của Việt Nam, mặc dù đã và đang được mở rộng và nâng cấp tới 4 làn xe, nhưng vì lưu lượng xe Bắc Nam rất lớn, qua nhiều khu dân cư, nhiều điểm lượn, quanh co, tầm nhìn hạn chế, nên các phương tiện qua đường bộ chỉ đạt được vận tốc trung bình 40km/h, gây lãng phí thời gian, tiền của và sức khỏe con người. 

Con đường phía Tây (theo Trường Sơn) cự ly dài hơn 200km, đèo dốc, quanh co, hiểm trở hơn đường phía Đông.

Đặc biệt đường phía Đông, vì lưu lượng xe quá nhiều và ngày càng nhiều hơn, suốt ngày- đêm, nên đó cũng là một nguyên nhân làm tăng số lượng tai nạn giao thông. Có “Đại Lộ xương sống” sẽ phân chia được một lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn, giảm được nhiều tai nạn giao thông. Đặc biệt là tuyến Hà Nội – TP.HCM

Như vậy nếu có được “Đại Lộ xương sống”, việc lưu thông theo đường bộ Bắc Nam của Việt Nam không những rút ngắn được cự ly, vận tốc tăng lên, an toàn cao hơn, chắc chắn sẽ rút ngắn được 40% thời gian...

Đặc biệt vào mùa mưa lũ, các con đường Bắc Nam của Việt Nam thường xuyên bị hư hại, làm ách tắc giao thông đường bộ. Cũng trong thời gian ấy, đường biển lại nhiều giông bão. Nếu có “Đại Lộ xương sống” chạy dọc theo sông MeKong, qua 2 nước bạn Lào và Campuchia, không những nhanh mà còn an toàn hơn.

Trong khi đó với Lào, con đường sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh từ thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào thông thương làm ăn, buôn bán thuận lợi, với thị trường 2 vùng kinh tế trọng điểm của Bắc và Nam, cũng như các địa phương khác của Việt Nam. Đặc biệt là với miền Nam Việt Nam.

Mở rộng khả năng Xuất Nhập Khẩu các nước phía Đông Bắc Châu Á và Đông Nam Trung Quốc qua các cảng biển của Việt Nam. Các tỉnh vùng Hạ Lào lưu thông dễ dàng, làm ăn thuận lợi với vùng phía Nam Campuchia cho đến vịnh Thái Lan.

Với 560 km đường xương sống chạy qua nước Lào, chắc chắn sẽ tạo được một nguồn thu phí giao thông đáng kể và lâu dài, phần lớn nguồn thu sẽ là các phương tiện từ Việt Nam, có thể có tới số lượng hàng chục ngàn chiếc xe mỗi ngày.

Riêng Campuchia, con đường sẽ giúp Campuchia kinh doanh làm ăn thuận lợi, mở rộng thị trường với một vùng lớn phía Bắc Việt Nam, miền Trung Lào và Thượng Lào. Tiếp cận với các tỉnh phía Nam và phía Đông Nam Trung Quốc. Các tỉnh nghèo nằm trong khu Tam Giác (13 tỉnh của 3 nước) có điều kiện phát triển nhanh chóng khi con đường xương sống đi qua.

Bên cạnh đó, Campuchia cũng có được nguồn thu phí đáng kể và lâu dài trên xa lộ có cự ly 410km, mà phần lớn nguồn thu là các phương tiện giao thông của Việt Nam.

Một thuận lợi đặc biệt, Hội nghị cấp cao 3 nước Campuchia – Lào – Việt Nam, đã họp tại Thủ đô Viêng Chăn của nước Lào tháng 11/2004, đã thống nhất ký hiệp định C.L.V. Định hướng phát triển đến năm 2020. Quy hoạch về tam giác phát triển 3 quốc gia. Phải xây dựng mới khu tam giác phát triển gồm 13 tỉnh nghèo.

Sau khi bổ sung thêm 3 tỉnh: Bình Phước (Việt Nam), Kratie (Campuchia), Champasak (Lào). Tổng diện tích của 13 tỉnh là 143.000km2 người.

“Đại lộ xương sống” đi qua khu vực tam giác cần phát triển này, sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng theo hiệp định C.L.V, mà cấp cao 3 nước đã ký kết, chắc chắn sẽ thuận lợi nhiều hơn. Dân gian vẫn có câu nói rằng: “Mở đường đến đâu, dân giàu đến đấy” ông Tuấn kết luận.

Mai Anh